Theo các nguồn tin trong ngành, Apple đang thua lỗ khoảng 1 tỷ USD mỗi năm từ dịch vụ Apple TV+. Gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Cupertino đã chi khoảng 5 tỷ USD chi phí sản xuất nội dung hàng năm từ khi dịch vụ này ra mắt vào năm 2019, nhưng đã bắt đầu cắt giảm khoản chi này. Năm 2024, CEO Tim Cook đã quyết định giảm 500 triệu USD trong ngân sách sản xuất nội dung của Apple TV+, do các bộ phim có kinh phí cao không mang lại hiệu quả mong đợi.
Việc các công ty công nghệ phải chịu những khoản thua lỗ lớn khi bắt đầu triển khai vận hành những dịch vụ mới để thu hút khách hàng không phải là điều quá hiếm. Thông thường, các công ty sẽ giữ chi phí đăng ký ở mức thấp. May mắn cho Apple bởi họ là một công ty có lợi nhuận cao, vì vậy thành công từ các lĩnh vực kinh doanh khác có thể giúp Táo Khuyết duy trì khoản lỗ trong quá trình xây dựng dịch vụ streaming của mình. Apple hiện đạt mức vốn hóa gần 4.000 tỷ USD, với lợi nhuận ròng 93,7 tỷ USD trong năm tài chính gần nhất. Vì vậy, khoản lỗ 1 tỷ USD/năm từ Apple TV+ vẫn nằm trong khả năng kiểm soát.
Có thể kể đến một số chương trình nổi tiếng nhất của AppleTV bao gồm Severance, Ted Lasso, The Morning Show, Shrinking và Silo. Thế nhưng bất chấp việc Apple đang chi tiêu mạnh tay cho những chương trình như thế này, thực thế cho thấy chúng được cho là vẫn tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh, bất chấp việc Apple không công bố chi tiết về số lượng người đăng ký.
Theo khảo sát từ năm nhà phân tích của Visible Alpha, Apple TV+ có khoảng 40,4 triệu người đăng ký tính đến cuối năm 2024. Con số này thấp hơn nhiều so với Netflix (301,63 triệu người đăng ký), Disney+ (124,6 triệu) và Warner Bros Discovery (116,9 triệu).
Số liệu thống kê cho thấy tính đến tháng 2/2025, Apple TV+ chỉ chiếm chưa đến 1% tổng lượt xem trên TV tại Hoa Kỳ. Trong khi đó, Netflix đạt 8,2% và Max (HBO Max) đạt 1,2%.
Số lượng người đăng ký Apple TV+ thấp hơn có thể do một số yếu tố. Thứ nhất, dịch vụ này gắn chặt với hệ sinh thái Apple và yêu cầu người dùng phải có thiết bị Apple để thực hiện một số thao tác, điều này có thể khiến nhiều khách hàng tiềm năng không sở hữu thiết bị Apple e ngại. Thứ hai, Apple dường như tập trung nhiều hơn vào việc sản xuất nội dung chất lượng cao, vốn không nhất thiết phải có sức hấp dẫn đại chúng.