Danh sách các sản phẩm lỗi thời của Apple sắp kết nạp thêm một thành viên mới: Dòng MacBook 12 inch thế hệ đầu đình đám một thời. Theo báo cáo mới đây từ MacRumors, Apple dự kiến sẽ chính thức khai tử dòng MacBook 12 inch vào ngày 30 tháng 6 tới đây.
MacBook 12 inch thế hệ đầu tiên được ra mắt vào tháng 3 năm 2015, với giá khởi điểm 1.299 USD. Mẫu laptop nhỏ gọn này được trang bị CPU lõi kép Intel Core M 1.1 GHz đồ họa tích hợp, kết hợp với RAM LPDDR3 8GB cũng bộ nhớ trong SSD 512GB. Sản phẩm này trên thực tế bị ngừng sản xuất vào tháng 4 năm 2016 sau khi Apple phát hành phiên bản MacBook 12 inch thế hệ tiếp theo.
MacBook 12 inch 2015 gây tiếng vang lớn ở thời điểm ra mắt nằm ở việc nó chỉ được trang bị hai cổng kết nối trên toàn bộ thân máy: Giắc cắm âm thanh 3,5mm và cổng USB-C đa chức năng hỗ trợ USB 3.1 Gen 1, HDMI, VGA và DisplayPort 1.2. Điều này giúp mang lại thiết kế mỏng gọn, liền mạch và bắt mắt cho thiết bị. Nhưng đổi lại người dùng cũng phải mua một bộ chuyển đổi USB-C riêng để có thêm các tùy chọn kết nối.
Ngoài ra, đây còn là mẫu máy tính xách tay đầu tiên của Apple có cổng USB-C và cũng là chiếc MacBook đầu tiên xuất xưởng mà không có sạc MagSafe vào thời điểm đó. Cuối năm 2021, dòng MacBook Pro chạy chip M-series của Apple được phát hành với đầu nối sạc MagSafe 3.
MacBook 12 inch 2015 là một trong những máy tính xách tay nhẹ nhất trên thị trường với trọng lượng chỉ 0.9kg, và đây cũng là máy tính xách tay không quạt đầu tiên của Apple. Viên pin 39,7 Wh cung cấp cho máy thời gian chờ lên tới 30 ngày và khoảng 9 giờ duyệt web.
Theo quy định của Apple, một sản phẩm sẽ được xếp vào danh sách lỗi thời về mặt công nghệ khi đã hơn 7 năm trôi qua kể từ khi công ty ngừng phân phối. MacBook 12 inch thế hệ đầu đã ngừng sản xuất vào tháng 4/2016 sau khi công ty phát hành thế hệ thứ hai với thông số kỹ thuật được nâng cấp, tính đến nay đã vượt qua mốc 7 năm theo quy định.
Việc bị Apple đưa vào danh sách các sản phẩm lỗi thời, đánh dấu giai đoạn hạn chế các dịch vụ hỗ trợ tích cực cho mẫu MacBook này, về cả phần cứng lẫn phần mềm, không có ngoại lệ. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm sẽ không còn nhận được dịch vụ hỗ trợ sửa chữa phần cứng từ Apple hoặc các nhà cung cấp dịch vụ được ủy quyền của Apple nữa.