Tin, bài về bóng đá trên trang thể thao các báo, những trận truyền hình trực tiếp hoặc phát lại... chỉ là "món ăn lót dạ" của những “fan ruột” của trái bóng tròn.
Trong thời buổi máy tính và mạng phổ biến như... dụng cụ làm bếp, các fan đã tự “chế” cho mình nhiều món ngon, nóng sốt, có hương vị riêng và luôn luôn mới.
Chuyện về “gia đình mang dòng máu đỏ đen”
Đêm 7 và cả ngày 8-4 vừa qua có lẽ là một trong những ngày u ám nhất của hàng triệu con tim yêu mến AC Milan (ACM) khi đội bóng này có trận thua “ngoài sức tưởng tượng” trước Deportivo La Coruna tại lượt về tứ kết Champions League.
Alessandro_nesta76@ cũng thế. Anh tự nhủ sẽ không mua bất kỳ một tờ báo nào vào sáng 9-4 để không nghe, không đọc, không thấy họ chỉ trích, dè bỉu ACM của mình. Alessandro_nesta76@ tâm sự trên mạng: “Tôi chỉ còn biết tìm đến ngôi nhà chung của chúng ta, ACM.VN, nơi tôi sẽ gặp những bạn đồng cảnh ngộ, cùng có niềm đam mê với tôi và luôn muốn xây dựng một Milan lớn mạnh”.
Nick này còn thơ thẩn đầy triết lý: “Đừng thở dài và hãy vươn vai mà sống, bùn ở dưới chân nhưng nắng ở trên đầu”. Đây chỉ là một trong số rất nhiều mẩu chuyện cảm động về một “gia đình mang dòng máu đỏ đen” (màu áo truyền thống của ACM - như cách nói của các thành viên website này) với gần 2.000 thành viên chính thức tại “ngôi nhà” www.acmilanvn.com.
Với nhiều thành viên của ACM.VN, họ cho rằng dường như tình yêu (bóng đá) của họ đã vượt qua biên giới, và ngay tại VN họ vẫn có thể ăn, ngủ và sống cuộc sống bóng đá với ACM. Trên tất cả, họ có thể gắn kết với nhau vì một niềm đam mê chung.
Có lẽ cũng chính công thức này mà gần đây nhất, thêm hai “gia đình” mới tiếp tục xuất hiện trên mạng và phát triển cũng rất nhanh chóng: “gia đình” của những người yêu Manchester United (www.fcmanutdvn.com) và Bayern Munich (www.fcbayernvn.com).
Và lý do để người ta yêu một đội bóng nào dường như chỉ đến khi lên mạng mới mạnh dạn tiết lộ. Chẳng hạn thành viên của ACM bắt đầu là những người đã từng “thấy tội tội” cho đội bóng màu thiên thanh (đội Ý) khi đội này thất bại ở trận chung kết World Cup 1994, có người mê vì “đội này có hai người trung thành là Baresi và Maldini”, người thì mê Van Basten, mới nhất là Shevchenko…
Giữ chân fan trên mạng?
Ngoài một số website riêng kể trên và các forum trên nhiều mạng khác như www.ttvnol.com hay www.baobongda.com, www.vnn.vn…về các đội ở giải ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha, Đức, Brazil, Ý, V-League, thậm chí còn có những “đạo quân” thu hút rất nhiều người tham gia như “Diễn đàn dành cho các bạn yêu bóng đá nhưng không yêu Manchester United (Anti MU Club)”!
Điều gì đã giữ chân các fan trên mạng? Một bài viết trên www.baobongda.com đã lý giải: “Không ồn ào và nghẹt thở như San Siro, không nóng bỏng và rực lửa như Old Trafford, cũng chẳng đam mê, cuồng nhiệt như Mỹ Đình những ngày SEA Games. Ở đây chỉ có sự yên lặng, một sự yên lặng đầy màu sắc và cũng không kém phần sôi động”.
Sự sôi động này bắt đầu từ lượng thông tin vô cùng dồi dào về đội bóng ruột và chúng ta có thể cảm nhận ngay “sức nóng” và sức sống của những tấm ảnh, những mẩu tin đủ nội dung (lịch thi đấu, chuyện hậu trường, lịch sử CLB, bài hát...), những bài bình luận của rất nhiều tác giả nhưng vô cùng chất lượng và sâu sắc. Đặc biệt những bài viết của các phóng viên thể thao, fan của CLB sẽ là những “món ăn ngon nhất”, dù có khi cảm giác đó tất cả là do tình yêu đội bóng quyết định.
Nơi “nóng” nhất của loại hình bóng đá trên mạng này phải kể đến các diễn đàn thảo luận trực tuyến, hầu như website nào ngoài phần tin tức đều dành “đất” để phát triển diễn đàn, nơi khởi nguồn của các chủ đề thảo luận nảy lửa của các fan. Chính từ các diễn đàn này, nhiều fan “tự nhiên thấy yêu đội bóng của mình hơn và yêu những người bạn cùng “một dòng máu hơn” - như lời của một fan tâm sự.
Nhiều ban điều hành của các website bóng đá quyết tâm biến sân chơi của mình thành một sân chơi chỉ có tranh luận trong fair - play, không có những màn đấu khẩu bậy bạ, kích động...
Trên hết, sau những lần “so chân” căng thẳng trên các diễn đàn, các fan ở các “chi hội” lại có cơ hội offline như đi đá bóng và xem bóng đá, đi uống cà phê, xem phim, thăm viếng nhau khi đau ốm… để tăng thêm tình cảm với đội bóng, với sân cỏ mạng của mình và với các thành viên trong “gia đình”.
Chẳng phải ngẫu nhiên khi một fan đã phải thốt lên về các sân cỏ mạng này, đó là: “nơi có những fan chân chính và nơi có những tình yêu thật trên không gian ảo”.