Với ưu thế nhân xử lý đồ họa, các chip APU mới của AMD vẫn có được những lợi thế nhất định khi hãng đặt chân vào thị trường di động.
Thị trường máy tính truyền thống đang dần thu hẹp trước áp lực cạnh tranh mạnh mẽ của thiết bị di động và không đứng ngoài xu thế chung, AMD cũng đã lấn sân sang thị trường di động với 2 mẫu APU mới là Temash và Kabini.
Lộ trình phát triển sản phẩm mới của AMD trong năm 2013. (Ảnh: wccftech.com).
Temash và Kabini là hai mẫu SoC (system on chip) sản xuất trên công nghệ 28 nm, sử dụng nhân Jaguar (phiên bản phát triển lên từ Brazos 2.0) với kiến trúc đồ họa GCN (Graphics Core Next) giúp cải thiện khả năng xử lý đa luồng của GPU, có thể tận dụng tốt hơn năng lực xử lý đồ họa với nhiều ống lệnh cùng lúc mà không ảnh hưởng đáng kể đến hiệu năng tổng thể.
Temash trang bị 2 nhân Jaguar, thiết kế cho máy tính bảng Windows 8 trong khi Kabini có từ 2 đến 4 nhân Jaguar, thiết kế hướng đến dòng máy tính xách tay siêu di động (ultrathin) và thiết bị lai giữa máy tính xách tay và máy tính bảng.
Đại diện của công ty đầu tư và tư vấn tài chính Motley Fool nhận định, trái ngược với sự đón nhận tích cực khi ra mắt dòng sản phẩm mới, APU Temash và Kabini được trình làng có phần lặng lẽ và dường như chúng không giúp AMD cạnh tranh tốt hơn trong thị trường di động.
Tương tự Intel, AMD cũng phát triển hai dòng chip xử lý riêng biệt hướng đến những nhu cầu khác nhau, trong đó dòng chủ đạo dành cho máy tính xách tay cao cấp, máy tính để bàn và máy chủ và dòng ít quan trọng hơn, có thị phần nhỏ hơn, dành cho máy tính giá rẻ, máy tính bảng và thiết bị chơi game (game console).
Bảng so sánh tính năng và những thay đổi của APU Jaguar so với Bobcat. (Ảnh: Wccftech.com).
Một thực tế là AMD đang mất dần thị phần ở phân khúc thị trường quan trọng do không phải là đối thủ ngang tầm với Intel. Tuy nhiên, ở phân khúc thị trường kém quan trọng hơn, những gì AMD đã và đang làm rất đáng ghi nhận. Chẳng hạn trong năm 2012, AMD tung ra mẫu chip dùng vi kiến trúc Bobcat có mức tiêu thụ điện năng thấp hơn so với chip Intel Atom vào cùng thời điểm.
Vấn đề là Intel đã rút được bài học từ chip SoC đầu tiên tên mã Medfield. Hiện tại, Intel đang tích cực đẩy mạnh chip Atom kiến trúc Silvermont trong lộ trình phát triển chip năm 2013 – 2014. Trong đó, Atom Bay Trail-D dành cho máy tính để bàn, Bay Trail-M cho laptop và Bay Trail-T dành cho máy tính bảng và thiết bị lai.
Khác với trước đây là các chip cấp thấp của Intel thường là phiên bản cắt giảm (cut down) từ những chip kiến trúc Core. Nhược điểm của giải pháp này là hiệu năng chip thấp trong khi giá bán lại cao và “ngốn” nhiều năng lượng - một sự thua kém toàn diện trước các sản phẩm của Qualcomm và Broadcom Corp.
Những chip Bay Trail mới gần như được thiết kế lại hoàn toàn, sử dụng vi kiến trúc Silvermont và áp dụng công nghệ sản xuất 22 nm với bóng bán dẫn 3-D (FinFET). Điều này đồng nghĩa với những chip Bay Trail của Intel sẽ có năng lực xử lý tốt hơn đồng thời mức tiêu thụ điện năng thấp hơn so với các APU 28 nm của AMD.
Dù vậy với thế mạnh về chip xử lý đồ họa, AMD vẫn có thể tạo được sự cạnh tranh qua việc phát triển các mẫu APU Jaguar cho máy tính bảng, thiết bị lai và đây cũng là ưu thế của hãng trước những đối thủ khác khi đặt chân vào thị trường di động.