Apple có truyền thống chiếm trọn “spotlight” mỗi khi ra mắt bất cứ sản phẩm công nghệ mới nào, và trường hợp của các mẫu MacBook chạy chip ARM ra mắt tháng 11 vừa qua cũng không phải là ngoại lệ, hay cụ thể hơn là chipset M1.
M1 là con chip silicon tùy chỉnh đầu tiên của Apple và được sử dụng riêng trên dòng máy tính Mac của hãng nhằm thay thế chip Intel truyền thống, biến Macbook trở thành các mẫu PC ARM đúng nghĩa - cấu trúc vi xử lý vốn thường xuất hiện trên các thiết bị công nghệ nhỏ gọn như điện thoại thông minh, máy tính bảng. Apple hiện đã tung ra thị trường 3 mẫu MacBook đầu tiên chạy chip M1 bao gồm: MacBook Air, MacBook Pro 13-inch, và Mac mini. Các sản phẩm này đã lập tức gây tiếng vang lớn khi liên tục nhận được những phản hồi tích cực về hiệu năng rất tốt mà con chip M1 mang lại. Điều này đồng thời cũng đã khiến thị trường PC ARM vốn đang vô cùng ảm đạm bất ngờ trở nên cực kỳ sôi động.
Nói cách khác, con chip ARM mà Apple phát triển riêng cho các mẫu PC của mình dường như đã chứng minh được khả năng đạt hiệu suất thực sự cao, và điều này khiến các nhà sản xuất khác phải nghiêm túc xem xét trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Apple Silicon. Một trong số đó là AMD - được cho đang gấp rút phát triển những con chip dựa trên kiến trúc ARM, có thể là đối thủ xứng tầm của bộ vi xử lý M1.
Rất ít thông tin được đưa ra vào thời điểm này, nhưng các nguồn tin rò rỉ uy tin cho thấy AMD đã lên kế hoạch phát triển hai con chip ARM khác nhau để cạnh tranh với Apple Silicon, “một phiên bản có RAM tích hợp và một phiên bản không nó”. Các bộ xử lý này được cho là đang bước vào những giai đoạn thử nghiệm/đánh giá cuối cùng, nhưng hiện tại phía AMD vẫn cực kỳ kín tiếng.
Nếu không có gì thay đổi, AMD chắc chắn sẽ tham gia CES 2021 diễn ra vào tháng 1 tới đây, vì vậy rất có thể những thông tin chính thức đầu tiên về các mẫu chipset này cũng sẽ được đưa ra trong khuôn khổ sự kiện.
AMD và ARM
Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa AMD là một “tấm chiếu mới” trong mảng chip ARM. Cách đây chưa đến 6 năm, AMD đã phát triển một con chip có tên K12 và về cơ bản đây là một bộ xử lý ARMv8 64-it tùy chỉnh nội bộ được hãng phát triển cho một số mẫu laptop nhỏ gọn. Tuy nhiên, quá trình phát triển dường như không diễn ra thực sự suôn sẻ. Hai năm sau, AMD giới thiệu K12 Core, con chip ARM thực sự đầu tiên của hãng, nhưng cuối cùng đã bị khai tử trước khi có thể tạo ra bất cứ sự ảnh hưởng đáng kể nào trong ngành công nghiệp PC.
Đầu năm nay, đã có những nguồn tin gợi ý về việc AMD có thể khởi động lại dự án K12 với tên gọi mới: K12 FFX. Nếu điều này là chính xác thì rất có thể mọi chuyện sẽ được làm sáng tỏ trên sân khấu CES 2021 tới đây. Hãy cùng chờ xem!