Amazon đang khiến nhiều công ty sản xuất máy tính khác phải e ngại khi họ sẵn sàng hy sinh lợi nhuận phần cứng để thu tiền từ hoạt động bán ứng dụng và nội dung.
Apple rất khó bị đánh bại
Ông Tim Bajarin, Chủ tịch Công ty nổi tiếng về nghiên cứu và phân tích thị trường Creative Strategies cho biết, Creative Strategies đã từng nhận được đơn đặt hàng của một hãng công nghệ đa quốc gia nổi tiếng (ông Bajarin xin được giấu tên), yêu cầu đánh giá những tác động mà Amazon có thể gây ra cho công ty này.
Mặc dù không đồng ý thực hiện yêu cầu trên, song Creative Strategies thấy đây là một vấn đề khá thú vị và quyết định tìm hiểu. Kết quả khảo sát cho thấy, Amazon thực sự đang gây ra mối sợ hãi cho nhiều hãng công nghệ lớn, tương tự theo cách mà Apple thống trị ngành công nghệ tiêu dùng.
Nói về nỗi sợ hãi mà Apple gây ra cho các đối thủ, ông Bajarin cho rằng đó là vì giác quan thứ sáu của Apple - Họ có khả năng đoán trước thị hiếu của khách hàng, thậm chí ngay cả khi khách hàng chưa biết họ thực sự muốn gì.
Nhiều người tin rằng giác quan của Apple xuất phát từ “linh cảm” đặc biệt về sản phẩm của cố Tổng giám đốc Steve Jobs. Ông Bajarin cho biết, mặc dù Apple không tập trung nhiều vào hoạt động nghiên cứu khách hàng, các nhà điều hành Apple luôn chế tạo những sản phẩm mà chính bản thân họ cảm thấy yêu thích và muốn sử dụng, dựa vào đó để lên ý tưởng về tính năng và thiết kế sản phẩm.
Apple cũng không nhất thiết phải tự phát minh ra các loại hình sản phẩm. Trong thực tế, họ chỉ sản xuất những loại sản phẩm đã có trước trên thị trường, nhưng phải là thương hiệu tốt nhất ở loại hình đó. Ví dụ, Apple không phát minh ra máy nghe nhạc MP3, nhưng iPod của Apple là máy nghe nhạc MP3 tốt nhất lịch sử. iPhone và iPad cũng tương tự như vậy.
Apple còn tiến xa hơn nữa bằng cách lấy thiết bị phần cứng làm phương tiện để người dùng truy cập ứng dụng phần mềm và dịch vụ, tạo ra một hệ sinh thái tuyệt vời cho khách hàng. Điều này không chỉ tạo ra sự khác biệt giữa Apple với các đối thủ, mà còn khiến họ trở nên khó bị đánh bại.
Amazon kiếm tiền từ phần mềm
Vì cuộc cạnh tranh trên thị trường phần cứng ngày càng khốc liệt, các nhà cung cấp PC phải đua nhau giảm giá bán, lợi nhuận phần cứng do đó mà giảm sút. Trong khi một vài nhà cung cấp vẫn kiên trì với chiến lược cũ là chỉ bán phần cứng, hy vọng đạt được doanh số đủ lớn để thu về lợi nhuận từ 5-10%, thì Amazon lại lựa chọn con đường kiếm tiền từ ứng dụng và dịch vụ. Điều này được Amazon khẳng định trong lễ ra mắt Kindle Fire HD tổ chức tại Los Angeles đầu tháng 9 vừa qua. Tại đây, Tổng giám đốc Jeff Bezos tuyên bố là Amazon không kiếm tiền từ phần cứng, thay vào đó, họ dùng thiết bị làm phương tiện để khách hàng truy cập các dịch vụ và ứng dụng phần mềm mà Amazon cung cấp.
Phương pháp tấn công thị trường của Apple và Amazon khác nhau ở chỗ: Apple cung cấp những lựa chọn tốt nhất ở cả hai lĩnh vực phần cứng và phần mềm. Apple thu về lợi nhuận ít nhất 27% từ mỗi loại sản phẩm bán ra, cộng thêm khoản tiền kiếm được từ việc bán ứng dụng, nội dung và dịch vụ. Trong khi đó, Amazon bằng lòng với việc hy sinh lợi nhuận phần cứng và hầu như chỉ thu tiền từ sản phẩm phần mềm và dịch vụ mà khách hàng sử dụng trên thiết bị.
Hai mô hình kinh doanh này gây rất nhiều khó khăn cho những đối thủ chỉ kiếm tiền từ kinh doanh phần cứng. Trong khi Apple đã thống trị thị trường cao cấp, Amazon lại đe dọa cơ hội trên thị trường giá rẻ của các đối thủ, vì hiện nay, chưa có công ty sản xuất máy tính nào có khả năng phát hành hệ sinh thái phần cứng và phần mềm sánh được với hệ sinh thái của Amazon.