Amazon chính thức bị EU điều tra với cáo buộc độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh

Mới đây, Uỷ ban Cạnh tranh Công bằng của Liên minh châu Âu EU đã chính thức thông báo mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Amazon nhằm xác định xem có hay không việc công ty công nghệ lớn nhất thế giới này lợi dụng dữ liệu bán hàng để thu về lợi thế không công bằng, đè bẹp các nhà bán lẻ có quy mô nhỏ hơn trên chính nền tảng Amazon Marketplace của họ.

Nếu bạn chưa biết, Marketplace là một nền tảng thương mại điện tử được đặt dưới quyền sở hữu và vận hành bởi chính Amazon, cho phép người bán bên thứ ba bán sản phẩm mới hoặc đã qua sử dụng trên thị trường trực tuyến giá cố định, cùng với các dịch vụ thông thường của Amazon.

Amazon chính là công ty công nghệ lớn tiếp theo bị EU "sờ đến"Amazon chính là công ty công nghệ lớn tiếp theo bị EU "sờ đến"

Trở lại với thông báo điều tra, phía EU cho biết họ sẽ xem xét kỹ lưỡng các thỏa thuận của Amazon với thương gia, nhà bán lẻ bên thứ ba trên thị trường, cũng như cách thức công ty thương mại điện tử này sử dụng dữ liệu nhằm lựa chọn nhà bán lẻ để liên kết, thông qua việc sử dụng tính năng “Buy Box” trên trang web của họ.

Thông báo trên được đưa ra trùng với thời điểm Amazon công bố một số thay đổi quan trọng đối với thỏa thuận dịch vụ của bên bán thứ ba, nhằm đáp ứng một cuộc điều tra cũng về chống độc quyền khác, nhưng được tiến hành riêng biệt bởi các nhà quản lý thị trường Đức.

“Trong vài năm trở lại đây, thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh gay gắt hơn trong thị trường bán lẻ, đồng thời mang lại nhiều sự lựa chọn cũng như giá cả hợp lý hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên vấn đề độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng nên được xem xét kỹ lưỡng. Chúng ta cần đảm bảo rằng các nền tảng trực tuyến lớn không vì lợi ích cá nhân mà đưa ra những chính sách cạnh tranh bất hợp pháp, nhằm bóp ngạt những đối thủ quy mô nhỏ hơn. Với lý do đó, Uỷ ban Cạnh tranh Công bằng đã quyết định mở một cuộc điều tra để xem xét lại các hoạt động kinh doanh của Amazon cũng như vai trò kép: vừa là nhà cung cấp nền tảng vừa là nhà bán lẻ, của công ty này để đánh giá mức độ tuân thủ các quy tắc cạnh tranh mà EU đã đặt ra”, Ủy viên Uỷ ban Cạnh tranh Công bằng EU, bà Margrethe Vestager phát biểu.

Các nhà quản lý châu Âu luôn tỏ ra đặc biệt quan tâm đến các hành vi gian lận trên thị trường trực tuyếnCác nhà quản lý châu Âu luôn tỏ ra đặc biệt quan tâm đến các hành vi gian lận trên thị trường trực tuyến

Sau khi thông báo trên được đưa ra, phía Amazon cũng đã có ý kiến, cho biết công ty sẽ tích cực hợp tác với Ủy ban châu Âu, đồng thời sẽ “tiếp tục làm việc nghiêm túc, triển khai những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như nhà bán lẻ ở mọi cấp độ và giúp họ phát triển hơn nữa trên Marketplace”.

Không rõ rằng liệu những thay đổi mới đối với thỏa thuận dịch vụ trên Marketplace mà Amazon vừa mới đưa ra sẽ đem lại ảnh hưởng như thế nào đến quá trình điều tra. Đây về cơ bản là một gói những thay đổi sẽ được áp dụng trên diện rộng, trong đó, Amazon đã đồng ý sẽ đưa ra thông báo trước 30 ngày và lý do về quyết định loại bỏ một nhà bán lẻ bất kỳ khỏi nền tảng của mình. Điểm đáng lưu ý là các thương nhân sẽ có thể kiện Amazon ra tòa án ở nước họ trong trường hợp phát hiện mình bị đối xử bất công, thay vì phải đệ đơn lên tòa án châu Âu ở Luxembourg như hiện nay.

Sau khi Amazon công bố những thay đổi, sẽ có hiệu lực trong 30 ngày, các nhà quản lý thị trường Đức đã đồng ý tạm hoãn cuộc điều tra. Trước đó vào tháng 9 năm ngoái, các nhà quản lý châu Âu tuyên bố rằng họ đang xem xét sơ bộ về những hoạt động thu thập dữ liệu của Amazon.

Đây là cuộc điều tra chống độc quyền mới nhất và nhiều khả năng sẽ là cuối cùng được chủ trì bởi bà Margrethe Vestager, người đứng đầu Uỷ ban Cạnh tranh Công bằng EU trong 5 năm qua. Trong nhiệm kỳ của mình (dự kiến kết thúc vào tháng 10 tới đây), bà Vestager đã cho tiến hành các cuộc điều tra chống độc quyền đối với gần như tất cả các đại gia công nghệ lớn nhất thế giới đang có mặt tại châu Âu, bao gồm Google, Qualcomm và Facebook, cùng với đó là những án phạt “không tưởng” đã được đưa ra. Ngay cả một công ty rất ý khi vướng vào các scandal về gian lận thị trường như Apple cũng đã bị buộc phải trả lại 15.4 tỷ đô la tiền thuế, nhờ vào phán quyết của bà Margrethe Vestager.

Margrethe VestagerBà Margrethe Vestager, người đứng đầu Uỷ ban Cạnh tranh Công bằng EU

Cho đến nay, Amazon luôn cố gắng tránh đến mức tối đa việc vướng vào án phạt của các nhà quản lý EU, thế nhưng kết quả của cuộc điều tra này có thể khiến mọi sự cố gắng đó của công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới này “đổ sông đổ bể”.

Thứ Sáu, 19/07/2019 13:30
53 👨 227
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ