Rõ ràng nhất là vụ Apple - Nokia. Tính đến quý 4 năm 2010, Nokia vẫn chiếm hơn 50% thị phần smartphone, còn Apple vỏn vẹn có 5,2%. Chỉ trong nháy mắt, Apple vươn lên dẫn đầu còn Nokia ngậm ngùi với xếp hạng 3.
Hầu hết mọi công ty đều muốn chiếm lĩnh vị trí số 1 trong thị trường của mình. Tuy vậy, một khi đã đứng ở vị trí đó, họ lại gặp khó khăn với việc giữ vững địa vị trong thời gian dài.
Họ bị tấn công bởi những công ty nhỏ hơn, khôn khéo hơn và có những sản phẩm tốt hơn hay tạo ra những cải cách khiến cả nền công nghiệp cũng như cách phục vụ khách hàng thay đổi.
Dưới đây là danh sách một số tập đoàn đứng đầu đã bị đối thủ nhỏ hơn lật đổ trong chính thị trường của mình.
Bài viết nhìn nhận những điểm yếu của các tập đoàn từng đứng đầu thị trường này cũng như tại sao và làm thế nào họ lại bị đối thủ của mình đánh đổ.
Yahoo! và Google
Thật khó mà tin được Google lại có lúc nào đó không đứng đầu thế giới công cụ tìm kiếm, mà lại chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường này. Trong thời gian đầu của sự bùng nổ internet, những công cụ tìm kiếm như Lycos, Excite, AskJeeves và các công cụ khác đã ra sức cạnh tranh trong thị trường béo bở này. Tuy vậy, đến cuối thế kỉ 20, Yahoo! nổi lên như công cụ tìm kiếm hàng đầu sau khi sống sót qua thời kì bong bóng dotcom đã khiến các công ty nhỏ hơn gặp khốn đốn. Yahoo! sau đó đã mua lại hầu hết những công ty này. Năm 2000, Yahoo! có 56% thị phần trong thị trường công cụ tìm kiếm, gấp 6 lần đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của hãng.
Google có khoảng 1% thị phần tính đến tháng 6 năm đó. Năm 2001, Yahoo! bắt đầu sử dụng thuật toán tìm kiếm của Google. Và khi Google bắt đầu cạnh tranh giành thị phần, cũng là lúc Yahoo! đánh mất nghị lực của mình một cách nhanh chóng. Đến năm 2002, sự phổ biến của công cụ hiệu quả của Google đã tăng tiến theo hàm số mũ. Thị phần của Google lúc đó lên tới 31,8%, so với con số 36,3% của Yahoo. Trong 8 năm tiếp theo, Google đã lên đến đỉnh cao, gần như độc chiếm thị trường. Theo công ty nghiên cứu thị trường Comscore, tính đến tháng 7 năm nay, Google đã có 65% thị phần, trong khi đó, đối thủ mạnh nhất của hãng là Yahoo! chỉ chiếm có 16,1%.
Dell và HP
Dell từng dẫn đầu thế giới về doanh thu PC toàn cầu, với 13% thị phần. Nhãn hiệu Compaq đã quá cố của hãng giờ đây xếp vị trí thứ hai với 11,2% thị phần. Qua một thập kỉ, viễn cảnh thị trường máy tính cá nhân đã thay đổi khủng khiếp. Tháng 5/2002, HP đã mua lại Compaq với giá 25 tỷ USD.
Đến năm 2005, Dell vẫn đứng đầu thị trường máy tính cá nhân với 17,2% thị phần, nhưng HP đã nhanh chóng rút ngắn khoảng cách và chiếm 14,7% thị phần vào lúc đó. Trong vòng chưa đến 3 năm, vào quý thứ 3 của năm 2008, HP đã vượt mặt Dell và chiếm lĩnh vị trí số 1 kể từ đó. Đến quý 2 năm 2011, HP đã tăng khoảng cách lên đến 5% (thị phần 17,5% so với 12,5% của Dell). Trong khi đó, Lenovo cũng đang giành giật thị phần và chỉ đứng liền sau cựu thống lĩnh thị trường Dell với mức thị phần 12%. Hãng này có lẽ sẽ sớm vượt Dell nếu mức tăng trưởng hàng năm 22,5% vẫn tiếp tục giữ vững. Trong khi đó, tăng trưởng của Dell chỉ đạt có 3%.
Nokia và Apple
Quý thứ 4 năm 2007, Nokia vẫn chiếm giữ hơn 50% thị trường smartphone (điện thoại thông minh) toàn cầu, theo sau là Blackberry của hãng RIM (Research In Motion) với 10,9%, và Apple chỉ chiếm có 5,2%. Tuy vậy, Apple lúc đó đã thống trị thị trường thiết bị nhạc kĩ thuật số trong nhiều năm, cũng nung nấu ý đồ thống trị thị trường smartphone chỉ trong vòng chưa đến 4 năm.
Đến tận quý 4 năm 2010, iPhone của Apple vẫn chỉ duy trì mức thị phần nhỏ - 16,1%, bằng nửa già thị phần của Nokia – 28%. Nhưng những con số doanh thu đập vào mắt đã nhanh chóng đưa công ty của Steve Jobs lên vị trí hàng đầu. Đến quý 2 năm 2011, theo IDC, công ty này đã chiếm 19,1% thị phần với tăng trưởng hành năm lên tới 141%. Nokia, đã bị đẩy xuống vị trí thứ 3 sau Samsung, chỉ còn giữ 15,7% thị phần, và mức tăng trưởng thụt lùi – 30,7%.
Myspace và Facebook
Tháng 7/2005, Tập đoàn News Corporation của ôm trùm truyền thông Rupert Murdoch đã mua lại Myspace với giá 580 triệu USD, khi đó giới hạn thành viên tham gia Facebook vẫn chỉ dừng lại trong phạm vi các trường đại học. Theo Comscore, tháng 5/2007, Facebook đã vượt Myspace về số lượt truy cập 1 tháng, Myspace lúc đó vẫn đang duy trì con số 70 triệu lượt. Đến tháng 5 năm nay, Facebook đã có gần 160 triệu lượt truy cập/tháng. Trong khi đó, Myspace đã giảm xuống chỉ còn 40 triệu lượt và con số này sau đó vẫn tiếp tục giảm. Đến tháng 6, tỷ phú Murdoch đã bán công ty đang lụi tàn với giá 35 triệu USD, thấp hơn đến 93% so với mức giá mà tập đoàn News Corporation đã bỏ ra để mua công ty này.
Đứng ở vị trí số 1 cũng có nhiều bất lợi. Các tập đoàn hàng đầu thị trường thường là mục tiêu cho các đối thủ tranh giành thị phần.
CNN và Fox
Đầu thế kỉ 21, CNN thống trị lĩnh vực mạng lưới thông tin cáp với số lượt xem vào giờ cao điểm lên đến 800.000, so với con số 500.000 của kênh Fox News (FNC). Cuộc chiến tại Afghanistan đã thúc đẩy mạnh số lượng người xem của các mạng tin tức lớn, trong đó số người xem của FNC tăng vọt. Năm 2002, Fox có gần 1,5 triệu người xem vào giờ cao điểm, trong khi CNN phải chật vật để giữ số người xem hơn 1 triệu.
Xu hướng vẫn tiếp tục xuyên suốt cả thập kỉ, và đến năm 2004, không chỉ đơn giản là hãng tin tức cáp đứng đầu, Fox News đã hoàn toàn trở thành kẻ thống trị. Năm 2008, Fox có nhiều người xem vào giờ cao điểm hơn cả CNN, HLN và MSNBC cộng lại. Tính đến tháng 7 năm nay, con số người xem vào giờ cao điểm của Fox gấp CN đến 3 lần, và CNN hiện đã bị tụt xuống xếp hạng thứ 4.
Toyota và General Motors (GM)
GM đã thực sự trải qua đến 2 lần đổi vận trong cuộc đua giành ngôi hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới. Từ những năm 1930, GM đã thống trị thị trường ô tô Mỹ, và trong hầu hết nửa sau thế kỉ 20, hãng này cũng thống trị cả thị trường toàn cầu. Khi cuộc suy thoái toàn cầu xảy ra trong một vài năm trước, hãng bắt đầu mất dần vị trí số 1 của mình. Cuối năm 2008, Toyota chính thức trở thành hãng ô tô hàng đầu thế giới, đánh bại GM với doanh số bán ra lên đến nửa triệu chiếc xe. Thị phần toàn cầu của GM tiếp tục giảm mạnh, và ngay cả thị phần trên sân nhà Mỹ cũng sụt giảm.
Tháng 6/2009, do doanh thu đình trệ và các vấn đề tài chính nảy sinh từ cuộc suy thoái, hãng ô tô này đã đệ đơn xin phá sản. Tuy vậy, công ty này lại chỉ mất có 2 năm để giành lại ngôi vị của mình. Lần IPO mới đây của GM đã rất thành công và hãng đã nhanh chóng thu được lợi nhuận. Thêm vào đó, vụ động đất kinh hoàng tại Nhật Bản vừa qua đã giáng một cú đòn lớn cho đối thủ Toyota, cùng với vụ thu hồi xe tai tiếng mới đây của hãng này, GM một lần nữa trở thành hãng ô tô hàng đầu thế giới, vào tháng 8 năm nay. Trong nửa đầu năm 2011, GM bán được 4,5 triệu chiếc xe, so với doanh số 3,7 triệu chiếc của đối thủ Nhật Bản.
Barnes & Noble (B&N) và Amazon
B&N nhiều năm liền là hãng bán sách hàng đầu nước Mỹ. Tuy vậy, hãng bán lẻ trực tuyến Amazon.com đã “gây hấn” với công ty này bằng cách mang sách lên bán trên mạng và do đó thoát khỏi khoản chi phí kinh doanh khổng lồ khi phải điều hành các cửa hàng thực tế và lưu trữ hàng trăm ngàn danh mục sách trong kho. Sự tiện lợi và dễ dàng trong điều hành chính là điểm cốt yếu của Amazon.
Sau đó, sách điện tử Kindle của hãng đã ra đời và đại thắng trong cuộc chiến sách điện tử với sản phẩm Nook của B&N và các sản phẩm khác. Một số cửa hàng sách, trong đó có cả Borders, đã phá sản, trong khi đó B&N thì làm ăn thua lỗ. Lợi nhuận ròng của B&N đã giảm từ 147 triệu USD năm 2006 xuống lỗ ròng -74 triệu USD năm 2010. Cùng lúc, Amazon lại chứng kiến lợi nhuận ròng tăng vọt từ 190 triệu USD lên 1,2 tỷ USD. Có một số quan điểm cho rằng kỉ nguyên sách in sắp kết thúc.
Blockbuster và Netflix
Blockbuster thành lập năm 1985 như một công ty cho thuê hệ thống băng từ video. Vào thời khắc chuyển giao thế kỉ, công ty này đã trở thành McDonald’s của ngành cho thuê video. Năm 1999 – năm Netflix bắt đầu đi vào hoạt động – Blockbuster, với hơn 6500 cửa hàng trên khắp đất nước, bắt đầu chào bán cổ phiếu công khai. Năm 2006, Netflix bắt đầu nổi lên, nhưng vẫn chỉ khiêm tốn với mức doanh thu 1 tỷ USD trong năm đó. Con số này vẫn còn khá xa so với Blockbuster, hãng có doanh thu 5,5 tỷ USD.
Nhưng đến năm 2007, công ty nhỏ hơn đã giới thiệu thủ thuật “streaming video”, cho phép người xem xem phim trên máy tính cá nhân của mình. Tính năng này, cùng với “dân số” gia tăng trong mảng dịch vụ vận chuyển DVD của công ty, đã dẫn đến sự suy giảm liên tục trong lợi nhuận của đối thủ Blockbuster. Năm 2010, công ty khổng lồ Blockbuster đã bị hãng Dish Network mua lại với giá gần 320 triệu USD, trong khi số người đăng kí dịch vụ của Netflix đã vượt quá 25 triệu người.
American Airlines và Delta
Trong nhiều trường hợp, sự đổi vận của một công ty thường do thua lỗ hay giành được thị phần đề dựa vào thành bại của những sản phẩm cụ thể. Nhưng trong ngành hàng không, American Airlines đánh mất ngôi vị hàng đầu lại là do kết quả của những vụ sáp nhập. Sau khi mua lại công ty TWA đã phá sản năm 2001, American Airlines trở thành hãng hàng không lớn nhất thế giới. Năm 2007, bất chấp tác động của giá nhiên liệu tăng và các khó khăn tài chính khác, hãng vẫn đứng đầu thị trường với 100 triệu dặm hành khách. Delta đứng ở vị trí số 2, với 73 triệu dặm hành khách.
Tuy nhiên, trong thời kì suy thoái, khi các hãng hàng không tiếp tục bị tổn thất, có 2 vụ sáp nhập đáng kể đã xảy ra. Đầu tiên, Delta mua lại Northwest năm 2008, nhanh chóng trở thành hãng hàng không thương mại lớn nhất thế giới. Năm 2010, Delta đã lớn mạnh hơn nhiều với 109 triệu dặm hành khách, so với con số 86 triệu của American Airlines. Sau vụ sáp nhập của Continental và United hồi tháng 10 năm ngoái, American Airlines tiếp tục tụt hạng, xuống vị trí thứ 3 trong các hãng hàng không tại Mỹ.