7 thuật ngữ admin cần làm rõ cho doanh nghiệp

Giới IT thường thất vọng rằng các doanh nghiệp không hiểu các ưu thế của IT. Giải thích rõ các thuật ngữ cho doanh nghiệp là một cách tốt để khơi thông “bế tắc”.

Đôi khi chúng ta, những người quản trị hệ thống hay quản trị mạng (thường gọi là admin), không để ý là mình đang sử dụng những thuật ngữ lạ lẫm khiến những người xung quanh lúng túng. Ví dụ, những từ như "đám mây" với chúng ta có vẻ như quá quen thuộc. Nhưng khi tuôn chúng ra với các đồng nghiệp kinh doanh của mình, chúng ta có nguy cơ bị xem là “con nghiện IT” và, thậm chí tệ hơn có thể còn bị họ “chấn chỉnh”.

Nhưng nếu họ không hiểu những gì chúng ta đang cố gắng để trình bày, họ không thể đưa ra những quyết định kinh doanh phù hợp và đầu tư công nghệ hợp lý cho mục đích của họ. Vì vậy, các admin mặc dù không nhất thiết phải hạn chế việc sử dụng các thuật ngữ quản trị trong các cuộc đàm thoại nhưng cần phải giải thích rõ cho các đồng nghiệp kinh doanh của mình và ngay cả đồng nghiệp IT không phải là admin. Và chúng ta hãy thừa nhận một điều: Chúng ta cũng không phải luôn luôn hiểu hết những thuật ngữ này, vì vậy đây là cơ hội để ôn lại và phòng ngừa sự bối rối có thể có vào một lúc nào đó.

1. Active Directory: Mặc dù đã tồn tại suốt 10 năm qua, Active Directory vẫn chưa thực sự gần gũi với phần đông những người không phải là admin. Active Directory là một dịch vụ thư mục, về cơ bản, nó giống như một cuốn danh bạ điện thoại có chứa tên, địa chỉ, số điện thoại… của mọi người dùng trong công ty bạn, nhưng mang ý nghĩa rộng hơn. Đây cũng là cơ chế mà mọi người cung cấp tên sử dụng (username) và mật khẩu (password) của họ để có thể đăng nhập vào các domain (miền hay vùng, nơi quản lý tập trung các tài khoản người dùng và tài khoản máy tính trên mạng) khác nhau. Nó cho phép các admin nhóm các domain với nhau và áp dụng các thiết lập truy cập khác nhau cho các nhóm để đảm bảo tài nguyên (như các tập tin và thư mục hoặc các máy in) chỉ được sử dụng bởi những người có quyền truy cập. Ngoài ra, chức năng điều khiển Group Policy của nó giúp bảo đảm các chính sách được áp dụng trong toàn tổ chức của bạn.

2. Group Policy: Đây là một chức năng của một cấu trúc Active Directory cho phép bạn chuẩn hóa nền tảng các máy tính để bàn của người dùng, ngăn cản người dùng truy cập các công cụ nào đó trong Windows, và triển khai phần mềm tới người dùng của bạn. Các chính sách nhóm có thể được tạo ra và thực hiện cùng với Active Directory để tổ chức những người dùng, các máy trạm và máy chủ dựa trên các nhóm theo chỗ ngồi hoặc theo phòng/ban. Số lượng các thiết lập chính sách lên tới hàng ngàn và là đối tượng phải biết với mọi admin (hệ thống Windows).

3. TCP/IP: Bộ các giao thức này cung cấp một địa chỉ cho mỗi máy tính trong mạng của bạn hoặc trên Internet, nhờ đó chúng dễ dàng được xác định trên mạng. Địa chỉ IP có dạng như sau: xxx.xxx.xxx.xxx, ví dụ như 192.168.1.1. Người dùng Windows có thể nhìn thấy địa chỉ IP của mình bằng cách mở cửa sổ lệnh (nhấp vào Start, chọn Run rồi gõ command vào ô Open rồi ấn Enter) và gõ ipconfig. (Gõ ipconfig /all để xem nhiều thông tin hơn về cấu hình IP của bạn). Số đầu tiên là mạng tổng thể, giống như Tỉnh/Thành trong một địa chỉ gửi thư bưu điện. Số thứ hai là Subnet Mask (dấu hiệu nhận diện mạng), tương tự địa chỉ Quận/Huyện. Số thứ ba là địa chỉ Router, kiểu như tên đường phố. Và số thứ tư là địa chỉ cụ thể thiết bị của bạn, giống như số nhà trong một địa chỉ đường phố.

4. Truyền thông hợp nhất (Unified communication – UC): Thuật ngữ này đang được rất nhiều người dùng, nhưng những gì nó thực sự có nghĩa thường là nhà cung cấp cụ thể. Microsoft có tin nhắn hợp nhất (unified messaging - UM), xuất phát từ phiên bản Exchange 2007 và 2010, bao gồm thông tin văn bản như email và tin nhắn tức thời (IM). Để nâng cấp từ UM lên UC (trong đó bao gồm truyền thông thoại và video), bạn phải bổ sung một máy chủ truyền thông (cài phiên bản Office Communications Server – OCS, hoặc Lync của Microsoft). Cao cấp hơn, để đạt tới truyền thông hợp nhất và cộng tác (UCC), trong đó các tài liệu có thể được chia sẻ và làm việc theo nhóm, bạn phải bao gồm một máy chủ SharePoint trong môi trường mạng của mình. Về phía UC, bạn sẽ thấy một từ viết tắt nữa: VoIP (Voice over Internet Protocol) - cho phép dữ liệu thoại được truyền đi và được quản lý trên mạng máy tính, chẳng hạn như để cho phép một hộp tin đến vạn năng bao gồm văn bản và giọng nói.

5. Ảo hóa: Thế hệ máy chủ hiện nay vô cùng mạnh mẽ, đáp ứng mọi nhu cầu bạn cần để chạy các ứng dụng hạng nặng, chẳng hạn như một máy chủ quản lý thư điện tử Exchange. Tuy nhiên, tùy thuộc vào ứng dụng và tải trọng mà người dùng trong tổ chức của bạn đặt lên nó, bạn có thể sử dụng một máy chủ duy nhất cho nhiều nhiệm vụ. Một gói phần mềm máy chủ như Exchange gánh một nhiệm vụ lớn, nó được thiết kế để tự chạy trên một máy chủ, do vậy có rất nhiều tài nguyên của máy chủ đó bị lãng phí. Đó là nơi mà công nghệ ảo hóa xuất hiện: Nó làm cho máy chủ thực sự là chính mình, do đó, bạn có thể “chất” nhiều nhiệm vụ lên đó, mỗi một nhiệm vụ nghĩ chúng có riêng máy chủ vật lý của chúng. (Thủ thuật này là công nghệ mà được gọi là siêu hình, về cơ bản đặt các máy ảo trên máy vật lý). Những lợi ích của ảo hóa bao gồm quản lý dễ dàng hơn và giảm bớt các máy chủ vật lý cần thiết, cùng với tài nguyên mà chúng sử dụng, chẳng hạn như điện năng, làm mát, và lưu trữ. Tuy nhiên, chi phí triển khai ban đầu của công nghệ ảo hóa có thể tốn thời gian, tiền bạc, và nhân lực.

6. Tính sẵn sàng cao: Thật dễ dàng để nghĩ về tính sẵn sàng cao chỉ theo nghĩa thời gian hoạt động cao - đó là, tỷ lệ phần trăm thời gian mà mạng sẵn sàng đáp ứng. Tuy nhiên, tính sẵn sàng cao có nghĩa rộng hơn. Nó có nghĩa là tỷ lệ phần trăm thời gian tài nguyên dự phòng trên mạng sẵn sàng cho công việc của chúng. Ví dụ, nếu cơ sở dữ liệu máy chủ Exchange của tôi bị treo hoặc bị hỏng, email sẽ không được duy trì, mặc dù mạng vẫn hoạt động. Thời gian vận hành của tôi không thay đổi, nhưng tính sẵn sàng của tôi bị giảm. Các hệ thống sẵn sàng cao được thiết kế để giữ cho mọi thứ hoạt động, ngay cả khi nhu cầu gia tăng. Một tính năng phổ biến của các hệ thống sẵn sàng cao là chuyển đổi dự phòng (failover), theo đó nếu một thành phần có vấn đề, các nhiệm vụ sẽ được chuyển sang các đơn vị dự phòng (lúc này được tự động đưa vào hoạt động thay thế) chứ không dừng lại hoặc đổ vỡ. Thông thường các máy chủ được kết thành cụm (theo một kỹ thuật gọi là cluster) để cho phép dễ dàng chuyển đổi dự phòng. Một kỹ thuật sẵn sàng cao nữa, có trong Exchange 2007 và 2010, là công nghệ nhân bản liên tục, mà đảm bảo rằng cơ sở dữ liệu sao lưu được nhân bản liên tục những thay đổi được thực hiện với lưu trữ chính, thay vì chờ đợi để sao lưu sau thiếu an toàn.

7. Điện toán đám mây: Có thể đây là một trong những phát minh tồi tệ nhất về thuật ngữ. Nó hiện đang được sử dụng khắp nơi như là thuốc trị bách bệnh cho mọi vấn đề IT có thể gặp phải. Về cơ bản, điện toán đám mây là việc sử dụng các nguồn tài nguyên trên Internet để cung cấp khả năng điện toán khi cần thiết, chẳng hạn như để truy cập vào các ứng dụng (phần mềm như một dịch vụ - SaaS), để lưu trữ và các tài nguyên khác (hạ tầng như một dịch vụ - IaaS), và toàn bộ môi trường điện toán để phát triển, tạo mẫu, hoặc tính toán từ xa (nền tảng như một dịch vụ - PaaS).

Thứ Hai, 22/11/2010 14:35
31 👨 694
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp