Dưới đây là một số nguyên nhân khiến laptop xuống cấp nhanh chóng mà bạn cần biết để tránh mắc phải, giúp kéo dài tuổi thọ cho thiết bị của mình.
1. Nhiệt độ
Khi hoạt động “nặng” nhiều dòng laptop tỏa ra rất nhiều nhiệt, khiến máy bị nóng. Nhiệm vụ giải thoát lượng nhiệt này ra khỏi thân máy thuộc về quạt tản nhiệt. Nhưng để quạt tản nhiệt hoàn thành được vai trò của mình, nó cần sự trợ giúp của người dùng để giữ lỗ thoát nhiệt luôn sạch sẽ. Nếu lỗ thoát nhiệt quá bẩn và bị tắc, lượng nhiệt tỏa ra từ bộ xử lý sẽ không thể thoát ra ngoài, đến một lúc nào đó lượng nhiệt này sẽ tăng cao tới mức có thể gây nguy hiểm cho các linh kiện điện tử bên trong.
Một số dòng laptop hiện nay đã được trang bị cơ chế tắt tự động khi bị quá nhiệt. Nhưng một số thì không, khi rơi vào tình trạng quá nhiệt, chúng sẽ hoạt động chậm dần và đến một lúc nào đó sẽ “ngỏm”.
Nguyên nhân khiến lỗ thoát nhiệt bị cản trở là bụi khiến quạt tản nhiệt bị kẹt, đặt laptop nên những bề mặt như thảm, chăn… Để phòng tránh laptop bị quá nhiệt bạn nên vệ sinh thường xuyên, đặt laptop ở những vị trí thông thoáng.
Trong quá trình sử dụng, bạn nên chú ý tới âm thanh của quạt tản nhiệt. Nếu máy của bạn không hề chạy các tác vụ nặng mà vẫn kêu to thì hãy kiểm tra để có phương án xử lý trước bị nó gặp sự cố nhé.
2. Ổ cứng
Các dòng laptop đời cũ và giá rẻ vẫn sử dụng ổ cứng quang HDD, loại ổ cứng có một đầu đọc/ghi dữ liệu phải xoay trên đĩa cứng để tương tác khi hoạt động. Những bộ phận này có quán tính riêng nên nếu bạn di chuyển laptop khi chúng đang chạy có thể khiến các đĩa cứng bên trong bị va chạm. Kết quả sau cùng là bạn có thể sẽ mất hết dữ liệu.
Để tránh rủi ro xảy ra, bạn nên tránh di chuyển laptop khi đang sử dụng ứng dụng truy cập vào ổ cứng liên tục hoặc di chuyển nó một cách nhẹ nhàng và chậm.
3. Vị trí cầm nắm chiếc laptop
Giữ, cầm nắm một chiếc laptop ở cạnh hoặc phần màn hình là cách nhanh nhất để làm hỏng nó. Bởi điều này khiến bản lề sẽ phải chịu áp lực lớn và có thể bị gãy do không thể gánh được khối lượng của thân máy bên dưới. Màn hình cũng có thể bị hư hại thậm chí là hỏng hoàn toàn do phần viền bị tác động.
Khi laptop đang mở, cách tốt nhất là bạn nên cầm chúng bằng hai tay ở cả cạnh trước và sau. Còn khi laptop đóng, hãy nắm tại cạnh trước hoặc cạnh sau để đảm bảo an toàn cho thiết bị.
4. Dây nguồn
Dây nguồn của laptop được thiết kế có lõi mỏng hơn, nhẹ hơn để giúp cho việc di chuyển dễ dàng. Vì vậy, dây nguồn có thể dễ dàng bị hư hại nếu bị bẻ nhiều góc cạnh khác nhau, cuốn quanh các đồ vật khác...
Để bảo quản dây nguồn, bạn nên bó dây nguồn lại bằng một sợi dây nhưng đừng quá chặt, tránh để cục nguồn treo lơ lửng làm hỏng đầu tiếp nguồn.
5. Vận chuyển
Dùng ba lô đựng laptop để bảo vệ thiết bị khi di chuyển là một sự bảo vệ tuyệt vời. Tuy nhiên, có những chiếc túi rẻ tiền lại thiếu các yếu tố bảo vệ cần thiết cho laptop như thiếu lớp đệm trên và dưới hoặc lớp đệm quá mỏng. Điều này có thể khiến laptop của bạn không thể chịu được những cú rung lắc mạnh khi di chuyển.
Để bảo đảm an toàn cho laptop khi di chuyển, bạn nên lựa chọn những chiếc balo đựng laptop hoặc bọc bảo vệ có lớp đệm dày ở cả hai bên, phía trên và dưới.
Tóm lại, những chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt khi kết hợp với nhau cũng có thể khiến laptop của bạn “chết” một cách từ từ. Vì vậy, nếu muốn laptop của bạn “sống thọ” hãy tránh việc vô tình mắc phải những sai lầm ở trên nhé.