Theo Ban An ninh nội địa Mỹ (DHS) và FBI, hàng triệu smartphone Android dễ bị tấn công bởi virus và mã độc.
Thông báo đưa ra hôm 23/7 của DHS và FBI, Android – Hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới tiếp tục trở thành đối tượng của các cuộc tấn công do “thị phần và kiến trúc mở” của nó.
Phiên bản Android Gingerbread tiềm ẩn nhiều lỗ hổng bảo mật. (Ảnh minh họa).
Trong thông báo cho biết: “44% người dùng Android vẫn dùng phiên bản 2.3.3 tới 2.3.7 – hay Gingerbread được tung ra từ năm 2011 và tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật đã được vá trong các phiên bản sau đó”.
Android đang dẫn đầu thị trường smartphone với 80% thị phần toàn cầu. Dù được sử dụng nhiều hơn trong thị trường tiêu dùng thay vì thị trường công, DHS và FBI cảnh báo phần mềm cần được cập nhật nhanh chóng, vì ngày càng nhiều nhà chức trách dùng Android.
Hai cơ quan đưa ra một số nguy cơ của người đang dùng Android phiên bản cũ, bao gồm loại virus có thể gửi đi tin nhắn mà người dùng không hề hay biết, khiến hóa đơn điện thoại tăng cao bất ngờ; “Rootkit” công cụ ghi lại địa điểm và mật khẩu người dùng; Tên miền Google Play giả mạo, lừa người dùng cài đặt phần mềm nhiễm độc để tin tặc đánh cắp thông tin nhạy cảm.
Phiên bản Android 4.3 mới nhất – Jelly Bean được đánh giá là an toàn hơn khi có cài đặt sẵn tính năng cho phép người dùng quét các ứng dụng đã cài đặt, để phát hiện dấu hiệu của mã độc.