Nhiều người "tham" màn hình lớn cho dù phòng rất bé, hoặc quá tiết kiệm tiền không sắm những bộ loa tiêu chuẩn.
Dưới đây là một số trường hợp điển hình mà tạp chí Hometheater.about tổng kết.
Với phòng xem bé, TV lớn chưa chắc đã là lựa chọn tốt. Ảnh: Hometheatersystems.
1. Mua nhầm kích cỡ màn hình.
Thực tế, ai cũng muốn một màn hình lớn dù với một diện tích phòng nhất định thì TV lớn chưa chắc đã là lựa chọn tốt. Quy tắc vàng trong việc chọn màn hình phù hợp với diện tích phòng là đối với TV LCD thường hay Plasma, khoảng cách từ vị trí ngồi xem đến TV bằng khoảng hai lần độ rộng màn hình. Còn đối với HDTV, khoảng cách tối ưu là bằng hoặc ít hơn một chút so với độ rộng màn hình.
Cụ thể, nếu bạn có một TV Plasma hay LCD cỡ 42 inch thì khoảng cách từ chỗ ngồi đến màn hình phải từ 1,5 đến 2m, nếu không sẽ thấy quá rõ những điểm ảnh trên màn hình, vừa gây mất tập trung vào hình ảnh chính, vừa làm mỏi mắt.
2. Phòng có cửa sổ.
Hầu hết TV hiện nay đều hiển thị tốt trong môi trường ánh sáng vừa phải, tuy nhiên, phòng tối vẫn luôn là lựa chọn tối ưu, nhất là đối với những người thích xem phim bằng máy chiếu. Không nên đặt màn hình ở phía đối diện với cửa sổ. Nếu phòng có cửa sổ, hãy làm rèm che kín với chất liệu đủ tốt để không cho ánh sáng lọt qua.
3. Mua loa rẻ tiền.
Một số người không muốn tốn nhiều tiền vào các thiết bị nghe nhìn mà không tính đến chất lượng của các loa và cục siêu trầm. Tất nhiên, quan tâm đến chất lượng không có nghĩa là phải đầu tư cả núi tiền cho những bộ loa đắt tiền, nhưng ít nhất bạn phải đầu tư sao cho được một bộ loa đáng đồng tiền bát gạo.
Do hiện nay các hãng đều tung ra nhiều phiên bản nên việc lựa chọn một bộ hợp lý cũng mất khá nhiều thời gian. Hãy bỏ công sức đi nghe thử tại nơi bán với các đĩa CD hoặc DVD mình vẫn thường nghe trước khi quyết định mua và tự so sánh để đi đến một quyết định đúng đắn nhất.
4. Âm thanh không đồng nhất.
Đối với những người ít kinh nghiệm, rất dễ xảy ra tình huống là sau khi đã lắp đặt và kết nối xong xuôi, bật lên và ngay lập tức thấy âm thanh nghe không hề ổn: âm trầm quá loãng, lời thoại nghe không rõ, âm surround mờ nhạt… Thực ra, nếu để ý thì các vấn đề này có thể dễ dàng giải quyết.
Hầu hết các bộ receiver của hệ thống rạp tại gia đều có chương trình cài đặt cho phép điều chỉnh kích cỡ cũng như khoảng cách từ các loa con tới vị trí ngồi nghe, thậm chí còn có cả những đoạn âm tích hợp sẵn nhằm hỗ trợ tự động căn chỉnh âm lượng của từng loa sao cho hoàn hảo nhất.
5. Không đọc hướng dẫn sử dụng.
Đôi khi người mua quá chủ quan khi thấy việc kết nối thật dễ dàng mà không chịu "liếc" qua bản hướng dẫn sử dụng. Kể cả khi bạn có kinh nghiệm, việc đầu tiên khi mở hộp để tiến hành kết nối thiết bị là đọc hướng dẫn sử dụng để đảm bảo tất cả kết nối hay các tính năng của bộ rạp tại gia này không bị bỏ qua.
6. Không dự liệu các dịch vụ sau bán hàng.
Mặc dù bạn không nhất thiết phải mua thêm các dịch vụ sau bán hàng cho tất cả các thiết bị nghe nhìn, nhưng đối với một số bộ rạp tại gia hay màn hình kích thước lớn và đắt tiền, việc dự liệu trước các dịch vụ hỗ trợ luôn là điều cần thiết. Nếu không, rất bạn sẽ gặp phải tình huống như không có dịch vụ sửa tận nhà trong khi dịch vụ vận chuyển quá đắt, không có linh kiện thay thế khi hỏng chỉ một vài bộ phận dẫn đến phải thay mới toàn bộ hệ thống nghe nhìn...
7. Mua theo nhãn mác và giá cả thay vì nhu cầu.
Mặc dù nhãn hàng tốt thường đi kèm chất lượng tốt nhưng cũng không thể đảm bảo rằng các nhãn hàng hàng đầu đều có những thiết bị thỏa mãn nhu cầu của bạn. Trước khi quyết định mua, hãy dạo qua một vòng các siêu thị điện máy xem những mẫu mã và giá cả khác nhau để so sánh. Đừng để những lời mời chào mức giá hấp dẫn che mắt bởi đôi khi giá quá hấp dẫn lại không kèm theo chất lượng tương xứng. Giá thành cao cũng có nghĩa là đi kèm chất lượng tốt. Hãy tìm đúng thứ mình cần, dựa trên mức độ tỷ lệ tối ưu giữa chất lượng và giá thành theo tiêu chí "hay trong tầm tiền".
8. Rối rắm cáp kết nối.
Đây vẫn luôn là vấn đề gặp phải khi kết nối các thiết bị mới, nhất là đối với một bộ dàn tại gia thì số lượng cáp còn nhiều hơn nữa. Rất may, hầu hết các bộ dàn hiện nay trên mỗi đầu dây đều có mã màu kết nối với receiver để người dùng đỡ nhầm lẫn.
Dưới đây là một số mẹo nhỏ nếu bộ dàn của bạn thiếu vắng các chi tiết nhỏ này.
- Đảm bảo cáp kết nối không lòng thòng quá dài, chỉ cần vừa đủ để tới thiết bị.
- Đánh dấu cáp kết nối bằng những đoạn băng dính màu để biết cáp nào cắm vào chỗ nào trong trường hợp kiểm tra kết nối sau này.
9. Sử dụng các cáp rẻ tiền.
Vấn đề có cần thiết phải đầu tư những sợi cáp rất đắt tiền để đảm bảo chất lượng âm thanh cho bộ dàn rạp tại gia hay không vẫn luôn gây tranh cãi từ trước tới nay. Câu trả lời vẫn là cần một sự đầu tư đúng mức chứ không hẳn cứ phải tên tuổi lớn và giá thành cao. Chỉ nên lưu ý một điều rằng các cáp mỏng, rẻ tiền thường đi kèm với đầu DVD hay VCR thường có chất lượng không đủ tốt, và nếu có thể, hãy thay bằng những sợi cáp chất lượng tốt hơn ngay khi có thể nếu như chưa đủ tiền mua những bộ cáp giá "khủng". Ít nhất, các sợi cáp đắt tiền hơn sẽ có khả năng chống nhiễu tốt hơn và tuổi thọ cũng lâu hơn so với các cáp rẻ tiền bán kèm.
10. Không thuê chuyên gia khi cần.
Sau khi đã hoàn thiện toàn bộ các khâu từ mua tới lắp đặt, kết nối, có thể bạn vẫn thấy chất lượng âm thanh và hình ảnh vẫn rất tệ và chưa thỏa mãn được nhu cầu.
Nếu là người có kinh nghiệm, hãy tự mày mò thiết lập lại ví trí loa, căn chỉnh độ sáng và màu sắc màn hình, tìm hướng loa thích hợp… Nếu cảm thấy không tự tin hoặc không biết, hãy nhờ đến các chuyên gia thiết kế phòng nghe cho dù có phải bỏ ra một khoản tiền nhất định. Nhất là trong trường hợp muốn thiết lập một bộ dàn tùy biến theo phòng nghe với những yêu cầu đặc biệt như lắp loa ẩn, hạn chế không gian mở, đi dây ngầm… thì việc nhờ đến các chuyên gia lắp đặt có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc so với số tiền bạn đã bỏ ra mua bộ dàn và thuê công thiết kế.