Đường thẳng là đường ngắn nhất, vậy tại sao người ta lại làm cao tốc cong cong chứ không làm thẳng để tiết kiệm? Ngoài ra, đường cao tốc không lắp đèn chiếu sáng mà chỉ sử dụng thiết bị phản quang để dẫn đường, tại sao vậy? Mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục bài viết
Đường cao tốc là gì?
Theo quy định tại khoản 12, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ 2008:
Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
Tất cả các đường cao tốc trên thế giới đều dẫn đường cho tài xế bằng hệ thống biển báo, vạch kẻ đường phản quang và được thiết kế để sau khoảng 4 km đường thẳng, sẽ có một đoạn uốn cong một góc nhỏ
Tại sao đường cao tốc không làm thẳng tắp?
Tài xế chạy xe trên cao tốc cảm thấy đường thẳng tắp nhưng thực tế sau khoảng dưới 4 km đường thẳng, đường sẽ có 1 có góc chuyển hướng nhỏ với bán kính lớn (5.000-15.000 m).
Mục đích của thiết kế này là buộc các tài xế phải đánh lái, nhằm thu hút sự tập trung của họ. Điều này giúp các tài xế tránh buồn ngủ do vận hành đều đều.
Ngoài ra, thiết kế này còn giúp giảm bớt ánh đèn ngược chiều làm lóa mắt tài xế.
Tại sao đường cao tốc không có đèn
Trên các con đường cao tốc không lắp cột đèn chiếu sáng cao áp xuyên suốt mà chỉ lắp ở những trạm thu phí nút giao.
Theo các chuyên gia, việc lắp đèn cao áp để chiếu sáng trên cao tốc có nhiều tác hại nhiều hơn là lợi ích.
Nhiều đèn sẽ giúp tài xế có thể nhìn rõ mọi vật tốt hơn là không có đèn và điều này chỉ đúng khi đứng yên hoặc chạy với tốc độ thấp như trong đô thị. Còn với đường cao tốc, tài xế chạy với tốc độ cao thì ngược lại.
Đèn cao áp thường có chỉ số hoàn màu thấp nên dù nguồn phát sáng có thể là màu đỏ hay trắng… thì ánh sáng mà tài xế tiếp nhận vào mắt thường là màu vàng cam. Sự sai lệch này khiến tài xế đang đi với vận tốc nhanh khó quan sát và nhận biết nhanh làn đường, chướng ngại vật và biển chỉ dẫn trên đường.
Đường cao tốc có không gian xung quanh rộng lớn nên đèn đường không phát huy hết khả năng chiếu sáng.
Đèn đường gây ra hiện tượng tán xạ ánh sáng khiến tài xế sẽ thấy dường như đoạn đường nào cũng giống nhau. Điều này làm giảm khả năng nhận biết xe phía trước xa hay gần.
Việc mắt tiếp nhận nhiều thứ ánh sáng khác nhau trong thời gian dài liên tục sẽ khiến các tài xế bị nhanh mỏi mắt, thị lực bị ảnh hưởng.
Đường tối sẽ khiến tài xế tập trung hơn so với khi đi đường có nhiều đèn.
Những nguyên nhân trên khiến đường cao tốc ở mọi nơi trên thế giới đều không có đèn chiếu sáng mà chỉ có hệ thống thiết bị phản quang để dẫn đường cho tài xế.
Thiết bị phản quang gắn trên giải phân cách, lan can lề đường sẽ phát sáng với cường độ gấp nhiều lần đèn cao áp khi có đèn ô tô chiếu vào và có thể nhìn thấy ở khoảng cách cả nửa cây số.
Ngoài dải phân cách thì biển báo và có thể là vạch kẻ đường trên đường cao tốc cũng được sơn phản quang và có kích thước đủ lớn để giúp tài xế nhận biết từ xa.
Tất nhiên, vẫn có những đoạn có rất nhiều đèn khi đi trên cao tốc đó là trạm thu phí và trong hầm.