Sau sự kiện Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, hai trong số những thành phố lớn nhất Nhật Bản, lần lượt vào ngày 6 và 9/8/1945, xuất hiện những bóng đen của người và đồ vật, rải rác trên vỉa hè và các công trình tại đây.
Thực tế, những chiếc bóng có thể đã gói gọn khoảnh khắc cuối cùng của mỗi người. Vậy những bóng đen này hình thành như thế nào?
Theo tiến sĩ Michael Hartshorne, chuyên gia tại Bảo tàng Lịch sử và Khoa học Hạt nhân Quốc gia ở New Mexico, khi mỗi quả bom phát nổ, nhiệt và ánh sáng cực mạnh tỏa ra từ vị trí nổ, là kết quả của quá trình phân hạch hạt nhân. Con người và các vật thể đã hấp thụ ánh sáng và năng lượng nên đã che chắn cho công trình phía sau. Ánh sáng đã tẩy trắng bêtông hoặc đá xung quanh những bóng đen.
Năng lượng cực mạnh giải phóng trong vụ nổ bom nguyên tử truyền dưới dạng sóng photon với các bước sóng khác nhau, bao gồm cả sóng dài như sóng vô tuyến và sóng ngắn như tia X và tia gamma.
Giữa sóng dài và sóng ngắn có các bước sóng khả kiến chứa năng lượng, mắt người cảm nhận được dưới dạng màu sắc.
Trong khi đó, bức xạ gamma có thể xuyên qua quần áo và da, gây ra hiện tượng ion hóa hoặc mất electron, làm tổn thương mô và ADN, gây hại cho cơ thể người.
Bức xạ gamma mà bom nguyên tử giải phóng được truyền đi dưới dạng năng lượng nhiệt, có thể đạt tới hơn 5.500 độ C. Khi năng lượng nhiệt này chạm vào một vật thể như xe đạp hay con người, sẽ bị hấp thụ, tạo ra hiệu ứng bóng đen giữa khu vực bị tẩy trắng xung quanh.
Do thời tiết và quá trình xói mòn do gió và nước, nhiều bóng đen in trên nền đá đã biến mất. Hiện nay, một số phần in bóng được tách ra và bảo quản trong Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima để các thế hệ sau quan sát và suy ngẫm.