Robot trò chuyện bằng ngôn ngữ lạ, mối đe dọa đối với con người?

Việc các chương trình trí tuệ nhân tạo tạo ra ngôn ngữ riêng để giao tiếp ngày càng tăng trong thời gian gần đây khiến nhiều người không khỏi lo sợ chúng sẽ nổi loạn, lật đổ con người.

Nhiều chương trình trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra ngôn ngữ riêng
Nhiều chương trình trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra ngôn ngữ riêng. (Ảnh minh họa: New York Times.)

Gần đây nhất là trường hợp hai robot trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) tên là Bob và Alice của Facebook đã tự tạo ra một ngôn ngữ riêng để giao tiếp với nhau khiến các kỹ sư buộc phải ngắt kết nối giữa chúng.

Các nhà nghiên cứu ở Facebook lập trình để Bob và Alice sử dụng tiếng Anh nhằm hỗ trợ người dùng. Nhưng một thời gian sau, họ phát hiện ra rằng chúng bắt đầu trò chuyện với nhau bằng một ngôn ngữ bí ẩn, không hề giống tiếng Anh mà các nhà khoa học không thể giải mã nổi.

Bob nói: "Tôi có thể tôi tôi mọi thứ khác" và Alice đáp lại "Những quả bóng có không với tôi với tôi với tôi với tôi với tôi với tôi với tôi với tôi". Phần tiếp theo của cuộc hội thoại là biến thể của mẫu câu giao tiếp này, mặc dù đã cố gắng tìm hiểu nhưng các chuyên gia không thể biết được chính xác nội dung chúng đang trao đổi với nhau.

Với con người, các cụm từ này có vẻ không có nghĩa nhưng đó là cách giao tiếp hữu hiệu giữa hai robot. Các nhà nghiên cứu tại Facebook dự đoán nội dung của cuộc nói chuyện trên là lời đề nghị của Bob với Alice: "Tôi sẽ lấy ba, bạn lấy số còn lại".

Sự kiện này khiến nhiều người lo ngại rằng các robot trang bị trí thông minh nhân tạo có thể đang tự phát triển theo con đường riêng và đến một lúc nào đó con người sẽ không thể kiểm soát chúng nữa. Thậm chí một ngày nào đó, chúng sẽ tự biết tư duy, giao tiếp và liên kết với nhau để lật đổ con người.


Robot mang tên Sophia sử dụng trí tuệ nhân tạo khiến nhiều người kinh ngạc vì mức độ thông minh. (Video: CNBC, Reuters.)

Bob và Alice không phải là hai trí tuệ nhân tạo đầu tiên có hành vi sử dụng ngôn ngữ riêng để giao tiếp. Trước đó, robot trong phòng thí nghiệm OpenAI của Musk đã tự sáng tạo ngôn ngữ riêng, trí tuệ nhân tạo mà Google sử dụng cho chương trình dịch tự động cũng dùng những ngôn ngữ của riêng chúng trong quá trình dịch.

Theo các chuyên gia, robot vốn có chiều hướng tối giản hóa giao tiếp và có thể tiếng Anh không hữu ích với chúng. Chính vì vậy, chúng tự tạo ra một loại ngôn ngữ mới cho riêng mình.

Theo Dhruv Batra, nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Công nghệ Georgia, Mỹ thì việc robot tạo ra ngôn ngữ giao tiếp riêng cũng gần giống như cách con người tạo ra tốc ký, một dấu hiệu đặc biệt có thể mang một ý nghĩa rất phức tạp.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc máy tính sử dụng ngôn ngữ mới để giao tiếp giúp chúng có thể giải quyết vấn đề tốt hơn vì dữ liệu được cung cấp dưới dạng có nghĩa với máy tính. Ngoài ra, con người không tốn thời gian và tiền bạc xây dựng phần mềm để hai chương trình có thể làm việc cùng nhau.

Robot có thể giao tiếp với nhau
Robot có thể giao tiếp với nhau (Ảnh: Shutterstock).

Mike Lewis, nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Facebook phủ nhận lo lắng máy tính được trang bị trí tuệ nhân tạo bí mật lên kế hoạch lật đổ con người, chiếm lĩnh thế giới. Ông cho biết, Bob và Alice bị dừng hoạt động đơn giản vì không đáp ứng mục tiêu tạo ra robot giao tiếp với con người mà thôi.

Hiện nay, chúng ta chưa có đủ bằng chứng để tuyên bố sự thông minh không được lập trình của trí tuệ nhân tạo là mối đe dọa của con người. Nhưng việc con người không hiểu được ngôn ngữ riêng của robot dù chúng ta đã tạo ra chúng sẽ làm một trở ngại lớn trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo trong tương lai.

Thứ Ba, 01/08/2017 10:54
44 👨 2.763
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khám phá khoa học