Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy bằng chứng khẳng định hình thức chăn nuôi thỏ rừng có thể đã sớm xuất hiện trong nền văn minh Mexico cổ đại.
Bằng phương pháp phân tích đồng vị khảo cổ học, các nhà khảo cổ học thuộc Đại học California, San Diego đã tìm thấy bằng chứng những người cổ sinh sống ở Teotihuacan - thành phố thời tiền Colombo ở México, thuộc nền văn minh Mexico có thể đã biết thuần hóa thỏ rừng và chăn nuôi chúng như thỏ nhà.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích đồng vị carbon và nồng độ oxi trong mẫu xương của 134 con thỏ khai quật tại Teotihuacan, kết quả cho thấy những con thỏ này có nhiều nét tương đồng với các giống thỏ rừng thời hiện đại và rất có thể, người cổ sinh sống tại Teotihuacan đã biết thuần hóa thỏ rừng, đem chúng về nuôi với thực phẩm chính cho ăn là ngô.
Những con thỏ này đã được người Teotihuacan cổ nuôi, sau đó lấy lông và thịt, xương thỏ thì chế tạo làm công cụ lao động, sinh hoạt hằng ngày.
Trước đây, cũng tại thành phố Teotihuacan, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy một tác phẩm điêu khắc mô tả loài thỏ trong một đống đổ nát. (Nguồn ảnh: F. Botas/PLOS.)
Rõ ràng, lần khảo cổ mới cho thấy, cộng đồng người cổ sinh sống tại thành phố Teotihuacan - thời tiền Colombo ở México, thuộc nền văn minh Mexico rất khác biệt với các cộng đồng người cổ, văn minh cổ khác trên thế giới.
Họ không chăn nuôi hay sử dụng các động vật gia súc lớn như lợn lừng hay trâu bò rừng mà chỉ đặc biệt thích chăn nuôi và sử dụng xương, thịt của động vật nhỏ, hiền lành như thỏ rừng... Ngoài ra, dấu vết các động vật chăn nuôi khác đều không được tìm thấy tại khu vực thành phố này.
Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí PLoS ONE.
Huỳnh Dũng (Theo UPI)