Tháng 5 vừa qua, một quả tim lớn nhất thế giới nặng 200kg của cá voi xanh lần đầu tiên được trưng bày tại bảo tàng Royal Ontari tại Toronto cho công chúng xem. Trái tim khổng lồ này thuộc về con cá voi xanh chết mắc cạn tại Canada vào năm 2014.
- Tại sao cá voi lưng gù lại ngăn cản cá voi sát thủ săn các loài động vật khác?
- Tại sao xác cá voi có thể phát nổ?
Khi một con cá voi chết đi, nó sẽ thành một khối thức ăn khổng lồ cho các loài cá và chim biển ngoài đại dương. Nếu xác con cá voi đó dạt vào bờ thì nó sẽ bị thối rữa và có nguy cơ nổ bất cứ lúc nào.
Tốc độ phân hủy của xác cá voi rất nhanh, các nhà nghiên cứu động vật có vú tại Bảo tàng Hoàng gia Ontario tại Toronto đã rất may mắn gặp được xác một con cá voi xanh trôi dạt vào bờ vẫn trong tình trạng đủ tốt.
Theo các chuyên gia, nhờ kỹ thuật xử lý, bảo quản có tên là plastination - "nhựa hóa", trái tim của con cá voi xanh này sẽ vẫn còn nguyên vẹn và không bốc mùi trong nhiều thập kỷ tới.
Jaqueline Miller, người dẫn đầu đội ngũ bảo quản quả tim đã tiết lộ quá trình bảo quản đặc biệt này.
Dưới đây là 4 công đoạn trong quá trình bảo quản trái tim lớn nhất thế giới của cá voi xanh:
1. Quá trình lấy tim ra khỏi cơ thể con cá voi
Cần tới 10 người công nhân sử dụng một móc sắt kéo thịt của con cá voi, để chia thành những phần thịt nhỏ. Bắt đầu từ phần đuôi, khi mổ tới được phần tim, các kỹ thuật viên cắt mạch máu dẫn vào tim, sau đó họ mở lồng ngực và đẩy quả tim ra ngoài.
Trong suốt quá trình này, đội ngũ phải làm việc khi phần thịt thối rữa của con cá voi gập tới đầu gối.
2. Làm nở quả tim
Quả tim con cá voi bị xẹp xuống do không có máu chuyển về. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã đưa vòi vào 2 mạch máu, bịt những đường thoát bằng chai nhựa. Sau đó, họ đổ vào trong quả tim hơn 2.600 lít formaldehyde để làm cứng cơ quả tim, nhằm ngăn chặn quá trình phân hủy và làm phồng quả tim về hình dáng ban đầu.
3. Vận chuyển quả tim khổng lồ
Quả tim khổng lồ được bọc 3 lớp thấm nước, sau đó một xe nâng được sử dụng để đưa quả tim vào một thùng thép lớn cùng với xốp vận chuyển hàng. Quả tim được vận chuyển bằng đường không tới Gubener Plastinate, Đức.
4. Công đoạn plastinate
Quả tim được ngâm trong dung dịch acetone (axeton). Trong suốt 6 tháng, dung dịch được thay liên tục. Trong thời gian này, acetone sẽ thay thế các phân tử nước trong mô quả tim.
Sau đó, quá trình “nhựa hóa” sẽ được tiến hành. Các nhà phẫu thuật Đức sẽ tưới lên quả tim dung dịch silicon polymer, tiếp theo nó được đưa vào một buồng chân không. Tại đây, áp lực không khí sẽ giảm xuống gần giống ngoài vũ trụ, khiến cho acetone bay mất và được thay thế bởi các phân tử polymer.
5. Quá trình biến quả tim cá voi thành "nhựa"
Một chất khí được sử dụng để làm cứng silicon có trong quả tim. Sau ba tháng, quả tim cá voi sẽ trở thành một quả tim "nhựa" khổng lồ.
Quá trình plastination - "nhựa hóa" để bảo quản quả tim cá voi khổng lồ hoàn tất. Nó có thể "kiên cường" ở trong viện bảo tàng nhiều năm mà không lo sợ bị ảnh hưởng bởi những bàn tay táy máy của người tham quan sờ vào.