Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA/ESA vừa tiếp tục chứng minh tầm quan trọng của mình trong lĩnh vực nghiên cứu thiên văn học, khi mang về cho nhân loại một bức ảnh tuyệt vời, cho thấy vẻ đẹp ma mị của những ngôi sao lấp lánh trong Tinh vân Orion.
Hình ảnh cho thấy một phần của Tinh vân Orion xinh đẹp, nổi bật với ngôi sao V 372 Orionis sáng lấp lánh ở ngay phía dưới bên phải của khu vực trung tâm, cùng với đó là một ngôi sao đồng hành ở phía trên bên trái. Tinh vân Orion nằm cách Trái đất 1.450 năm ánh sáng, nổi tiếng với biệt danh “vườn ươm sao” bởi đây là nơi chứa đựng số lượng cực lớn các ngôi sao mới được sinh ra liên tục.
Trong đó, V 372 Orionis thuộc một loại đặc biệt gọi là sao biến quang, nghĩa là độ sáng của nó thay đổi theo thời gian. Một số ngôi sao biến quang, được gọi là biến quang Cepheid, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với lĩnh vực nghiên cứu thiên văn học vì chúng phát sáng theo một cách cụ thể. Nghĩa là chúng có thể được sử dụng để ước tính chính xác khoảng cách đến các thiên hà cực kỳ xa xôi. Tuy nhiên, V 372 Orionis lại là một loại biến quang khác: Biến quang Orion.
Các biến quang Orion sáng và mờ một cách bất thường, thỉnh thoảng trải qua những vụ “phun trào” mà sau đó. chúng trở nên sáng hơn đáng kể so với bình thường trong một thời gian ngắn. Chúng thường được tìm thấy trong các tinh vân, chẳng hạn như Tinh vân Lạp Hộ (Orion Nebula), nơi có nhiều ngôi sao trẻ. Người ta tin rằng những ngôi sao phun trào này có tuổi đời khá trẻ, và chúng sẽ ổn định ở trạng thái ít biến đổi hơn khi già đi.
Hình ảnh của các ngôi sao trong tinh vân được chụp bằng hai thiết bị thuộc Hubble: Advanced Camera for Surveys và Wide Field Camera 3. Mặc dù Hubble chủ yếu quan sát các bước sóng ánh sáng khả kiến, tương đương với những gì mắt người có thể nhìn thấy, nhưng nó cũng có thể nhìn vào một số phần của quang phổ hồng ngoại và tử ngoại. Hình ảnh đặc biệt này tập hợp dữ liệu từ cả các quan sát trong bước sóng ánh sáng khả kiến và tia hồng ngoại, cho phép kính viễn vọng chụp được cả những ngôi sao cũng như các vòng xoáy bụi và khí mà chúng cư trú bên trong.