Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu đang tiến hành những bước đầu tiên nhằm xây dựng máy gia tốc hạt khổng lồ mới có tên gọi Future Circular Collider (FCC) để phục vụ cho mục đích nghiên cứu vũ trụ, chụp ảnh y khoa và điều trị ung thư.
FCC sẽ nằm trong đường hầm hình tròn mới có chu vi lên tới 80-100 km, bên dưới Pháp và Thụy Sĩ. FCC dài gấp hơn 3 lần LHC, máy gia tốc hạt lớn và mạnh nhất thế giới hiện nay. FCC sẽ được xây dựng ngay bên cạnh LHC.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), FCC sẽ thúc đẩy năng lượng và cường độ của máy gia tốc hạt đạt năng lượng va chạm 100 tera electron volt, tương đương 10 triệu cú sét đánh.
Kỹ sư Antoine Mayoux của CERN và các cộng sự đang hoạt động thực địa để nghiên cứu những vấn đề môi trường tiềm ẩn. Sau đó, họ sẽ nghiên cứu địa chấn và địa kỹ thuật. Nếu khả thi, 22 nước thành viên của CERN sẽ quyết định liệu có thể xây dựng FCC trong 5 - 6 năm tới.
Theo dự kiến, FCC sẽ gia tốc electron và positron đến năm 2060, giai đoạn tiếp theo sẽ là hadron cho tới năm 2090. Cỗ máy khổng lồ này giúp các nhà khoa học giải đáp nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ của vật lý cơ bản.
Khoảng 95% khối lượng và năng lượng của vũ trụ vẫn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học. Máy gia tốc hạt lớn (LHC) của CERN có chu vi 27 km ở độ sâu khoảng 100 m bên dưới lòng đất bắt đầu hoạt động vào năm 2010, và dự kiến sẽ ngừng vận hành vào khoảng năm 2040. LHC từng được dùng để chứng minh sự tồn tại của hạt Higgs Boson hay còn gọi là hạt của Chúa, mở rộng hiểu biết về cách các hạt thu được khối lượng....