Khám phá bí ẩn đại dương bằng những chú sứa có gắn thiết bị điện tử

7 năm trước, các kỹ sư tới từ Viện Công nghệ California và Đại học Stanford, Hoa kỳ đã cùng ngồi lại với nhau để hiện thực hóa ý tưởng tạo ra một loài sứa “sinh kỹ thuật” (bionic), có thể được sử dụng như những cỗ máy sinh học giúp con người khám phá ra bí ẩn chưa từng được biết đến về đại dương. Hiện tại họ đã thu được những thành công bước đầu với việc chế tạo thành công một thiết bị hoạt động khá giống với máy tạo nhịp tim, có thể giúp những con sứa này hoạt động hiệu quả hơn.

Sứa

“Thiết bị vi điện tử mà chúng tôi gắn vào con sứa có khả năng kiểm soát các cơn co thắt ở những phần cơ mà con vật sử dụng để bơi. Cơ chế hoạt động tương đối đơn giản, thiết bị sẽ gửi một xung điện để kích hoạt cơn co thắt cơ trước khi con vật thực hiện động tác bơi và nhờ đó, chúng tôi có thể kiểm soát tần số của các cơn co thắt cơ”, giáo sư John Dabiri, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết.

Giống như một chiếc máy điều hòa nhịp tim, thiết bị có kích thước chỉ 0,8 inch này sẽ bắn ra các xung điện nhỏ. Khi được gắn lên cơ thể của những con sứa, thiết bị có thể kiểm soát tốc độ di chuyển của chúng. Bản thân loài sứa đã sở hữu hình thức vận động hiệu quả hơn so với bất kỳ loài động vật nào khác trong đại dương.

Thông thường sứa bơi với tốc độ khoảng 2cm mỗi giây, nhưng khi được gắn thiết bị truyền xung điện, chúng có thể bơi với vận tốc gấp 3 lần - mặc dù chỉ sử dụng gấp đôi lượng năng lượng so với bình thường. Sứa không có thụ thể đau hoặc hệ thần kinh trung ương, có nghĩa thiết bị tạo xung điện sẽ không làm chúng khó chịu.

Sứa chính là những “phượt thủ” chính hiệu của đại dương. Loài động vật này đã xuất hiện cách đây hơn 500 triệu năm, chúng có thể đi tới bất cứ đại dương nào, từ xích đạo đến các cực và từ mặt nước xuống đáy biển. Đặc điểm trên sẽ giúp ích rất nhiều cho sứ mệnh khám phá đại dương của các nhà khoa học.

Dẫu vậy, việc kết nối những “nhà thám hiểm sứa” tản mát trên khắc các đại dương với phòng thí nghiệm để thu thập thông tin mà chúng khám phá được sẽ không hề đơn giản. Vẫn còn rất nhiều thử thách phía trước dành cho các nhà khoa học.

Thứ Tư, 05/02/2020 23:53
51 👨 846
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Đại dương học