Mới đây, NASA đã công bố bức ảnh chụp cho thấy trung tâm Dải Ngân hà là một vùng khí hỗn độn, chứa lỗ đen khổng lồ Nhân Mã A*.
Bức ảnh được ghép từ nhiều ảnh chụp chụp ở bước sóng tia X và vô tuyến khác nhau do Đài quan sát tia X Chandra của NASA thực hiện. Bức ảnh giúp chúng ta thấy được các cấu trúc phức tạp của vùng khí ở trung tâm Dải Ngân hà.
Các nhà khoa học đặt tên trung tâm thiên hà - vùng xung quanh siêu lỗ đen ở giữa Dải Ngân hà là Sagittarius A* (Nhân Mã A*).
Dựa vào khí nóng bao quanh, chúng ta có thể xác định vị trí của lỗ đen là một phần của đốm màu trắng - tím ở giữa trong bức ảnh trên.
Chandra đã sử dụng kính thiên văn tia X để chụp hình ảnh ở vùng có năng lượng cao. Màu cam, xanh lục, lam và tím thể hiện những tia X mang mức năng lượng khác nhau. Trong khi đó, màu tím và xám thể hiện dữ liệu từ kính thiên văn vô tuyến MeerKAT. Các luồng khí tương tác với từ trường tạo thành những cấu trúc phức tạp này.
Ở trung tâm thiên hà, thời tiết không gian không chỉ chịu ảnh hưởng của Mặt trời mà nó còn chịu tác động bởi nhiều ngôi sao và những hiện tượng kỳ thú hơn, ví dụ như các vụ nổ siêu tân tinh.
Ngoài ra, bức ảnh còn cho thấy các chùm sao, những quầng khí nóng khổng lồ bị đẩy ra khỏi khu vực, kéo dài khoảng 700 năm ánh sáng ở dưới và trên mặt phẳng của thiên hà.