Quỹ đạo trái đất thấp (Low earth orbit) đã không phải đón nhận thêm hàng trăm mảnh vụn không gian mới sau khi hai vệ tinh chết được dự báo là sẽ va chạm với nhau trên không phận thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, nhưng thực tế là cả 2 đã “lướt qua đời nhau” mà không để lại bất cứ sự cố nào.
Trước đó vài hôm, trung tâm thiên văn học LeoLabs đã phát đi cảnh báo cho biết hệ thống radar mặt đất của họ đang theo dõi sát sao về vụ va chạm tiềm năng giữa một tổ hợp Vệ tinh Thiên văn Hồng ngoại (IRAS) được phóng vào năm 1983, và vệ tinh GGSE-4 thử nghiệm được phóng cho Không quân Hoa Kỳ vào năm 1967. Cả 2 vệ tinh cỡ lớn này hiện đều đã dừng hoạt động và có nguy cơ sẽ va chạm với nhau trên bầu trời thành phố Pittsburgh vào khoảng 6 giờ 39 phút chiều ngày 29/1 theo giờ địa phương. Nếu xảy ra, vụ va chạm này sẽ giải phóng một lượng lớn mảnh vỡ trôi nổi vào quỹ đạo trái đất thấp vốn đang đầy dẫy rác thải vũ trụ.
Tỷ lệ va chạm giữa 2 vệ tinh đã không được công bố, nhưng chúng vẫn được theo dõi sát sao theo các quy tắc đảm bảo an toàn chung. Nếu xảy ra, người dân thành phố Pittsburgh và cả những người theo dõi quỹ đạo trái đất chuyên nghiệp đều có thể quan sát một phần vụ nổ mà 2 vệ tinh này gây ra. Tuy nhiên trên thực tế, đã không có bất cứ dấu hiệu nào của một vụ tai nạn như vậy được ghi nhận.
Phía LeoLabs cũng xác nhận radar của họ không cho thấy bằng chứng nào về các mảnh vỡ mới.
Như vậy khả năng cao đã không có bất cứ vụ va chạm nào xảy ra, và 2 vệ tinh đã chết này sẽ tiếp tục trôi nổi quanh quỹ đạo trái đất thấp một cách “vật vờ” và rất có thể sẽ có cuộc tái ngộ vào một ngày khác, có thể là sau một thập kỷ nữa.