Tại sao đi ô tô điện có cảm giác dễ say hơn xe xăng

Ô tô điện ngày càng trở nên phổ biến song nhiều người cho biết dễ bị say khi đi xe điện hơn là xe xăng, vì sao lại như vậy?​

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến xe điện dễ gây say là do chúng khởi động nhanh, êm, ít rung hơn và dễ gây rối loạn thị giác ở tiền đình tai trong.

Say xe

Việc say tàu xe khiến người ngồi trên ô tô có cảm giác chóng mặt, buồn nôn và mang lại sự khó chịu. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính khiến con người bị say tàu xe là do sự phối hợp của hai cơ quan quan trọng trong cơ thể là thị giác cảm giác chuyển động và tiền đình tai trong điều chỉnh thăng bằng. Khi hai cơ quan này gửi thông điệp tới não, nếu xảy ra xung đột có thể gây ra cảm giác say tàu xe. Ví dụ, mắt thấy sự tĩnh lặng, trong khi đó, tiền đình của tai trong cảm nhận đang chuyển động thì có thể xảy ra cảm giác say tàu xe. Cảm giác chóng mặt cũng xảy ra nếu mắt nhìn thấy đang di chuyển nhưng tiền đình tai trong cho rằng đứng yên.

Sự khác biệt giữa hành động dự kiến và hành động thực tế khiến chúng ta bị say xe. Đây là nguyên nhân khiến tài xế, người biết rõ động thái của xe ít bị say hơn hành khách, những người khó dự đoán chuyển động của xe hơn.

Một nguyên nhân nữa khiến xe điện dễ khiến say xe hơn xe xăng là sự khác biệt trong cách lái. Với xe chạy bằng xăng dầu, khi xe khởi động hành khách nghe thấy tiếng động cơ to hơn và độ rung ngày càng tăng. Điều này khiến tiền đình tai trong và mắt cảm nhận được chuyển động của xe, hai giác quan phối hợp nhịp nhàng hơn và không xung đột.

Với xe ô tô điện, khi xe khởi động, động cơ không có tiếng gầm hay rung lắc, xe di chuyển nhanh khiến tiền đình tai trong của hành khách chưa cảm nhận được chuyển động, nhưng mắt đã thấy xe đang chuyển động. Sự phối hợp không tốt của hai giác quan này gây ra cảm giác say tàu xe.

Ngoài ra, ô tô điện còn có cơ chế phanh tái sinh, hành khách có thể cảm nhận được lực cản của xe khi xe đang chuyển động, khác hoàn toàn xe chạy bằng xăng dầu. Trường hợp xe để chế độ phanh tái sinh mức cao thì thường xuyên tạo ra hiện tượng phanh gấp dễ gây chóng mặt.

Thứ Sáu, 04/10/2024 09:03
31 👨 113
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khám phá khoa học