Vào năm 2025, tức là chỉ chưa đầy 5 năm nữa, nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển Trái Đất rất có thể sẽ chạm ngưỡng cao chưa từng có trong hơn 3,3 triệu năm qua. Đó là kết quả từ nghiên cứu mới nhất của Đại học Southampton, được công bố hôm nay trên tạp chí Nature Science.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu thành phần hóa học của những vật chất hóa thạch nhỏ, có kích thước bằng đầu pin được thu thập từ các lớp trầm tích đại dương sâu thuộc vùng biển Caribbean. Sau đó sử dụng dữ liệu thu được để tái cấu trúc nồng độ CO2 trong khí quyển Trái đất ở kỷ nguyên Pliocene cách đây khoảng 3 triệu năm trước, khi hành tinh của chúng ta đạt mức nhiệt ấm nhất từng được ghi nhận, hơn 3°C so với ngày nay, và mực nước biển toàn cầu thời kỳ đó cũng cao hơn.
"Dữ liệu thống kê về nồng độ CO2 trong lịch sử địa chất đóng vai trò rất quan trọng, vì nó cho chúng ta biết hệ thống khí hậu, các tảng băng và mực nước biển trước đây đã phản ứng như thế nào với mức CO2 tăng cao trên toàn hành tinh. Đặc biệt bởi điều này có quan hệ mật thiết với tình trạng biến đổi khí hậu và nồng độ CO2 tăng nhanh mà nhân loại đang phải đối mặt hiện nay”, Tiến sĩ Elwyn de la Vega, người đứng đầu công trình nghiên cứu, cho biết.
Để xác định nồng độ CO2 trong khí quyển, nhóm nghiên cứu đã sử dụng thành phần đồng vị của nguyên tố boron, hiện diện tự nhiên dưới dạng tạp chất trong vỏ động vật phù du gọi là foraminifera hoặc “forams”. Những sinh vật này có kích thước khoảng nửa milimet và dần dần tích tụ với số lượng lớn dưới đáy biển, hình thành nên một kho thông tin đồ sộ và chi tiết về khí hậu của Trái đất trong quá khứ. Thành phần đồng vị của boron trong vỏ của loài foraminifera phụ thuộc vào độ axit (độ pH) của nước biển nơi mà chúng sống. Từ mối quan hệ chặt chẽ giữa CO2 trong khí quyển và pH nước biển, hoàn toàn có thể tính toán toán được nồng độ CO2 trong quá khứ thông qua việc phân tích chi tiết hơn đặc tính của boron trong vỏ của loài foraminifera cổ đại.
Tiến sĩ Thomas Chalk, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết thêm:
"Tập trung vào khoảng thời gian ấm áp trong quá khứ giống như ngày nay mang đến cho chúng ta một phương án hay để nghiên cứu cách Trái đất phản ứng với lượng CO2 quá lớn đẩy vào khí quyển. Chúng tôi đã phát hiện ra rằng thời kỳ ấm nhất của kỷ nguyên Pliocene có từ 380 đến 420 phần triệu CO2 trong khí quyển. Điều này tương tự với giá trị ngày nay là khoảng 415 phần triệu, cho thấy rằng chúng ta đã ở mức cao. Hiện tại, mức CO2 trong khí quyển Trái Đất tăng lên với tốc độ khoảng 2,5 ppm mỗi năm, có nghĩa là vào năm 2025, mức CO2 trên hành tinh sẽ vượt ngưỡng kỷ lục trong 3,3 triệu năm qua".
Có thể nói khí hậu Trái Đất đang cực đoan hóa với tốc độ “kinh hoàng” do tác động tự gia tăng nhanh chóng của nồng độ CO2 trong khí quyển. Con người sẽ phải nhanh chóng học cách thích nghi với thách thức chưa từng có này.