Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) vừa chính thức phát hành một hệ thống bản đồ chi tiết đầu tiên về đặc điểm địa chất của Mặt Trăng, giúp giải thích rõ hơn lịch sử hình thành và kiến tạo địa chất trong khoảng 4,5 tỷ năm của người hàng xóm gần nhất của chúng ta trong vũ trụ.
Bản đồ này có tên gọi "Unified Geologic Map of the Moon", được chính các nhà khoa học của USGS phân tích và thống nhất sau nhiều năm ròng rã với hàng ngàn nghiên cứu lớn nhỏ, cùng sự giúp đỡ từ NASA và Viện nghiên cứu Mặt Trăng Hoa Kỳ, sẽ đóng vai trò là bản thiết kế cuối cùng của địa chất bề mặt mặt trăng nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu cũng như tiến hành các sứ mệnh khám phá của con người trong tương lai. Đồng thời cũng được coi là thành tựu vô giá đối với cộng đồng khoa học quốc tế, các nhà giáo dục và toàn thể nhân loại nói chung.
Đặc biệt, Unified Geologic Map of the Moon còn được phát hành dưới dạng kỹ thuật số hiện có sẵn trực tuyến, cho thấy đặc điểm địa chất của mặt trăng chi tiết một cách đáng kinh ngạc (tỷ lệ 1:5.000.000).
“Mặt Trăng luôn là thứ gì đó gây mê hoặc với con người trong hàng ngàn năm qua. Sự ra đời của bản đồ địa chất Mặt Trăng sẽ có đóng góp rất lớn trong lĩnh vực thiên văn học, giáo dục và khám phá vũ trụ. Giúp đỡ rất nhiều cho các cơ quan hàng không vũ trụ như NASA trong việc lên kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ khám phá quan trọng trong tương lai”, ông Jim Reilly, giám đốc USGS và là cựu phi hành gia NASA, cho biết.
Để tạo ra bản đồ kỹ thuật số phức tạp này, các nhà khoa học đã sử dụng thông tin từ 6 bản đồ các khu vực mặt trăng thời Apollo cùng với thông tin cập nhật từ hàng chục sứ mệnh khám phá mặt trăng trong nhiều năm qua. Song song với việc hợp nhất dữ liệu mới và cũ, các nhà nghiên cứu của USGS cũng đã phát triển một hệ thống mô tả thống nhất về địa tầng - các lớp đất đá của mặt trăng, giúp giải quyết những vấn đề tồn tại trong các hệ thống bản đồ trước đây, trong đó có việc quy định các loại hình địa chất và xác định niên đại đôi khi không nhất quán.
“Bản đồ này là thành tựu đỉnh cao của một dự án kéo dài hàng thập kỷ. Nó mang đến nguồn thông tin quan trọng cho các nghiên cứu mặt trăng bằng cách kết nối và hợp nhất những kiến thức đã biết trong nhiều năm qua”.
Dữ liệu độ cao cho khu vực xích đạo của mặt trăng xuất phát từ các quan sát được thu thập bởi hệ thống Terrain Camera trong nhiệm vụ SELENE (Selenological and Engineering Explorer) JAXA do Cơ quan Thám hiểm Hàng không vũ trụ Nhật Bản triển khai và mới được hoàn tất gần đây. Địa hình cực Bắc và Nam Mặt Trăng được phân tích từ hệ thống Lunar Orbiter Laser Altimeter lâu đời của NASA.