Ngày 22/7/2024 được Cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh Châu Âu ghi nhận là ngày nóng nhất lịch sử sau khi nền nhiệt trong ngày này vượt qua mức cao kỷ lục của ngày 21/7.
Theo số liệu từ cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) hôm 24/7, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu vào ngày 22/7 đã tăng lên 17,15oC, cao hơn so với kỷ lục 17,09oC được thiết lập chỉ một ngày trước đó, 21/7.
Từ năm 1940, C3S đã theo dõi các mô hình như vậy.
Các nhà khoa học cho rằng, việc lạm dụng nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây ra tình trạng hiện nay. Joyce Kimutai - nhà khoa học khí hậu từ Đại học Hoàng gia London cho biết, thời tiết sẽ tiếp tục nóng hơn nếu thế giới tiếp tục đốt than, dầu và khí đốt.
Khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, sẽ ngày càng xuất hiện nhiều các hình thái thời tiết ngày càng trở nên cực đoan hơn với các đợt nắng nóng, hạn hán, bão và lũ lụt gia tăng ảnh hưởng đến phần lớn địa cầu.
Nhà khoa học khí hậu Karsten Haustein tại Đại học Leipzig ở Đức cho biết, nhiệt độ hôm 22/7 "có thể đã lập kỷ lục mới về nhiệt độ trung bình toàn cầu nóng nhất từ trước đến nay". Ông cho rằng, điều này là "đáng chú ý" khi thế giới không còn chịu ảnh hưởng bởi El Nino.
Trái đất vừa ghi nhận tháng 6 năm 2024 nóng nhất trong lịch sử
Cơ quan Giám sát Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết thế giới vừa trải qua tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay với nhiệt độ trung bình là 16,6 độ C, cao hơn 0,5 độ C so với giai đoạn 1991-2020 và vượt mức kỷ lục trước đó ghi nhận vào tháng 6/2019.
Cơ quan Giám sát Khí hậu Copernicus cho biết, tháng 6 năm 2024 có nhiệt độ đã đạt kỷ lục ở khắp khu vực Tây Âu và Bắc Âu. Mức nhiệt cao hơn so với mức bình thường cũng được ghi nhận tại một số vùng của Canada, Mỹ, Mexico, châu Á và miền Đông Australia.
Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo rằng, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.
Ngày 4/7 vừa qua đã trở thành ngày nóng nhất khi nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt kỷ lục mới trong ngày thứ hai liên tiếp, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Nhiệt độ trung bình của không khí trên bề mặt Trái đất trong ngày 4/7 đã lên mức 17, 18 độ C.
Một số nhà khoa học nhận định dữ liệu mới nhất cho thấy, biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể biến năm 2024 thành năm nóng nhất kể từ khi thế giới bắt đầu ghi nhận số liệu nhiệt độ toàn cầu vào giữa những năm 1800.
Trong những năm gần đây, khí nhà kính tạo ra từ các hoạt động của con người gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu đã khiến thế giới liên tiếp ghi nhận những mức nhiệt cao kỷ lục