Bằng cách quan sát thế giới tự nhiên, các nhà khoa học đã thiết kế nhiều robot dựa trên cơ sở thích nghi với thế giới và môi trường của các loài động vật. Điều này cho thấy việc giao thoa, kết hợp giữa khoa học và tự nhiên là một phần tất yếu của cuộc sống. Hơn thế nữa, những robot này còn được tính toán để tương thích với những nhu cầu phát sinh trong tương lai.
Cùng điểm danh những robot được lấy "cảm hứng" từ động vật của các nhà khoa học.
1. Robot rắn biển
Eelume
Robot Eelume được hãng Kongsberg Maritime sản xuất nhằm mục đích thăm dò và theo dõi tình trạng của những thiết bị khoan dầu dưới biển sâu. Được thiết kế dựa trên hoạt động của loài rắn biển, Eelume khắc phục được những nhược điểm như tốc độ chậm, to lớn và kém linh hoạt của những robot khác.
Hiện tại, Eelume vẫn còn phải kết nối và điều khiển qua một sợi dây cáp, nhưng các nhà sản xuất đã và đang nghiên cứu để cho ra mắt mẫu nâng cấp mới, tích hợp pin năng lượng bên trong để robot có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách thuận tiện hơn trên nhiều mặt.
2. Robot khỉ Roko
Tuy Roko mới chỉ tồn tại trên bản vẽ chưa được sản xuất nhưng đã được đánh giá là một robot hoàn hoản cho những công việc trong rừng sâu.
Roko được thiết kế nhằm thực hiện những nhiệm vụ vận chuyển các gói hàng nhỏ cứu trợ đến vùng sâu xa, hẻo lánh mà phương tiện thông thường không thể tiếp cận. Ngoài ra, nó còn có thể đóng vai trò như một người dẫn đường ở không gian môi trường khó khăn như vậy, hoặc giám sát các hoạt động sinh thái trong khu vực.
Roko dự kiến sẽ được bao phủ bởi một lớp lông thú, giúp cho nó di chuyển trong rừng như một cá thể khỉ thật sự nhằm giảm tối đa những ảnh hưởng đến môi trường sống trong tự nhiên.
3. Robot ong
RoboBees
Số lượng ong mật trên thế giới đang sụt giảm một cách bí ẩn và khó hiểu khiến ngành công nghiệp thực phẩm thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm. Tháng 6 năm 2014, các nhà khoa học Harvard đã thiết kế ra robot ong tí hon hỗ trợ thụ phấn y hệt nhưng loài ong mật bình thường.
Dự án trên ban đầu đã đạt được những tiến triển nhất định. Nhưng hiện nay các nhà khoa học vẫn gặp phải khó khăn trong việc kết nối những con ong robot với nhau như một tập thể ong thật sự.
4. MuddyBot
Nhà lý sinh học tại Georgia Tech - Daniel Goldman - sắp cho ra mắt một thế hệ robot linh hoạt có thể hoạt động ở mọi địa hình như trên cạn, dưới nước, thậm chí là bùn, cát. Robot này có hình dạng tương tự như cá thòi lòi châu Phi, loài vật có khả năng sống ở hai loại địa hình trên cạn/dưới nước, theo cách giống như những loài có xương sống thời kỳ đầu.
Trong các thử nghiệm, bộ phận đuôi của robot tỏ ra chưa được tối ưu cho lắm trong việc hỗ trợ di chuyển. Nhưng khi ứng dụng vào những địa hình, bề mặt dốc trơn trượt, không bền vững thì lại vô cùng hữu dụng, nó giúp robot hạn chế việc bị ảnh hưởng bởi tác động của trọng lực kéo xuống theo hướng dốc.
5. Robot chuột túi
BionicKangaroo
Kết cấu dây chằng bên trong cẳng chân của kangaroo đóng vai trò như những sợi dây đàn hồi đặc biệt, giúp hồi phục năng lượng và dự trữ nó cho lần hoạt động tiếp theo, từ đó tăng sức bền của cơ thể.
Hãng công nghệ và kỹ thuật Festo của Đức dựa trên kết cấu này để thiết kế nên một robot chuột túi mô phỏng tương tự có tên là BionicKangaroo.
Nguyên mẫu đầu tiên được vận hành và điều khiển bởi hệ thống nhận diện cử chỉ, thông qua một thiết bị đeo tay hỗ trợ cảm biến nhạy bén vốn thường được sử dụng để điều khiển drone. Hiện vẫn chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về việc mẫu robot này sẽ được bày bán công khai rộng rãi trên thị trường.
6. Robot hươu cao cổ
SpotMini
Hãng robot Boston Dynamics đã và đang chế tạo một mẫu robot có ngoại hình và kích thước lai giữa người và chó, dành cho cả mục đích dân sự và quân sự có tên là SpotMini. Robot này được thiết kế chuyên dụng cho phân khúc thiết bị gia dụng, trông giống như hươu cao cổ nhưng có kích cỡ chỉ như một chú chó thông thường.
Kết cấu của đầu robot có nhiều vai trò, khả năng đa dạng và độc đáo (như giữ đầu cố định trong khi cả thân hình vẫn di chuyển và xoay quanh). Những hành động cầm, nắm đồ vật và thao tác liên quan chỉ là chuyên nhỏ.
SpotMini có thể di chuyển dễ dàng trong ngôi nhà mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Tương lai, chúng có thể đảm nhiệm công việc "trông nom" người già và khuyết tật.
Robot này có thể vận hành 1 tiếng rưỡi cho một lần sạc.
7. Nhện robot
SpiderBot
Lấy cảm hứng từ loài nhện, các nhà khoa học tại Viện Thiết kế Điện toán Stuttgart (Đức), đã cho ra đời một hệ thống có khả năng triển khai, bố trí một đoàn robot tí hon mang trong mình các cuộn tơ carbon, kết hợp với nhau để dệt nên những đồ vật khác có tên gọi là SpiderBot.
Nhóm phát triển cũng cho biết họ đang tính toán đến việc nhân rộng quy mô hơn nữa, sử dụng nhiều robot hơn để tạo ra những vật thể phức tạp hơn, ngoài ra còn định trang bị, nâng cấp cho robot khả năng thao tác trên những bề mặt phức tạp.
8. Robot Gián
RoboRoach
Loài gián có thể "chen chúc" vào trong hầu như bất kỳ không gian chật hẹp nào nào dù không hề có một lớp vỏ cứng cáp bảo vệ nhờ chuyển động chân đặc biệt của chúng.
Chuyên gia cơ khí sinh học Robert Full tại UC Berkeley đã nhận thấy điều đặc biệt này của loài gián và dựa vào đó để thiết kế nên RoboRoach. Robot này có khả năng xoay xở tốt trong không gian hẹp. Với khả năng đặc biệt đó, chúng có thể giúp tìm ra dấu vết những người cần cứu trợ hoặc thu thập dữ liệu đánh giá tình hình xung quanh khi xảy ra thảm họa, thiên tai hay chiến tranh.
RoboRoach là một phần trong dự án nghiên cứu robot hạng nhẹ, thường tận dụng các vật liệu dẻo dễ uốn như polymer thay vì kim loại và các vật liệu mạch cứng khác.
9. Chim Robot
Robird
Để xua đuổi những con chim trong tự nhiên thường phá hoại mùa màng, cản trở máy bay... công ty Clear Flight Solutions đã thiết kế một con robot có hình dáng giống như một loài chim ăn thịt để xua đuổi chúng có tên gọi Robird.
Robird được điều khiển bởi hệ thống không dây trên mặt đất. Trong khi đó, phiên bản tự động vận hành hiện đang trong quá trình phát triển và sản xuất.
10. Robot cá đuối
Cyborg Stingray
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế dẫn đầu bởi Kit Parker đến từ Harvard đã chế tạo ra một robot cá đuối nhân tạo, mô phỏng y hệt chuyển động bơi của những cá thể sống có tên gọi là Cyborg Stingray. Đây là sự kết hợp của cả khoa học và sinh học, nửa vật nửa máy.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu sử dụng một khung kim loại vàng đươc tích điện, tráng bởi một lớp polymer mỏng nữa. Quá trình chế tạo cũng cần đến 200.000 tế bào tim của chuột, với mục đích giúp cho robot này có khả năng cảm quang nhờ đặt những tế bào đó lên bề mặt phía trên của robot, góp phần định hướng và di chuyển. Ánh sáng cũng là tác nhân giúp cho các cơ bắp co rút, từ đó hỗ trợ chuyển động vây. Một bộ phận dự trữ năng lượng cũng được lắp đặt để phòng ngừa trường hợp bất khả kháng xảy ra.
Thiết kế này không chỉ giúp tạo tiền đề phát triển cho những thế hệ robot tự động trong tương lai, mà còn củng cố thêm nhận thức của chúng ta về cách hoạt động của tim con người cũng như tác động lực dưới nước. Ngoài ra, những phiên bản "nửa người nửa máy" khác cũng sẽ sớm được cân nhắc và đưa vào ứng dụng nếu nhận được phản hồi tích cực.