Với lượng người dùng Internet lớn (trên 30 triệu người), mạng xã hội phát triển mạnh, việc kinh doanh dựa trên mạng xã hội tại Việt Nam đang hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội bứt phá cho các doanh nghiệp.
Hoạt động kinh doanh dựa trên mạng xã hội đang được biết đến là khả năng doanh nghiệp khai thác sức mạnh của cộng đồng trực tuyến, bao gồm các kết nối nội bộ và bên ngoài, các công cụ tương tác xã hội để nâng cao kết quả kinh doanh, tiếp cận khách hàng mới cũng như gia tăng số lượng người ủng hộ thương hiệu của mình.
Mạng xã hội đang được sử dụng ngày càng nhiều trong khối các doanh nghiệp năng động.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Quỳnh - Giám đốc Bộ phận Phần mềm, IBM Việt Nam cho rằng, khái niệm “kinh doanh dựa trên mạng xã hội” ngày càng trở nên quen thuộc với các hình thức như Facebook, LinkedIn… phục vụ trong việc tiếp cận với khách hàng và đối tác.
Ông Quỳnh cho rằng, một doanh nghiệp kinh doanh trên mạng xã hội cần chú trọng đến khả năng triển khai và phát huy sức mạnh của mạng xã hội, các công cụ cộng tác trong nội bộ doanh nghiệp, qua đó tạo ra một nền tảng cộng tác chia sẻ kiến thức, ý tưởng và mối quan tâm giữa các nhân viên tại nhiều vùng địa lý, nhiều nơi khác nhau (tại văn phòng, làm việc tại nhà...) để nâng cao năng suất lao động, phát huy trí tuệ tập thể.
Lấy ví dụ tại Indonesia, ông Nguyễn Bá Quỳnh cho hay: Nhờ sử dụng giải pháp IBM LotusLive Engage với những công cụ cộng tác như hội họp trực tuyến, mạng xã hội và nhắn tin tức thời, các nhân viên của chuỗi cửa hàng thực phẩm Bumdu Desa có thể nhanh chóng chia sẻ thông tin về thực đơn, bán hàng chéo, thông suốt giữa các chi nhánh, ngay cả khi công ty phát triển từ 5 lên 38 cửa hàng vào năm 2010.
Cùng đó, các công cụ xã hội cho phép các phòng ban của doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, cho phép tham gia trí tuệ tập thể cao hơn… tác động tích cực đến việc giảm thiểu chi phí di chuyển hoặc phát triển nhanh chóng sản phẩm mới cũng như những phương pháp tiếp cận khách hàng.
Nhà sản xuất vật liệu xây dựng Cemex (Mexico) là một ví dụ khác. Họ đã triển khai mạng doanh nghiệp cấp xã hội và giải pháp phần mềm kinh nghiệm web trong năm 2010 để giúp kết nối 47.000 nhân viên tại 50 quốc gia. Trong tháng đầu tiên thực hiện, 5.000 người sử dụng ký hợp đồng với 20.000 người dùng.
Bằng cách tạo ra cộng đồng trực tuyến và các blog, Cemex có khả năng tận dụng triệt để năng lực nội bộ trong việc ra đời các sản phẩm mới và thu hút ý tưởng kinh doanh. Công ty bắt đầu chia sẻ những thách thức kinh doanh với lực lượng lao động thông qua các diễn đàn nội bộ và cho phép họ mang đến các ý tưởng mới, sáng tạo cho công ty.
Trong khi đó tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp như Bảo hiểm Prudential, Bảo Minh, hệ thống bán lẻ thiết bị số Viễn thông A… cũng triển khai các giải pháp cộng tác, hội họp, blogs, diễn đàn của IBM để đảm bảo kết nối thông suốt, hiệu quả và nhanh chóng với hàng nghìn nhân viên làm việc tại khắp các chi nhánh trên cả nước.
“Mạng xã hội nội bộ bắt đầu chứng minh được những lợi ích to lớn trong môi trường làm việc hiện đại, nơi mà mạng xã hội và các công cụ hợp tác đang góp phần xây dựng những lực lượng lao động thông minh hơn”, ông Nguyễn Bá Quỳnh bày tỏ.
Phần mềm mạng xã hội nội bộ cho doanh nghiệp của IBM có tên là Connections, cho phép nhân viên chia sẻ các thông tin và tài liệu mới, hợp tác trên các trang wikis, blogs và những hoạt động như hội họp trực tuyến, đồng thời có khả năng phân tích các dữ liệu theo thời gian thực.