Cấu tạo, nguyên lý và cách lắp đặt điều hòa 2 chiều

Điều hòa 2 chiều là một trong những thiết bị làm mát, sưởi ấm được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt là tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Trong bài viết hôm nay, Quantrimang.com sẽ giúp bạn tìm hiểu về cấu tạo, nguyên lý hoạt động cũng như cách lắp đặt điều hòa 2 chiều. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho bạn!

Điều hòa 2 chiều là gì? Cách nhận biết điều hòa 2 chiều

Máy lạnh 2 chiều là gì? Trên thực tế, điều hòa 2 chiều hay máy lạnh 2 chiều là thiết bị vừa có chức năng làm lạnh (sử dụng vào mùa hè), vừa có chức năng sưởi ấm (sử dụng vào mùa đông). Nhiều gia đình ở miền Bắc Việt Nam lựa chọn điều hòa 2 chiều bởi vì nó có thể giúp họ:

Tiết kiệm chi phí mua sắm và bảo dưỡng: Nếu chọn máy lạnh 2 chiều, gia đình bạn sẽ tiết kiệm được 1 khoản chi phí mua máy sưởi không nhỏ. Hơn nữa, việc bảo dưỡng điều hòa 2 chiều cũng đơn giản, tiện lợi và rẻ hơn nhiều so với việc bảo dưỡng cả điều hòa 1 chiều và máy sưởi.

Tiết kiệm điện năng: Điều hòa 2 chiều có khả năng sưởi ấm hiệu quả mà không tiêu tốn nhiều điện năng như các dòng máy sưởi.

Điều hòa 2 chiều là gì? Cách nhận biết điều hòa 2 chiều

Sử dụng điều hòa 2 chiều giúp tiết kiệm chi phí mua sắm và điện năng tiêu thụ

Xem thêm: Mùa đông nên sử dụng quạt sưởi hay điều hòa 2 chiều?

Cách nhận biết điều hòa 2 chiều rất đơn giản. Bạn có thể hỏi trực tiếp người bán, hoặc tra thông tin model sản phẩm trên mạng internet hoặc đơn giản là dựa vào điều khiển điều hòa. Nếu bên cạnh màn hình điều khiển có ký hiệu chữ “HEAT” hoặc khi ấn nút “MODE” trên điều khiển vài lần, bạn thấy màn hình có hiển thị chế độ “HEAT” thì đó là điều hòa 2 chiều.

Cấu tạo và nguyên lý điều hòa 2 chiều

Đặc điểm cấu tạo điều hòa 2 chiều

Cũng giống như máy lạnh 1 chiều, máy lạnh 2 chiều có cấu tạo gồm các bộ phận cơ bản như dàn lạnh (dàn bay hơi), dàn nóng (dàn ngưng tụ), lốc điều hòa (hay còn gọi là máy nén, block), quạt dàn lạnh, quạt dàn nóng, van tiết lưu (ống mao dẫn), ống dẫn gas, bảng điều khiển, tụ điện, gas (môi chất làm lạnh)… Tuy nhiên, điều hòa 2 chiều được trang bị thêm van đảo chiều còn máy lạnh 1 chiều thì không có. Van đảo chiều của máy lạnh 2 chiều là một loại van điện tử 4 cửa, trong đó có 1 cửa vào và 3 cửa đảo chiều. Bộ phận này được đặt ngay sau máy nén để làm thay đổi chiều đi của gas, từ đó làm thay đổi chiều làm lạnh của điều hòa.

cấu tạo điều hòa 2 chiều

Van đảo chiều điều hòa 2 chiều

Xem thêm: Cấu tạo & Nguyên lý hoạt động của máy lạnh, điều hòa

Nguyên lý điều hòa 2 chiều

Nguyên lý làm lạnh

  • Khi bạn bật chế độ làm lạnh trên điều hòa 2 chiều, van đảo chiều không được cấp điện, cửa 1 mặc định thông với cửa 2, cửa 3 mặc định thông với cửa 4.
  • Khí gas trên dàn lạnh ở thể khí, áp suất thấp, nhiệt độ khá nóng sẽ thông qua cửa số 3, 4 của van đảo chiều, qua bình bẫy gas lỏng, đi về máy nén.
  • Tại máy nén, khí gas được nén lại, chuyển sang trạng thái thể khí, áp suất cao, nhiệt độ cao. Sau đó, khí gas sẽ được đưa đến dàn nóng điều hòa thông qua cửa 1, 2 của van đảo chiều.
  • Quạt gió trên dàn nóng thổi nhiệt nóng ra ngoài môi trường, khiến khí gas chuyển sang trạng thái lỏng, áp suất cao, nhiệt độ thấp.
  • Gas ở thể lỏng, áp suất cao, nhiệt độ thấp đi qua phin lọc để loại bỏ tạp chất trước khi vào van tiết lưu. Sau khi đi qua van tiết lưu, gas vẫn ở thể lỏng, nhiệt độ thấp nhưng áp suất thấp.
  • Gas thể lỏng, áp suất thấp, nhiệt độ thấp được dẫn vào dàn lạnh. Quạt gió ở dàn lạnh thổi nhiệt lạnh vào trong phòng, khiến gas chuyển dần từ dạng lỏng sang khí, có nhiệt độ cao, áp suất thấp. Đến đây, 1 chu trình làm lạnh của điều hòa 2 chiều kết thúc, khí gas ở dàn lạnh sẽ lại tiếp tục thông qua cửa số 3, 4 của van đảo chiều về máy nén để tiếp tục 1 chu trình mới.

Nguyên lý làm nóng của điều hòa 2 chiều

  • Khi bạn kích hoạt chế độ làm nóng của điều hòa, van đảo chiều được cấp điện, cửa 1 và cửa 4 thông với nhau, cửa 2 thông với cửa 3.
  • Ở chế độ sưởi ấm, cục ngoài trời của điều hòa trở thành dàn lạnh, cục trong nhà trở thành cục nóng. Khí gas từ cục ngoài trời (ở thể khí, áp suất thấp, nhiệt độ cao) đi qua cửa số 2, 3 của van đảo chiều, qua bình bẫy gas lỏng, đi vào cửa hút của máy nén.
  • Sau khi được nén tại máy nén, khí gas có nhiệt độ cao, áp suất cao sẽ được chuyển đến dàn trong nhà (lúc này là dàn nóng) thông qua cửa số 1, 4 của van đảo chiều. Tại đây, khí gas thu nhiệt lạnh của phòng, dần chuyển sang thể lỏng, áp suất cao, nhiệt độ thấp.
  • Gas lỏng, áp suất cao, nhiệt độ thấp đi qua van tiết lưu, chuyển sang trạng thái lỏng, áp suất thấp, nhiệt độ thấp. Sau đó, gas sẽ được dẫn qua phin lọc để loại bỏ tạp chất, rồi đi tới dàn ngoài trời (dàn lạnh). Tại đây, nó sẽ tỏa nhiệt lạnh ra môi trường, dần chuyển sang trạng thái khí, áp suất thấp, nhiệt độ cao. Sau khi kết thúc 1 chu trình làm nóng, khí gas từ cục ngoài trời sẽ lại tiếp tục đi qua cửa số 2, 3 của van đảo chiều, qua bình bẫy gas lỏng, đi về máy nén để bắt đầu 1 chu trình mới.

Sơ đồ nguyên lý điều hòa 2 chiều

Sơ đồ nguyên lý điều hòa 2 chiều

>> Có thể bạn quan tâm: Tìm hiểu cấu tạo, cách lắp đặt và sử dụng điều hòa cây

Cách lắp đặt điều hòa 2 chiều

Hãy tham khảo những hướng dẫn dưới đây để biết cách lắp đặt điều hòa 2 chiều đúng kỹ thuật bạn nhé:

Bước 1: Lắp giá đỡ dàn lạnh.

  • Xác định vị trí treo dàn lạnh.
  • Đánh dấu các vị trí cần khoan.
  • Sử dụng khoan, ốc vít để cố định giá đỡ dàn lạnh.

Bước 2: Mở hộp điện trên dàn lạnh, sau đó đấu nối dây điện bên trong.

Bước 3: Kết nối đường ống với dàn lạnh.

Bước 4: Lắp dàn lạnh lên giá đỡ.

Bước 5: Kết nối dàn lạnh với dàn nóng.

  • Bẻ ống dây sao cho vừa tới vị trí của dàn nóng (cục ngoài trời).
  • Dùng kìm loe đầu ống đồng, rồi kết nối với dây đồng bên ngoài.
  • Đấu nối dây đồng dàn lạnh với dây đồng bên ngoài.
  • Dùng cờ lê vặn chặt 2 điểm nối với nhau.

Bước 6: Lắp dàn nóng.

  • Đo khoảng cách 2 chân đế của dàn nóng.
  • Sử dụng khoan để cố định giá đỡ.
  • Gắn cục nóng vào giá đỡ.

Bước 7: Nối dây đồng vào dàn nóng, dùng cờ lê siết chặt lại, sau đó sử dụng khóa lục giác vặn kiểm tra xem gas từ dàn nóng còn hoạt động không, có bị rò rỉ ra bên ngoài hay không.

Bước 8: Kết nối dòng điện cho dàn nóng, quấn cách nhiệt cho van gas để đảm bảo gas không bị rò rỉ ra bên ngoài.

Bước 9: Hút chân không ống đồng và chạy thử máy lạnh 2 chiều.

Mong rằng bài viết của chúng tôi đã giúp bạn hiểu rõ về cách nhận biết, cấu tạo, nguyên lý hoạt động cũng như cách lắp đặt điều hòa 2 chiều. Cảm ơn bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết!

Thứ Năm, 23/04/2020 14:12
52 👨 9.740
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Điều hòa