Đây là số tiền mà bạn có thể kiếm được khi làm 1 trong 9 công việc “hot” nhất lĩnh vực công nghệ phần mềm

Cho dù bạn đã có cơ hội trải nghiệm qua một sự kiện bootcamp về mã hóa, các công trình nghiên cứu khoa học máy tính hoặc đang tìm kiếm một sự thay đổi có ý nghĩa hơn đối với sự nghiệp của bản thân, và trên tất cả nếu bạn muốn trở thành một kỹ sư phần mềm, đừng đi tìm đâu xa.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, nhu cầu về việc làm đối với các nhà phát triển phần mềm sẽ tăng thêm khoảng 24% trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2026. Và tại trung tâm công nghệ lớn nhất thế giới thuộc Khu vực Vịnh San Francisco, các kỹ sư phần mềm sẽ có thể đút túi trung bình 155.000 đô la mỗi năm.

Tất nhiên không phải tất cả các kỹ sư phần mềm đều được trả lương như nhau hoặc làm các loại hình công việc giống hệt nhau. Tìm được vị trí nghề nghiệp phù hợp với các công ty và trên tất cả là tài năng thực sự về công nghệ… chính những yếu tố này sẽ quyết định mức lương của một chuyên viên công nghệ thông tin nói chung, và công nghệ phần mềm nói riêng.

Kỹ sư phần mềm

Hired, một nền tảng hỗ trợ tìm việc làm đã thực hiện nghiên cứu và đưa ra thống kê giúp xác định loại hình công việc nào có nhu cầu cao nhất trong lĩnh vực công nghệ phần mềm. Cụ thể, Hired đã tiến hành một cuộc khảo sát với 700 nhà phát triển phần mềm trên khắp nước Mỹ, và phân tích dữ liệu từ các bài đăng công việc trên trang web của mình. Ngoài ra, kết quả thống kê cũng dựa trên số liệu khảo sát về các kỹ năng cũng như vị trí mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.

Cho dù bạn có ước mơ được làm việc tại một trong những doanh nghiệp công nghệ khổng lồ ở Thung lũng Silicon, hay một công ty khởi nghiệp đầy tiềm năng trong nước thì cũng nên tham khảo 9 loại hình công việc liên quan đến kỹ thuật phần mềm hiện đang có nhu cầu cao nhất, cũng như số tiền trung bình bạn có thể kiếm được mỗi năm, để tìm ra cho mình hướng đi phù hợp nhất trong tương lai. Hãy cùng đến với danh sách của chúng ta ngay sau đây.

Lập trình viên Front end

Lập trình viên Front end

  • Khu vực vịnh San Francisco: 140.000 USD/năm
  • New York: 128.000 USD/năm

Phần front-end của một trang web là phần tương tác với người dùng. Tất cả mọi thứ bạn nhìn thấy khi điều hướng trên Internet, từ các font chữ, màu sắc cho tới menu và những thanh trượt... đều là một sự kết hợp của HTML, CSS, và JavaScript được điều khiển bởi trình duyệt máy tính của bạn.

Các lập trình viên front end sẽ là người chịu trách nhiệm viết mã để quyết định cách thức một trang web hoặc ứng dụng sẽ trông như thế nào, cũng như cách nó có thể tương tác với người dùng. Tóm lại, họ chính là người quyết định cái nhìn đầu tiên của người dùng về trang web, ứng dụng. Chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ, nhu cầu cho loại hình công việc này đã tăng khoảng 4% so với năm trước.

Lập trình viên full-stack

Lập trình viên full-stack

  • Khu vực vịnh San Francisco: 143.000 USD/năm
  • New York: 133.000 USD/năm

Lập trình viên full-stack là những người phải làm việc với cả front end và back end của một trang web hoặc ứng dụng. Tức là lập trình viên full-stack sẽ đóng vai trò quyết định đến cách thức trang web hoặc ứng dụng tương tác với người dùng, cũng như mã hóa và lưu trữ dữ liệu. Họ phải thành thạo tất cả các mảng trong quá trình phát triển phần mềm, bao gồm cơ sở dữ liệu, máy chủ, kỹ thuật hệ thống và máy khách. Một lập trình viên full-stack không nhất thiết phải thông thạo mọi công nghệ của Front-end và back-end nhưng có thể học và ứng dụng vào dự án một cách nhanh chóng khi họ cần. Tất nhiên bất cứ công ty công nghệ nào cũng đều muốn chiêu mộ những con người toàn diện như thế này, thế nhưng tuyển dụng được một lập trình viên full-stack không phải là dễ. Theo ước tính, nhu cầu cho loại hình công việc này trong năm nay sẽ tăng khoảng 7% so với năm 2018.

Kỹ sư di động (Mobile engineer)

Kỹ sư di động (Mobile engineer)

  • Khu vực vịnh San Francisco: 147.000 USD/năm
  • New York: 133.000 USD/năm

Các kỹ sư di động (mobile engineer) là những người chịu trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển các ứng dụng cho thiết bị di động, cũng như triển khai những bản vá, cập nhật phần mềm theo định kỳ. Họ có thể là những người chuyên về các ứng dụng Android, iOS, hoặc bất kỳ nền tảng di động nào khác. Trước sự phát triển như vũ bão của mảng thiết bị di động nói chung và phần mềm di động nói riêng, nhu cầu cũng như mức lương cho loại hình công việc này cũng đã tăng nhanh chóng. Theo dự báo, nhu cầu tuyển dụng đối với các kỹ sư di động trong năm 2019 này sẽ tăng thêm khoảng 15%.

13 thói quen xấu cần loại bỏ để làm việc hiệu quả hơn

Kỹ sư học máy (Machine learning engineer)

Kỹ sư học máy (Machine learning engineer)

  • Khu vực vịnh San Francisco: 153.000 USD/năm
  • New York: 122.000 USD/năm

Học máy là một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo liên quan đến việc nghiên cứu và xây dựng các kĩ thuật cho phép hệ thống "học" tự động từ dữ liệu để giải quyết những vấn đề cụ thể. Kỹ sư học máy là những người chịu trách nhiệm trong việc viết các phần mềm có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan đến trí tuệ nhân tạo như học hỏi từ các mẫu và tự học với sự giám sát tối thiểu của con người. Ví dụ, họ có thể tạo ra phần mềm cá nhân hóa và dự đoán yêu cầu của khách hàng. Nhu cầu tuyển dụng đối với các kỹ sư học máy trong năm nay là rất lớn, tăng thêm đến 27% so với năm trước.

Lập trình viên back end

Lập trình viên Back end

  • Khu vực vịnh San Francisco: 149.000 USD/năm
  • New York: 136.000 USD/năm

Phần back end của một trang web sẽ bao gồm máy chủ, ứng dụng, và cả cơ sở dữ liệu. Người xử lý mọi logic nghiệp vụ phức tạp ở ẩn phía sau, giúp cho hệ thống hoạt động trơn tru, cho phép phần giao diện người dùng của trang web có thể tồn tại được chính là lập trình viên back end. Tóm lại, lập trình viên back end là người giữ vai trò quyết định đến cách thức website được vận hành - một vị trí cực kỳ quan trọng. Nhu cầu tuyển dụng cho vị trí này đang rất sôi động, tăng đến 33% so với năm trước.

Kỹ sư dữ liệu (Data engineer)

Kỹ sư dữ liệu (Data engineer)

  • Khu vực vịnh San Francisco: 151.000 USD/năm
  • New York: 132.000 USD/năm

Kỹ sư dữ liệu là những người chịu trách nhiệm phát triển, kiểm tra và duy trì cơ sở dữ liệu cũng như các hệ thống liên quan khác. Họ thường là những chuyên gia trong việc định dạng các tập dữ liệu, để đồng nghiệp hoặc các bên liên quan phân tích dữ liệu đó, đồng thời giúp các công ty sử dụng dữ liệu để thúc đẩy kết quả kinh doanh. Trong xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của big data vài năm trở lại đây, theo tính toán, nhu cầu tuyển dụng đối với các kỹ sư dữ liệu trong năm 2019 sẽ tăng thêm khoảng 38% so với năm trước.

Kỹ sư lập trình nhúng (Embedded engineer)

Kỹ sư lập trình nhúng (Embedded engineer)

  • Khu vực vịnh San Francisco: 150.000 USD/năm
  • New York: 124.000 USD/năm

Các kỹ sư lập trình nhúng là những người có nhiệm vụ tích hợp phần mềm vào các thiết bị khác với máy tính truyền thống, chẳng hạn như những thiết bị được sử dụng trong chăm sóc sức khỏe, điện tử tiêu dùng, sản xuất, hàng không và hơn thế nữa. Lập trình nhúng đang là một trong những ngành hot nhất hiện nay, nhu cầu về nguồn nhân lực cần thiết cho ngành này rất nhiều và đang thiếu hụt trầm trọng. Nhu cầu tuyển dụng đối với các kỹ sư sư lập trình nhúng dự kiến sẽ tăng đến 76% trong năm nay.

Kỹ sư bảo mật

Kỹ sư bảo mật

  • Khu vực vịnh San Francisco: 156.000 USD/năm
  • New York: 117.000 USD/năm

Kỹ sư bảo mật là người xây dựng và duy trì các giải pháp bảo mật công nghệ thông tin cho một tổ chức. Ở vị trí cấp trung gian này, bạn sẽ phát triển bảo mật cho các hệ thống/dự án của công ty và xử lý bất kỳ vấn đề kỹ thuật nào phát sinh. Tóm lại, các kỹ sư bảo mật sẽ phải tập trung vào việc giúp cho các hệ thống trở nên an toàn nhất có thể, đồng thời bảo vệ chúng khỏi các mối đe dọa và tấn công độc hại có thể xảy ra. Với sự gia tăng đáng báo động đối với các mối lo ngại về vi phạm dữ liệu và quyền riêng tư trong những năm gần đây, theo tính toán, nhu cầu tuyển dụng cho vị trí kỹ sư bảo mật đã tăng 132% trong 2018 vừa qua.

Kỹ sư Blockchain

Kỹ sư Blockchain

  • Khu vực vịnh San Francisco: 155.000 USD/năm
  • New York: 177.000 USD/năm

Khi mà ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ blockchain trong việc vận chuyển, chuỗi cung ứng, sản xuất và nhiều lĩnh vực khác nữa, họ đòi hỏi những người có chuyên môn trong việc quản lý, vận hành, thường thì một công ty lớn sẽ xây dựng một đội ngũ bao gồm các chuyên gia blockchain. Cụ thể hơn, các kỹ sư blockchain là người có nhiệm vụ xây dựng phần mềm cho các trường hợp sử dụng blockchain, như nhận dạng kỹ thuật số, hợp đồng thông minh, quản lý lực lượng lao động và lưu trữ dữ liệu. Lĩnh vực công nghệ blockchain hiện đang cực kỳ khan hiếm lao động trình độ cao. Theo ước tính của các nhà phân tích thống kê, nhu cầu nhân lực đối với vị trí kỹ sư blockchain trong năm ngoái đã tăng đến mức kỷ lục, rơi vào khoảng 517%.

Trên đây là danh sách 9 công việc “hot” nhất lĩnh vực công nghệ phần mềm ở thời điểm hiện tại. Bạn có suy nghĩ thế nào về những công việc này? Hãy để lại ý kiến ở phần bình luận bên dưới nhé. Chúc các bạn gặp nhiều thành công trong sự nghiệp!

Chủ Nhật, 24/03/2019 15:55
52 👨 1.419
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng Công việc