Đặt thiết bị giới hạn tốc độ lên ô tô, cần lưu ý điều gì?

Liên minh châu Âu EU đang cân nhắc kỹ lưỡng việc ban hành một đạo luật yêu cầu tất cả ô tô con cá nhân, xe khách cũng như xe tải phải được trang bị công nghệ giới hạn tốc độ và đồng thời là cả máy ghi dữ liệu để lưu lại thông tin về các trường hợp tai nạn (tương tự như hộp đen trên máy bay). Anh là quốc gia đầu tiên hưởng ứng đạo luật này khi quy định tất cả phương tiện giao thông ở nước này phải được lắp bộ giới hạn tốc độ kể từ năm 2022, và đã nhận được nhiều lời hoan nghênh, bao gồm cả Hội đồng An toàn Giao thông Châu Âu. Tuy nhiên, điều gì cũng có 2 mặt và không phải ai cũng bị thuyết phục bởi công nghệ được coi là "thiên thần hộ mệnh" này.

Liên minh châu Âu EU đang cân nhắc kỹ lưỡng việc ban hành một đạo luật yêu cầu tất cả ô tô con cá nhân, xe khách cũng như xe tải phải được trang bị công nghệ giới hạn tốc độ

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải đã chỉ ra rằng trên thực tế, trong nhiều tình huống tham gia giao thông, có những lúc bạn buộc phải vượt quá giới hạn tốc độ cho phép, và thậm chí điều này còn có thể giúp bạn tránh được một vụ va chạm. Một số người khắt khe hơn lại suy nghĩ về việc liệu chiếc "hộp đen" được đề xuất lắp đặt để ghi lại tốc độ của phương tiện, và nhiều dữ liệu liên quan khác như vị trí, thói quen lái xe có liệu có phải là đã can thiệp quá sâu vào quyền riêng tư của mỗi người dân hay không, và liệu sự giám sát này có phù hợp cho những lợi ích tiềm năng?

Về cơ bản, công nghệ hỗ trợ giới hạn tốc độ sẽ sử dụng Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) để thiết lập vị trí của chiếc ô tô, và sau đó gửi thông báo cho người lái (tham khảo) về giới hạn tốc độ của từng đoạn đường chiếc xe đang và sắp đi qua. Đồng thời chiếc xe cũng có thể được gắn thêm nhiều camera để xác định biển báo giới hạn tốc độ bên đường. Như vậy, có thể thấy chính chiếc xe - chứ không phải người lái - sẽ sử dụng những dữ liệu đầu vào nêu trên để giữ cho tốc độ chạy xe luôn ở dưới mức giới hạn cho phép trên mỗi tuyến đường nhất định bằng cách can thiệp trực tiếp vào công suất động cơ. Tuy nhiên, trong trường hợp người lái hoàn toàn tỉnh táo, làm chủ được tình huống và có lý do chính đáng để vượt quá tốc độ giới hạn, họ vẫn có thể buộc hệ thống làm theo quyết định của mình bằng cách đạp mạnh hơn vào chân ga, đây chính là điểm mới của quy định lần này.

Giới hạn tốc độ

Công nghệ này thực ra đã được trang bị sẵn trên một số mẫu xe hơi cao cấp, và có thể được coi là một bước đệm quan trọng trong việc tiến tới phát triển và sử dụng rộng rãi xe tự hành (Autonomous Vehicles - AV) - những phương tiện vốn sẽ cần phải tuân thủ các giới hạn tốc độ một cách hoàn toàn tự động. Thế nhưng vẫn còn một số vấn đề chi tiết hơn mà chúng ta, hay nói đúng hơn là các nhà lập pháp, quản lý xã hội cần phải giải quyết để trả lời cho câu hỏi: Liệu những ưu điểm của việc trang bị công nghệ giới hạn tốc độ trên xe hơi có thực sự đem lại hiệu vượt trội và lấn át hoàn toàn những nhược điểm hay không?

Lý thuyết và thực tế

Đầu tiên, phải khẳng định rằng một công nghệ như vậy sẽ tạo ra ảnh hưởng rất lớn đến hành vi lái xe của con người. Vậy thì điều này sẽ có tác động gì đến các kỹ năng lái xe và giữ an toàn chung?

Một nghiên cứu của các chuyên gia tới từ Volvo - hãng sản xuất xe hơn luôn đi đầu thế giới trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ an toàn trên ô tô, cho thấy chủ sở hữu của những chiếc xe tự hành thường có niềm tin khá lớn vào sự “tự chủ” trong xử lý tình huống của một chiếc xe thông minh. Trong nhiều thí nghiệm, các tài xế được thông báo rằng họ có trách nhiệm phải sẵn sàng phanh khẩn cấp, nhưng khi gặp tình huống thực sự nguy cấp, chỉ có ⅓ tình nguyện viên thực hiện phanh khẩn cấp đúng theo yêu cầu, ⅓ có phanh nhưng hơn muộn, và những người còn lại thì hoàn toàn không đạp chân phanh.

Do vậy, trước khi giới thiệu và áp dụng công nghệ hỗ trợ tốc độ trên xe hơi, chúng ta cần phải thực sự nắm bắt được việc các tài xế sẽ phản ứng với công nghệ này như thế nào, liệu họ có luôn lái xe tuân thủ theo tốc độ giới hạn, dựa hoàn toàn vào khả năng tự kiểm soát tốc độ của xe - ngay cả khi tốc độ thấp sẽ phù hợp hơn, ví dụ như trong điều kiện đường xá không thuận tiện chẳng hạn?

Công nghệ hộ trợ xe hơi

Thứ hai, làm thế nào để chúng ta có thể chỉ rõ được sự an toàn của hệ thống kiểm soát tốc độ này trước khi nó được giới thiệu, hoặc thậm chí được sử dụng trong các thử nghiệm? Về mặt công nghệ, điều này dường như không phải là một thách thức quá lớn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng sẽ là phải xác định những kịch bản có thể gây nhầm lẫn cho một hệ thống máy tính, từ đó dẫn đến các quyết định không phù hợp, gây phản tác dụng. Ví dụ như khi bạn phải lưu thông trong một tuyến đường tạm hai chiều trên cao tốc (làn đường cho phép các phương tiện đi ngược chiều trên đường cao tốc), liệu hệ thống máy tính có đủ thông minh để nhận biết được tình huống này?

Thứ ba là vấn đề về tương tác an toàn giữa thiết bị hỗ trợ kiểm soát tốc độ và các hệ thống khác được trang bị trên xe - thường được gọi là vấn đề hệ thống (system of systems - SoS). Lấy ví dụ đơn giản, hệ thống hỗ trợ kiểm soát tốc độ sẽ tương thích thế nào với tính năng tự động điều khiển hành trình (cruise control), hay công nghệ phanh tự động (autonomous emergency braking)... Không dừng lại ở đó, việc giới hạn và kiểm soát tốc độ sao cho hợp lý theo tải trọng, chủng loại sẽ cũng là vấn đề cần phải bàn tới. Ví dụ như khi một chiếc xe tải chở hàng nặng di chuyển từ tuyến đường giới hạn tối đa 90km/h sang tuyến đường giới hạn tối đa chỉ 60km/h, giảm tốc độ ra sao cho an toàn và hợp lý? Những vấn đề này đang được các nhà phát triển xe tự hành giải quyết, ví dụ như sử dụng cảm biến để phát hiện và đánh giá khoảng cánh của phương tiện phía sau, cũng như phía trước, từ đó giảm tốc độ cho xe mà vẫn đảm bảo an toàn.

Xe tự lái

Sau đó là vấn đề về đạo đức, hay đúng hơn là trách nhiệm đạo đức. Một hậu quả không lường trước có thể xảy ra khi sử dụng công nghệ như vậy là việc tạo ra cái gọi là "lỗ hổng trách nhiệm" - đơn cử như trong các tình huống mà ở đó, không ai có đủ quyền kiểm soát các hành động của hệ thống để quy trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.

Ví dụ: Nếu hệ thống giới hạn tốc độ đang giảm tốc độ xe (bằng cách tự động kích hoạt phanh) cho đến khi nó xuống đến mức giới hạn tốc độ thấp hơn, trong khi người lái lại muốn tăng tốc để vượt qua chướng ngại vật một cách nhanh chóng, vậy thì người lái xe hay hệ thống kiểm soát sẽ dành “chiến thắng"? Và điều gì xảy ra nếu quyết định của người lái là đúng, nhưng hệ thống không lại không thể phối hợp ăn ý, dẫn đến việc người lái không còn có đủ thời gian để can thiệp xử lý tình huống?

Thứ năm là việc Law Commission (một tổ chức có nhiệm vụ giám sát luật pháp ở Anh và xứ Wales) đang tiến hành một nghiên cứu về luật liên quan đến AV. Các câu hỏi đặt ra trong nghiên cứu là liệu công nghệ xe tự lái có nên được phép phá vỡ giới hạn về tốc độ hay không.

Quan điểm của nhiều chuyên gia trong ngành đó là nhìn chung thì các thao tác mà chiếc xe dự định thực hiện nên được xác định “ở trong ngưỡng giới hạn”, nhưng đối với xe tự hành, chúng phải được phép vượt quá giới hạn. Sở dĩ nói như vậy bởi điều này hoàn toàn có thể giúp giảm thiểu rủi ro trong nhiều tình huống, như trong các tình huống vượt gấp chẳng hạn. Người lái xe tất nhiên vẫn sẽ có quyền quyết định về vấn đề này - nhưng chúng ta cũng cần phải biết được họ sẽ phản ứng với công nghệ như thế nào.

Hộp đen cho ô tô

Về cơ bản, những chiếc hộp đen khi được trang bị trên ô tô sẽ góp phần tạo điều kiện cho việc điều tra nguyên nhân của các vụ tai nạn cũng như sự cố một cách hiệu quả hơn, qua đó đóng góp phần cho việc đảm bảo an toàn đường bộ nói chung.

Hộp đen máy bay

Cũng giống như việc phân tích dữ liệu từ các máy ghi âm đặt trong khoang máy bay, là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc cải thiện an toàn bay. Nhưng điểm quan trọng ở đây là xác định xem những thông tin nào nên được ghi lại. Hãy xem xét về vấn đề SoS - chúng ta cần biết những gì về các hệ thống khác trong xe, và liệu chúng ta có cần dữ liệu từ các hộp đen để hiểu đầy đủ về vụ tai nạn không, hay liệu nó có thể bị xâm phạm trái phép, gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng? Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng hộp đen trong xe hơi có thể có đóng góp lớn hơn nhiều cho an toàn đường bộ trong một thời gian dài so với các thiết bị hạn chế tốc độ, đặc biệt là khi chúng ta tiến tới phổ cập hóa xe tự lái.

Tóm lại, các chuyên gia, những người có trách nhiệm cần phải chứng minh được đề xuất này thực sự có lợi trong thực tế, với những tài xế đang lái xe trên các con đường thực sự, chứ không chỉ trên lý thuyết. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cũng “cần phải có cách tiếp cận thích hợp cũng như liên quan đầy đủ với mọi yếu tố ảnh hưởng đến an toàn đường bộ, có thể kể đến như kết hợp cùng lúc công nghệ xe với cơ sở hạ tầng đường bộ hiện đại hơn và đồng thời là cả việc giáo dục, nâng cao nhận thức hay thậm chí đưa ra chế tài xử phạt nghiêm minh để khuyến khích hành vi lái xe an toàn”.

Thứ Sáu, 19/04/2019 08:34
52 👨 1.573
0 Bình luận
Sắp xếp theo