Ngoài phương pháp Eisenhower và phương pháp "quả cà chua" Pomodoro thì thay đổi tư thế cũng là một cách hiệu quả giúp bạn tăng năng suất làm việc.
Tư thế cơ thể trong quá trình làm việc có vai trò quan trọng hơn những gì bạn nghĩ. Thực tế, ngồi thẳng hay cong lưng đều có tác động nhất định tới hiệu quả công việc. Để hiểu lý do tại sao thì hãy cùng nhìn lại lịch sử tiến hóa của loài người. Cách đây hàng triệu năm, khi nằm hoặc ngồi, cơ thể bạn sẽ được thư giãn hơn và điều này cũng đồng nghĩa với việc khả năng trở thành con mồi rất cao. Trong khi đó, nếu đứng dậy hoặc di chuyển xung quanh (đứng lên bằng hai chân) thì thêm một chút tập trung cũng sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể giữa việc đi kiếm thức ăn hay trông chừng kẻ địch.
Max Vercruyssen – chuyên gia về hiệu suất lao động (nghiên cứu về các yếu tố thể chất và tinh thần ảnh hưởng đến con người trong các môi trường làm việc) – đã tiến hành khảo sát các nghiên cứu trước đó và đưa ra nhận định, cách bạn tạo ra và duy trì tư thế sẽ mang đến sự khác biệt lớn đối với mọi hoạt động của cơ thể.
Theo Max Vercruyssen, nhân viên văn phòng hoàn toàn có khả năng nâng cao hiệu suất làm việc nếu biết tận dụng những tư thế hợp lý của cơ thể và việc điều chỉnh này chỉ mất một quãng thời gian khoảng... 2 giây.
1. Ngồi thẳng lưng để "đấu tranh" với sự mệt mỏi sau bữa trưa
Có một thay đổi quan trọng diễn ra khi bạn ngồi thẳng dậy hoặc đứng lên, đó là nhịp tim sẽ tăng lên khoảng 10 nhịp/phút. Điều này rất có ý nghĩa trong việc cải thiện khả năng phản ứng và tăng cường sự chú ý. Do đó, nếu điều chỉnh lại tư thế ngồi hoặc đứng thẳng dậy khi nhận một nhiệm vụ quan trọng thì sự chú ý và tập trung của bạn cũng được tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên cũng đừng nên trông chờ quá nhiều vào giải pháp này khi bạn đang có hiệu suất làm việc tốt, bởi vì nó chỉ thể hiện rõ tác dụng nhất khi bạn đang trong tình trạng mệt mỏi hoặc bị suy giảm hiệu suất làm việc, đặc biệt là ở giai đoạn sau bữa ăn trưa.
Theo Vercruysse: "Nghĩ rằng thay đổi tư thế sẽ có tác động lớn tới hiệu suất khi mà bạn đã làm việc hết công suất thì sẽ khiến bạn thất vọng đấy".
2. Đừng quá thoải mái
Ergonomics (môn khoa học về thiết kế dụng cụ và môi trường làm việc phù hợp với người loa động) là môn khoa học nghiên cứu mà tất cả đều tập trung tạo ra sự cân bằng giữa các yếu tố khác nhau để đạt được sự kết hợp tốt nhất. Dựa trên cơ sở này, Vercruysse nhấn mạnh càng thoải mái, bạn càng dễ mất tập trung, thậm chí có thể muốn ngủ thiếp đi. Chẳng hạn, ngồi trên một chiếc ghế cứng sẽ giúp bạn trở nên linh hoạt hơn một chiếc ghế quá mềm, quá dễ chịu.
Bạn cũng có thể tạo ra sự cân bằng này bằng cách phân loại và lập kế hoạch công việc dựa trên độ khó của nhiệm vụ. Nếu thấy có thể chịu đựng sự không thoải mái khi đứng dậy hay ngồi thẳng người cho những nỗ lực ngắn ngủi thì hãy tận dụng thời gian này để hoàn thành các phần việc khó.
Trong trường hợp không thể thay đổi được chiếc ghế thoải mái của mình, bạn có thể thúc đẩy sự linh hoạt của não bộ và kéo mình ra khỏi cảm giác mệt mỏi sau bữa trưa bằng cách dành ra vài phút để vào nhà vệ sinh hoặc đi lấy một ly nước.
Tuy nhiên, trước khi thay thế chiếc ghế văn phòng của mình bằng một "khúc gỗ" khác, bạn cần lưu ý rằng có một sự khác biệt giữa sự khó chịu nhẹ và tư thế có thể gây khó chịu đến mức... đau đớn. "Nếu sự khó chịu quá lớn, nó sẽ trở thành tâm điểm chú ý của bạn, vì vậy, bạn không thể tập trung tối đa vào công việc đang làm", Bill Yates – giáo sư khoa học thần kinh và tai mũi họng của Đại học Pittsburgh cho biết.
3. Tư thế buông thõng người khiến bạn trở nên buồn bã
Không có gì ngạc nhiên rằng khi chúng ta cảm thấy thất vọng hoặc bị đánh bại thì cơ thể sẽ trở nên trì trệ, mệt mỏi. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là tác động này có thể diễn ra theo hai cách và đơn giản là buông thõng người cũng có thể tạo ra những suy nghĩ tiêu cực và nói chung là sẽ khiến chúng ta trở nên tệ hơn nữa.
Trong một loạt các nghiên cứu, Erik Peper – giáo sư về giáo dục sức khỏe tại Đại học bang San Francisco – yêu cầu người tham gia ngồi ở những vị trí khác nhau và nhớ lại về những suy nghĩ, ký ức tiêu cực lẫn những điều tích cực. Kết quả là, người có tư thế ngồi còng lưng cảm thấy khó khăn khi nhớ về những điều tích cực.
"Sự thay đổi về mặt sinh lý học thực sự diễn ra khi bạn để cho cơ thể mình buông thõng xuống. Testosterone giảm, cortisol tăng lên, tạo điều kiện cho bạn dễ dàng nghĩ đến những suy nghĩ tiêu cực, vô vọng", giáo sư Peper cho biết.
Có một thực tế là khi cảm thấy chán nản hoặc suy sụp, cơ thể chúng ta có xu hướng buông thõng và còng lưng xuống. Khi ngồi trên ghế suốt cả ngày, chúng ta sẽ có cảm giác như bị mất đi sự chủ động, thậm chí mất phương hướng.
Tin tốt là giáo sư Peper cũng đã tìm thấy tác dụng tích cực ở chiều ngược lại: những người ngồi thẳng lưng dễ dàng nhớ đến những ký ức lạc quan. Và chỉ cần 30 giây nâng người lên, bạn có thể cải thiện rõ rệt tâm trạng và nguồn năng lượng bên trong cơ thể.
Vậy thì từ bây giờ, muốn cải thiện hiệu suất làm việc thì hãy cố gắng ngồi thẳng lưng, sắp xếp làm những công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều sức lực, "chất xám" khi bạn có thể duy trì được tư thế này, hạn chế ngồi buông thõng và thường xuyên vận động cơ thể, thay đổi tư thế trong quá trình làm việc.