[Quiz] Những người phụ nữ anh hùng của Việt Nam

Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 là dịp để chúng ta tri ân những người bà, người mẹ, người vợ, người chị, người em đã cống hiến thanh xuân cho Tổ quốc, hy sinh rất nhiều cho gia đình. Họ chính là những người Phụ nữ anh hùng của dân tộc Việt Nam. Không ngôn từ nào có thể kể hết những công lao to lớn ấy của "một nửa thế giới". Nhân ngày 8/3, Quantrimang.com xin kính chúc toàn thể Phụ nữ Việt Nam sức khỏe, tươi trẻ, luôn được sống trong đong đầy yêu thương và hạnh phúc.

Nhân dịp này, chúng ta cũng cùng nhau thử tài hiểu biết một chút về những người Phụ nữ nổi tiếng của Việt Nam nhé.

  • Câu 1. Ai là nữ quan đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam?
    • Lê Thị Loan
    • Nguyễn Thị Bích Châu
    • Nguyễn Thị Lộ
    Theo sách Những người thầy trong sử Việt, bà Nguyễn Thị Lộ (?-1442) là vị nữ quan đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Xuất thân là con gái duy nhất của ông đồ Mỗ ở xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay. Thông minh, nhanh nhẹn từ nhỏ nên dù là phận “nữ nhi thường tình”, bà vẫn được cha cho theo học. Dưới thời Hậu Lê bà được phong chức Lễ nghi nữ học sĩ chuyên phụ trách việc dạy học cho cung nhân ở chốn cung đình.
  • Câu 2. Nữ thi sĩ nổi danh nào trong sử Việt dám tự ý thăng đường xử án thay chồng?
    • Nguyễn Thị Hinh
    • Nguyễn Ngọc Toàn
    • Hồ Xuân Hương
    Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, người huyện Vĩnh Hồ (Hà Nội ngày nay). Năm sinh và mất của bà vẫn là điều bí ẩn. Có ý kiến cho rằng bà sinh năm 1805 và mất năm 1843. Vì có chồng làm quan tri huyện Thanh Quan, nên bà vẫn thường được gọi là Bà Huyện Thanh Quan. Vốn là người phụ nữ cá tính, sinh thời nhiều lần khi chồng bà đi vắng, có người đến thưa kiện, bà đã tự ý thăng đường xử án. Các tài liệu lịch sử từng thuật lại ít nhất có 3 lần bà thăng đường thay chồng xử án.
  • Câu 3. Ai là nữ tiến sĩ duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam?
    • Nguyễn Thị Hoa
    • Nguyễn Thị Duệ
    • Nguyễn Thị Yến
    Nguyễn Thị Duệ (1574-1654), còn có tên khác là Nguyễn Thị Du, Nguyễn Thị Ngọc Toàn, quê ở làng Kiệt Đặc, nay thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Thông minh, nhanh nhẹn từ nhỏ, bà quyết không lấy chồng sớm mà chăm chỉ đèn sách để đi thi thố với các đấng nam nhi. Năm 1594, nhà Mạc tổ chức kỳ thi Hội, bà dự thi và đỗ tiễn sĩ, khi triều đình tổ chức yến tiệc tiếp đãi tân khoa, thấy vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt thanh tú của bà, vua Mạc Kính Cung sinh nghi dò hỏi mới phát hiện ra bà là con gái. Theo lệ triều đình sẽ bị phạt nặng, tuy nhiên vì mến tài nên vua tha tội cho bà, còn phong làm Tinh phi.
  • Câu 4. Sau khi nhà Mạc bỏ chạy, ai được chúa Trịnh Tráng mời vào dạy học trong vương phủ?
    • Nguyễn Thị Đoàn
    • Lê Thị Yến
    • Nguyễn Thị Duệ
    Năm 1625 khi quân Trịnh tiến lên Cao Bằng truy đuổi quân Mạc, bà Nguyễn Thị Duệ trốn vào rừng bị quân Trịnh bắt được nhưng vì mến tài bà nên chúa Trịnh sau đó đã mời bà vào dạy học trong phủ Chúa. Do nhiều công lao, bà được thăng chức "Chiêu Nghi" hiệu là "Nghi Ái Quan". Về sau khi tuổi đã cao, Nguyễn Thị Duệ cáo quan về lại quê nhà, bà dựng am Đào hoa để có nơi đọc sách và bảo ban các sĩ tử trong làng. Vua Lê giao cho bà số thuế hằng năm của tổng Kiệt Đặc để làm bổng lộc, nhưng bà chỉ dành một ít tiền chi dụng, còn bao nhiêu bà dành hết cho việc công ích và trợ giúp người nghèo.
  • Câu 5. Người phụ nữ nào từng góp công giúp chồng mình soạn thảo thư từ khuyên quân Minh đầu hàng?
    • Nguyễn Thị Ngọc Hoa
    • Nguyễn Thị Lộ
    • Phạm Thị Uyển
    Trước khi trở thành nữ quan đầu tiên trong sử Việt, bà Nguyễn Thị Lộ còn góp công lớn giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Sách Những người thầy trong sử Việt chép rằng sau khi trở thành vợ của Nguyễn Trãi, bà thường giúp chồng sao chép văn thư, thảo thư từ, trong đó có những bức thư “tâm công” – đánh vào lòng người gửi tướng giặc với lời lẽ sắc bén khi nhẹ nhàng khuyên nhủ chúng đầu hàng, khi mạnh mẽ đanh thép khiến tướng nhà Minh khiếp sợ.
  • Câu 6. Bài thơ Núi Đôi của Đại tá, nhà thơ Vũ Cao lấy nguyên mẫu từ hình tượng nhân vật nữ chiến sĩ anh hùng nào?
    • Đăng Thuỳ Trâm
    • Võ Thị Sáu
    • Mạc Thị Bưởi
    • Trần Thị Bắc
    Nhân vật nữ trong bài thơ chính là liệt sỹ Trần Thị Bắc, con gái đầu trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Lớn lên trong thời kỳ giặc Pháp xâm lược, năm 15 tuổi Bắc đã tham gia các hoạt động đoàn thể. 17 tuổi cô vào đội du kích với nhiệm vụ làm giao thông liên lạc, tiếp tế cho đội du kích rồi được giao cả ba nhiệm vụ: quân báo, cứu thương và binh vận.
    Ngày 21/3/1954, dẫn một đoàn cán bộ đi công tác, khi trở về núi Đôi thì Bắc gặp ổ phục kích của địch. Cô giao liên dù bị địch bịt miệng nhưng vẫn kịp thời la lớn để cảnh báo những người trong đoàn cùng đi phía sau, giúp các cán bộ chạy thoát.
    Tức tối, địch tra hỏi nhưng không khai thác được thông tin gì từ cô du kích gan dạ này. Giặc Pháp xử bắn Bắc ngay tại chỗ. Khi đồng đội tìm đến nơi thì Bắc đã tắt thở. Đồng đội đắp mộ cho cô ở khu vực cầu Cốn, Vệ Sơn, xã Tân Minh.
  • Câu 7. Ai là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam?
    • Nguyễn Hồng Giang
    • Lê Thu Hà
    • Nguyễn Thị Định
    • Bùi Tuyết Minh
    Bà Nguyễn Thị Định quê ở Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà tham gia cách mạng từ khi 16 tuổi; là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1938). Bà nhập ngũ năm 1965 và được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1974), là Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1995).
    Suốt cả cuộc đời bà cống hiến cho cách mạng: Năm 1940 bà bị thực dân Pháp bắt đi đày ở trại giam Bà Rá; năm 1943 ra tù, trở về hoạt động ở huyện Châu Thành; năm 1945 tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở tỉnh Bến Tre... Sau đó, bà được giao giữ những trọng trách: là Ủy viên Quân ủy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam phụ trách phong trào chiến tranh du kích (năm 1965), Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân (1987-1992), Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (1980-1992).
  • Câu 8. Nữ anh hùng nào đã vác hòm đạn có trọng lượng gần gấp 2 lần trọng lượng của mình trong kháng chiến chống Mĩ?
    • Ngô Thị Tuyển
    • Hoàng Ngân
    • Trần Thị Bắc
    • Bùi Thị Cúc
    Ngô Thị Tuyển sinh năm 1946 tại làng Thanh Hoa (nay là phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa). Là nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, mang quân hàm Trung tá. Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, bà là một nữ dân quân tại khu vực Hàm Rồng. Ngày 4 tháng 4 năm 1965, bà đã vác hai hòm đạn nặng 98 kg vượt qua bờ đê chuyển ra sông phục vụ chiến đấu tại Hàm Rồng, Thanh Hóa. Bà hai lần được nhận Huân chương Chiến công hạng ba, sáu lần được tặng bằng khen. Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng bà huy hiệu. Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Nhà nước Việt Nam phong bà danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. (Theo Wikipedia).
  • Câu 9. Bộ phim chuyển thể từ cuốn nhật kí của một nữ thanh niên Hà thành, đã giành được những giải thưởng danh giá của điện ảnh quốc tế có tên là:
    • Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm
    • Xin đừng đốt
    • Tuổi 20
    • Đừng đốt
  • Câu 10. Nữ chính trị gia nào đã đại diện Việt Nam kí hiệp định Pari?
    • Chương Mĩ Hoa
    • Lê Thị Bình
    • Nguyễn Thị Bình
    • Nguyễn Thị Doan
    Bà Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1927) nổi tiếng trên thế giới khi giữ cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968-1973. Bà là một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Parisnăm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định. (Theo Wikipedia).
  • Câu 11. Nữ chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Việt Nam là ai?
    • Nguyễn Thị Minh Khai
    • Võ Thị Sáu
    • Nguyễn Thị Định
    • Nguyễn Thị Doan
    Nguyễn Thị Minh Khai là một nữ chiến sĩ cộng sản tiền bối trên quê hương Xô viết, người đã làm rạng danh truyền thống cách mạng của phụ nữ Việt Nam. Bà sinh năm 1910 tại Vinh (Nghệ An), năm 1927 gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng.
  • Câu 12. Nữ đại tá tình báo giỏi nhất trong Chiến tranh Việt Nam là ai?
    • Nguyễn Thị Chiên
    • Võ Thị Thắng
    • Đinh Thị Vân
    • Nguyễn Thị Bình
    Đinh Thị Vân là một Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bà là một tình báo viên nổi tiếng trong Chiến tranh Việt Nam, được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 
    Với tính cách thông minh, nhanh nhẹn, kiên trung, xây dựng được mạng lưới tình báo vững chắc, bà đã cung cấp kịp thời cho Trung ương Đảng nhiều tin tức về các cuộc càn quét của Mỹ ngụy vào đầu não kháng chiến của ta ở miền Đông Nam bộ. Hệ thống tình báo của bà phục vụ đắc lực cho các kế hoạch tấn công của quân đội ta từ Tết Mậu Thân 1968 đến khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng năm 1975.
Thứ Năm, 07/03/2019 17:55
4,310 👨 3.106
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Giải trí