Đốt gốc đào trước khi cắm là cách nhiều người dùng để giữ cho cành đào tươi lâu mà không biết rằng nếu làm không đúng thì cách này hoàn toàn phản tác dụng.
Cây quất, cành đào là một phần không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người dân Việt Nam. Cành đào rất đẹp nhưng hoa đào rất nhanh bị héo và rụng cánh làm giảm không khí từng bừng trong những ngày đầu xuân.
Nhiều người tin rằng, nguyên nhân chính là do khi cưa cành đào khỏi cây, tại vết cắt nhựa cây sẽ chảy ra và đông kết khiến mạch cây bị "tắc" không thể hút nước. Ngoài ra, vi khuẩn, nấm mốc dễ dàng xâm nhập vào phần cắt này cũng tác động khiến cành đào càng nhanh héo. Chính vì vậy, họ thường đốt gốc trước khi cắm để diệt khuẩn, nấm đồng thời làm tan chảy mủ nhựa giúp làm thông mạch cây.
Tuy nhiên, nếu đốt gốc đào quá mức không những không có lợi mà ngược lại càng khiến hoa đào nhanh héo hơn bởi sẽ gây tắc các mạch, không cho nước và dinh dưỡng đi lên nuôi cành thậm chí làm cháy cành.
Theo các chuyên gia, để giữ được cành đào tươi lâu trong những ngày Tết bạn nên áp dụng một số mẹo vặt sau:
- Chỉ hơ nhanh cành đào qua lửa để mặt cắt khô se lại.
- Đặt đào trong nhà, nơi khuất gió, tránh ánh nắng Mặt Trời.
- Thay nước cắm cành đào thường xuyên.
- Bổ sung vài viên vitamin B1 trong bình cắm.