Cách làm bánh trôi bánh chay ngũ sắc đẹp mắt trong Tết Hàn Thực

Ngày 3/3 hằng năm là thời điểm mà nhiều chị em phụ nữ tìm mua các loại nguyên liệu để chuẩn bị cho gia đình những đĩa bánh trôi, bánh chay thơm mềm, ngon ngọt. Tuy nhiên nguồn gốc, ý nghĩa cũng như cách làm thành công món ăn này thì không phải chị em nào cũng rõ. Vì vậy, mời bạn hãy cùng Quản Trị Mạng tìm hiểu về ý nghĩa của món ăn này cũng như cách làm bánh trôi bánh chay ngũ sắc đẹp mắt trong bài viết này nhé.

Ý nghĩa của bánh trôi bánh chay trong tết Hàn Thực của người Việt

Bánh trôi bánh chay là một món ăn không thể thiếu trong Tết Hàn Thực

Bánh trôi bánh chay là một món ăn không thể thiếu trong Tết Hàn Thực (ngày 3 tháng 3 Âm lịch) hằng năm ở Việt Nam. Tết Hàn Thực là một ngày lễ cổ truyền của người Trung Hoa, thâm nhập vào Việt Nam trong thời gian Bắc Thuộc. Tuy nhiên, khác với Tết Hàn Thực ở Trung Quốc xuất phát từ câu chuyện ly kỳ về cuộc đời của Giới Tử Thôi, Tết Hàn Thực của người Việt mang những sắc thái ý nghĩa riêng, đậm chất Việt Nam như:

  • Hướng về cội nguồn: Tết Hàn Thực của người Việt mang màu sắc dân tộc riêng, trường tồn trong quá trình dựng nước và giữ nước, chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn. Vào ngày mùng 3/3 Âm lịch hằng năm, người dân đều ăn đồ nấu chín để nguội với tấm lòng thành kính nhất nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất, những vị anh hùng có công trong quá trình gìn giữ độc lập dân tộc.
  • Truyền thống dân tộc: Từ xa xưa bánh trôi bánh chay đã đi vào thơ ca dân tộc như những món ăn đặc trưng phổ biến của người Việt. Hai thứ bánh trôi và chay đều làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, nhân bên trong là đường đỏ viên hoặc đường thốt nốt, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, khi ăn đổ nước đường lên trên, rắc thêm chút hạt mè rang trông rất đẹp mắt.

Ăn bánh trôi bánh chay trong ngày 3/3 là truyền thống dân tộc Việt

  • Ôn lại chuyện xưa: Nhiều người còn truyền tai nhau rằng, ăn bánh trôi bánh chay vào Tết Hàn Thực là dịp để ông bà con cháu quây quần, cùng ôn lại những chuyện xưa cũ, chuyện một thời đã xa của dân tộc ta. Có tích kể lại rằng, bánh trôi bánh chay có từ thời Hùng Vương và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhớ về sự tích "bọc trăm trứng" của Âu Cơ. Trăm viên bánh nhỏ tượng trưng cho trăm quả trứng, là gốc tích “con Rồng cháu Tiên” của cộng đồng người Việt. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.

Có thể nói rằng, ăn Tết Hàn Thực cũng như ăn Tết Nguyên Đán, truyền thống này đã in sâu vào tâm khảm của từng con người Việt Nam. Mỗi khi mọi người nô nức chuẩn bị các loại bột, đường, nguyên liệu làm bánh trôi bánh chay là chúng ta như cảm nhận được không khí ngày Tết đang trở nên sôi động và ý nghĩa hơn.

Năm nay, các chị em hãy cùng nhau học ngay cách làm bánh trôi bánh chay ngũ sắc để món bánh thêm bắt mắt hơn, tạo nên bất ngờ cho người thân trong dịp Tết Hàn Thực nhé.

Cách làm bánh trôi bánh chay ngũ sắc

Bánh chay ngũ sắc

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Bột gạo nếp (bạn nên mua bột của Thái Lan bởi khi nặn, bột vừa dẻo, vừa thơm. Bột nếp khô của Việt Nam hay có mùi nồng và chua hơn).
  • Bột ngô (nếu không có bột ngô có thể thay bằng bột năng), bột sắn dây.
  • Đường thốt nốt viên để làm nhân bánh.
  • Đường cát trắng.
  • Hạt mè đã tách vỏ và rang chín vàng.
  • Dừa nạo.
  • Cơm gấc (ruột gấc): 100gr, thêm chút nước và chút rượu trắng để gấc được đỏ hơn.
  • Hạt dành dành: Một thìa cà phê (nếu không có hạt dành dành thì bạn có thể thay bằng 50gr bí đỏ).
  • 50gr lá cẩm tím, tuỳ theo mùa (nếu không có lá cẩm tím thì có thể thay thế bằng bắp cải tím nhưng sẽ có mùi hơi hăng).
  • 8gr bột matcha trà xanh (nếu không có bột trà xanh thì bạn thay bằng 50gr lá nếp hay lá dứa cũng được nhé).
  • 4gr bột ca cao.
  • 50gr củ dền.
  • 300gr đậu xanh không vỏ ngâm mềm.

Cách tạo màu cho bột bánh

  • Tạo bột màu đỏ từ gấc: Bạn cho 100gr bột nếp vào âu, thêm 40gr đường cát trắng, 30gr bột bắp. Cơm gấc sau khi ngâm với chút rượu và chút nước thì bóp nhuyễn lấy phần thịt gấc tiết ra đổ vào âu bột, nhào qua thấy bột còn khô thì thêm 60 - 70ml nước ấm khoảng 40^{\circ}C, đổ từ từ, vừa đổ vừa nhào. Không nên đổ hết nước vào một lần để tránh rủi ro hỏng bột. Nếu bột đủ nước thì bạn dừng lại, lấy tay nhào, nếu bột còn ướt thì thêm bạn chút bột khô vào nhào đến khi bột dẻo mịn không dính tay là được (nên gói bột trong màng bọc thực phẩm tránh bột bị khô).Bánh trôi màu đỏ được làm từ gấc
  • Tạo màu xanh cho bột bằng matcha: Cho bột trà xanh vào bát rồi thêm 50ml nước nóng, hoà tan bột rồi lọc qua một lần rây để bỏ bớt cặn trà xanh. Đổ 100gr bột nếp ra âu, thêm 30gr bột bắp, 40gr đường cát trắng rồi trộn đều các nguyên liệu với nhau. Đổ từ từ nước trà xanh vào âu bột; vừa đổ vừa dùng thìa khuấy cho đến khi đủ nước dừng lại, thiếu nước thì thêm chút nước ấm khoảng 40^{\circ}C vào nhào đến khi bột dẻo mịn không bị dính tay là được. Nếu bột khô thì thêm nước, nhão thêm bột cứ thế chúng ta làm cho đến khi có được khối bột dẻo mịn, không dính tay là đạt chuẩn.Bột matcha giúp tạo màu xanh cho bánh
  • Tạo bột màu nâu: Để tạo được bột màu nâu chúng ta cũng làm tương tự như cách tạo màu xanh, chỉ khác ở chỗ nguyên liệu sử dụng là bột cacao thay vì bột trà xanh. Bạn đổ bột ca cao ra bát nhỏ, thêm 50ml nước nóng hoà tan cacao rồi đổ vào bột, tỉ lệ như các màu khác.
  • Tạo màu hồng từ củ dền: Củ dền gọt vỏ, rửa sạch thái miếng nhỏ, thêm chút nước rồi cho vào máy xay nhuyễn, lọc qua rây lấy phần nước cốt. Nếu bạn muốn có màu đậm thì không cần thêm nước, còn muốn nhạt hơn thì pha thêm nước cho màu nhạt bớt. Nước củ dền khi chưa đun và sau khi đun sôi cho hai màu khác nhau, nếu bạn thích màu tươi thì không nên đun sôi nước mà cứ để nguyên để trộn là được. Cho 100gr bột nếp vào âu, thêm 30gr bột bắp, 40gr đường, trộn đều các nguyên liệu rồi đổ từ từ nước củ dền vào, nhào bột đến khi mịn dẻo rồi bọc lại bằng màng bọc thực phẩm, cách làm và lượng bột giống như các màu khác.
  • Tạo màu vàng từ hạt dành dành: Hạt dành dành cho ra bát, thêm chút nước nóng để một lúc cho hạt ra màu vàng như ý muốn rồi đổ vào phần bột đã chuẩn bị sẵn, nhào đến khi dẻo mịn không dính tay, bọc màng bọc thực phẩm để tránh bột khô. Nếu không có hạt dành dành thì thay bằng bí đỏ. Các bạn xay sống bí đỏ, thêm chút nước để dễ xay, sau đó lọc thật kỹ qua rây sẽ thu được phần nước cốt bí đỏ màu vàng óng.Bánh trôi vàng được làm từ hạt dành dành
  • Tạo màu tím từ lá cẩm: Lá cẩm rửa sạch, cho vào nồi nước đun khoảng 15 phút cho ra màu thì tắt bếp, chắt lấy phần nước màu rồi lọc qua rây một lần nữa (nếu không có lá cẩm tím thì thay thế bằng lá bắp cải tím và cho thêm một chút vani để khử mùi hăng). Cho 100gr bột nếp, 40gr đường cát, 30gr bột bắp vào âu rồi trộn đều các nguyên liệu. Từ từ đổ nước cốt lá cẩm tím hoặc nước cốt bắp cải tím vào, vừa đổ vừa dùng thìa khuấy đến khi đủ nước dừng lại, tiếp tục nhào đến khi bột dẻo mịn, nếu bột khô thêm nước, ướt thì thêm bột nếp, sau đó bọc vào màng bọc thực phẩm tránh bột bị khô.Lá cẩm giúp bánh trôi bánh chay có màu tím

Vậy là chúng ta đã xong phần chuẩn bị bột cho việc nặn bánh trôi bánh chay ngũ sắc rồi, nếu bạn muốn màu trắng thì chỉ cần nhào bột với nước trắng ấm là xong. Tiếp sau đây chúng ta sẽ cùng xem cách làm bánh trôi bánh chay ngũ sắc bằng những phần bột này như thế nào nhé.

Cách làm bánh trôi ngũ sắc

Bánh trôi ngũ sắc

Cách làm bánh trôi ngũ sắc với phần nhân đường thốt nốt có sẵn khá đơn giản. Bạn lấy từng phần bột ra, chia nhỏ, vê tròn rồi ấn dẹt miếng bột sau đó đặt viên đường thốt nốt vào giữa, nhẹ nhàng gấp các mép bao viên đường lại. Vê viên bột thành khối cầu tròn rồi thả vào nồi nước đang sôi, làm lần lượt từng phần bột cho đến khi hết nhân đường thốt nốt. Sau khi bánh chín nổi lên trên, bạn dùng muôi thủng vớt bánh thả vào âu nước lạnh (Lưu ý: Làm bột khô bánh lâu chín hơn bột tươi nên bạn nhớ để thời gian luộc lâu một chút để bánh chín hoàn toàn nhé).

Sau khi bánh nguội, bạn vớt bánh rồi xếp lẫn lộn các màu ra đĩa. Một tip nhỏ cho bạn khi trang trí bánh là hãy chấm nhẹ ngón tay trỏ vào nước rồi lại chấm vào mè rang chín, tiếp tục chấm nhẹ vào bánh là bánh sẽ đều mè, mè bám chặt hơn là khi dùng tay rắc.

Cách làm bánh chay ngũ sắc

Cách làm bánh chay ngũ sắc nhân đậu xanh cầu kỳ hơn một chút do chúng ta phải sên cả nhân đậu và pha nước đường cho bánh. Cách làm như sau:

  • Phần nhân đậu: Đỗ xanh đãi sạch, để ráo nước. Bạn để lại một phần đỗ để làm nước chan, phần còn lại đem hấp chín, nghiền mịn, xào với đường, dừa nạo. Sau khi có nhân đậu, bạn nặn bánh và luộc tương tự như với cách làm bánh trôi.
  • Cách làm nước đường: Để nấu nước chan bánh chay, bạn có thể tận dụng luôn nồi nước luộc bánh chay, thêm đường cho đủ ngọt rồi nấu cho sôi lên. Trong khi chờ nước sối, bạn cho bột năng hoặc bột sắn dây vào bát và thêm nước khuấy đều cho tan. Tiếp theo bạn chế từ từ phần bột đã hòa tan vào nồi nước, vừa chế vừa khuấy để nước đường không bị vón cục. Khi thấy nồi nước đường chan bánh có độ sánh đặc thì dừng lại, nấu cho sôi lên rồi mới cho đậu xanh nguyên hạt đã để lại khi nãy vào, khuấy đều rồi tắt bếp. Có thể cho thêm chút tinh dầu hoa bưởi hoặc dầu chuối cho thơm sau đó khuấy thêm lần nữa là xong phần nước chan bánh.

Bánh chay ngũ sắc với nước đường thơm ngon

Vớt bánh chay bày ra bát sau đó bạn múc phần nước đường vừa nấu vào cùng, rắc thêm vừng trắng rang chín cùng dừa nạo lên trên, để cho nguội là có thể thưởng thức, vậy là món bánh chay ngũ sắc đã hoàn thành.

Với hướng dẫn chi tiết cách làm bánh trôi bánh chay ngũ sắc của chúng tôi, hy vọng bạn sẽ làm được món ăn thơm ngon, đẹp mắt để chiêu đãi cả nhà trong đợt Tết Hàn Thực sắp tới.

Thứ Bảy, 22/04/2023 07:47
4,25 👨 2.714
0 Bình luận
Sắp xếp theo