Một trong những điều đầu tiên và quan trọng nhất trong các cuộc phỏng vấn xin việc mà các ứng viên phải thực hiện là giới thiệu bản thân.
Với câu hỏi “Bạn hãy giới thiệu ngắn gọn về bản thân” từ các nhà tuyển dụng, không ít ứng viên cảm thấy lúng túng, không biết nên giới thiệu dài hay ngắn, như thế nào là đủ nhưng vẫn gây ấn tượng.
Dưới đây là một số gợi ý về cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn, mời các bạn tham khảo để có được câu trả lời ấn tượng.
Giới thiệu đủ nội dung
Đầu tiên, bạn nên cảm ơn nhà tuyển dụng đã tạo cơ hội để bạn tham gia phỏng vấn. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng thấy được thái độ cầu thị và có cảm giác thoải mái trước khi nghe câu trả lời của bạn.
Tiếp theo, bạn giới thiệu đầy đủ họ tên, năm sinh, đã tốt nghiệp trường nào, chuyên ngành gì, các kinh nghiệm làm việc đã có, các hoạt động tập thể đã tham gia…
Lưu ý:
- Nếu có nhiều kinh nghiệm, để tránh giới thiệu dài dòng, bạn nên chọn lọc và nhấn mạnh những kinh nghiệm phù hợp với vị trí ứng tuyển.
- Với sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm làm việc, bạn có thể nhắc tới một số hoạt động tập thể đã tham gia trong trường để chứng minh mình là người năng động, có tính cách phù hợp với vị trí ứng tuyển. Khi giới thiệu bản thân, bạn không nên để trống phần này.
- Nếu các thông tin bạn đã đưa ra còn ít, bạn có thể nói thêm về sở trường, điểm mạnh, nổi bật phù hợp với vị trí ứng tuyển. Với những người đã có nhiều kinh nghiệm làm việc có thể bỏ qua nội dung này.
Nguyện vọng của bản thân
Bạn có thể nói ra nguyện vọng của bản thân một cách khéo léo. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng thấy được bạn có phải là ứng viên phù hợp với định hướng phát triển của công ty không.
Ví dụ: Sau khi tìm hiểu kỹ, em thấy vị trí công việc và môi trường làm việc của công ty rất hợp với những kinh nghiệm và sở trường em đang có. Vì vậy, em rất mong có cơ hội được làm việc tại công ty với vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng.
Kết thúc phần giới thiệu bằng lời cảm ơn
Điều này giúp bạn thông báo với nhà tuyển dụng rằng phần giới thiệu của mình đã hoàn thành.
Nhiều bạn giới thiệu xong là im lặng gây ra sự lúng túng cho cả 2 bên, gây ấn tượng không tốt với nhà tuyển dụng.
Thái độ khi giới thiệu và trả lời phỏng vấn
Trong quá trình giới thiệu bản thân và trả lời phỏng vấn, bạn không nên chỉ chăm chăm nhìn vào người ngồi giữa mà hãy nhìn bao quát tất cả nhà tuyển dụng. Lưu ý, nhìn bao quát chứ không phải là đảo mắt liên tục.
Đừng tiết kiệm nụ cười nhưng cũng đừng quá đà. Một vài nụ cười nhẹ nhàng sẽ giúp cho buổi phỏng vấn của bạn trở nên thoải mái và dễ gần hơn.
Trong quá trình phỏng vấn, bạn nên có thái độ tự tin, thoải mái và thân thiện.
Để có phần giới thiệu bản thân ấn tượng với nhà tuyển dụng, bạn có thể tham khảo của người khác nhưng cần biết cá biệt hóa thành của mình. Nhấn mạnh vào điểm mạnh, lược bỏ điểm yếu và tùy từng vị trí ứng tuyển khác nhau mà có sự thể hiện phù hợp.