Một trong những điều quan trọng mà ứng viên cũng như nhà tuyển dụng quan tâm trong buổi phỏng vấn đó là đàm phán về lương. Các ứng viên luôn mong muốn được nhà tuyển dụng chọn và trả mức lương cao. Trong khi đó, nhà tuyển dụng cũng đánh giá cao những ứng viên muốn có thu nhập tốt bởi điều này cho thấy họ có năng lực và chủ động trong công việc.
Để có thể đàm phán một mức lương mong muốn khi đi phỏng vấn, các ứng viên có thể tham khảo 7 lời khuyên hữu ích dưới đây.
1. Tìm hiểu thông tin về mặt bằng lương
Trước khi phỏng vấn, bạn hãy tìm hiểu về mặt bằng lương cho vị trí mình ứng tuyển. Điều này sẽ giúp bạn tránh đưa ra những mức lương gây “sốc” cho nhà tuyển dụng khi được hỏi “mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?”.
Để biết mặt bằng lương cho vị trí ứng tuyển bạn có thể tìm hiểu thông tin về lương trên các trang web tìm việc.
2. Biết chắc chắn về mức lương tối thiểu bạn có thể nhận
Bạn cần gì cho cuộc sống và mức lương tối thiểu để bạn làm được những điều mình mong muốn. Điều này sẽ giúp bạn biết được liệu mình có thể gắn bó lâu dài với công ty hay không.
3. Không bao giờ thảo luận về lương khi bạn chưa nhận được lời đề nghị
Trong buổi phỏng vấn, bạn hãy kiên nhẫn để nhà tuyển dụng tiết lộ về mức lương trước. Đừng bao giờ thảo luận về lương khi bạn chưa nhận được lời đề nghị bởi điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn đánh giá quá cao về bản thân.
4. Khi được hỏi về mức lương mong muốn
Khi được hỏi về mức lương mong muốn các ứng viên nên tránh đưa ra một con số cụ thể. Chi tiết câu trả lời cho câu hỏi này, các bạn có thể tham khảo trong bài “Cách trả lời khôn khéo khi được hỏi trong buổi phỏng vấn: Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?”.
5. Đừng bỏ qua đàm phán lương
Rất nhiều công ty sẵn sàng thương lượng lương với ứng viên. Sau khi nhà tuyển dụng đưa ra mức lương đề nghị, bạn có đề nghị mức lương cao hơn kèm theo lý do bạn xứng đáng được nhận mức lương đó. Bạn hãy liệt kê ngắn gọn những kỹ năng và thành tích của bạn.
Bạn có thể nói rằng: “Tôi nghĩ là mức lương từ 8-10tr là phù hợp với kỹ năng và kinh nghiệm mà tôi có. Nếu được nhận, tôi sẽ cố gắng để hoàn thành tốt công việc và mang lại lợi nhuận cho công ty”.
6. Đừng bỏ qua giá trị của các khoản phụ cấp và bổng lộc khi đàm phán lương
Khi nhà tuyển dụng đưa ra mức lương đề nghị khá thấp, đừng vội từ chối mà hãy hỏi lại để biết đó là khoản cơ bản hay tổng thu nhập. Điều này giúp bạn gợi mở các khoản phụ cấp khác cho bản thân, đôi khi chúng có thể khiến lương cơ bản tăng thêm 40%. Nếu không nhắc đến, có thể nhà tuyển dụng sẽ bỏ qua, không nói cho ứng viên.
7. Đừng vội chấp nhận ngay khi nhận được lời đề nghị
Khi nhận được lời mời làm việc trong buổi phỏng vấn, hãy tỏ ra nhiệt tình và hào hứng nhưng đừng vội chấp nhận ngay, bạn sẽ luôn có giá trị hơn bạn nghĩ đấy. Hãy yêu cầu với nhà tuyển dụng để có ít nhất 24h để suy nghĩ kỹ và đưa ra câu trả lời. Điều này sẽ giúp bạn biết mức lương họ đưa ra có thể thay đổi hay không. Bạn có thể nói rằng “Đây là một công việc tôi mong muốn nhưng tôi vẫn muốn suy nghĩ thêm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”.
8. Xác nhận bằng văn bản
Khi bạn đã đồng ý nhận việc với mức lương thỏa thuận, hãy hỏi nhà tuyển dụng về lời mời chính thức bằng văn bản. Điều này sẽ giúp bạn tránh được những rủi ro sau này như nhà tuyển dụng không tuyển bạn nữa hoặc trả mức lương thấp hơn…