Bất kỳ một công ty nào cũng thích những nhân viên sáng tạo, nhiều ý tưởng và nhạy bén với các vấn đề. Tuy nhiên, thực tế là không phải ai cũng may mắn được sở hữu kỹ năng này ngay từ khi mới ra đời và điều chắc chắn hơn là muốn trở thành một "bậc thầy" về ý tưởng thì bạn buộc phải qua quá trình rèn luyện.
Dưới đây là chia sẻ của tác giả Jason Zook – một trong những nhà sáng lập nên công ty quảng cáo I Wear Your Shirt tập trung sử dụng áo phông là phương tiện quảng cáo đăng trên Tạp chí Inc.com – về những cách khá đơn giản giúp bạn cải thiện kỹ năng tư duy sáng tạo rất hiệu quả.
1. Đọc nhiều nội dung và nhiều chủ đề
Tất cả chúng ta đều thích đọc những thứ liên quan đến công việc và lĩnh vực của mình, tuy nhiên, đây không phải là cách giúp tăng khả năng sáng tạo. Thói quen này chỉ giúp bạn có thêm hiểu biết về ngành, tăng động lực và cảm hứng làm việc mà thôi. Nếu muốn có được những ý tưởng mới mẻ, đột phá thì ngay bây giờ, bạn cần đa dạng các nội dung đọc của mình, mở rộng ra những lĩnh vực mới, kể cả tin tức, tạp chí, blog, sách, xem phim hay các tài liệu khác.
2. Viết 500 từ về chủ đề bất kỳ
Đây là một bài tập thú vị mà tôi thường áp dụng khi không nghĩ ra được điều gì hay chẳng thể nào có được một ý tưởng ra hồn. Những lúc ấy, tôi thường mở một file word mới và bắt đầu gõ bàn phím. Không cần tiêu đề, chủ đề, câu dẫn nhập, không chỉnh sửa và cũng không cần phán xét về nội dung, đơn giản là tôi để ngón tay của mình "nhảy múa" một cách thoải mái nhất và bộ não sẽ quyết định diễn biến của "câu chuyện". Sau khi đã cảm thấy "đủ", tôi đều có một tác phẩm "chẳng ra gì" nhưng điều tuyệt vời nhất tôi nhận được đó chính là năng lượng sáng tạo.
3. Đến rạp chiếu phim để xem phim
Không phải ở nhà mà là xem phim ngoài rạp. Được xem một bộ phim yêu thích trên màn hình lớn, âm thanh sống động cùng mùi bắp rang bơ thơm lừng luôn là một trải nghiệm tuyệt vời mà bạn chắc chắn phải đồng ý với tôi về điều này. Không chỉ giúp thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhọc mà xem phim còn có tác dụng kích thích sự sáng tạo của mỗi người, đặc biệt là các bộ phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, một lưu ý là đừng bao giờ đi xem một mình mà hãy đi cùng đồng nghiệp hoặc bạn bè để cả hai có thể thảo luận về những chi tiết và hình ảnh trong phim. Chắc chắn, bạn sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới lạ so với việc xem phim ở nhà đấy.
4. Trò chuyện với một người bạn không quen biết
Có thể qua điện thoại, chat hoặc gặp mặt trực tiếp, miễn đó là một người bạn không hề quen biết. Khi nói chuyện với người lạ, bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu về một người, bao gồm thói quen, sở thích, lắng nghe những câu chuyện, chia sẻ, trải nghiệm và suy nghĩ của họ. Lúc này, bạn sẽ khám phá được nhiều hơn, biết thêm được một tính cách để thêm vào thiết kế hay tác phẩm của mình và chắc chắn là sau mỗi câu chuyện đó, bạn lại có thêm một mối quan hệ nữa.
5. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cách chúng ta ăn uống có tác động tới cách mà chúng ta suy nghĩ. Do vậy, nếu muốn có những suy nghĩ khác biệt thì ngay từ bây giờ, hãy bắt đầu cung cấp năng lượng đầy đủ cho cơ thể bằng một chế độ ăn uống lành mạnh.
6. Tập brainstorm theo quy tắc "không tranh luận"
Rủ ít nhất một đồng nghiệp hoặc bạn bè tham gia bài tập brainstorm kéo dài từ 45 đến 60 phút cùng bạn. Không sử dụng công nghệ, các thiết bị hỗ trợ tương tự và cũng không phán xét. Hai người chỉ cần lựa chọn một địa điểm, viết tất cả các ý tưởng ra giấy và chắc chắn là không thể hiện bất cứ thái độ tiêu cực, muốn tranh luận hay phản bác lại ý kiến của nhau. Hãy cứ để dòng ý tưởng tuôn trào và nếu có 100 idea thì tôi dám cá rằng, bạn sẽ thu về được ít nhất 1 ý tưởng tuyệt vời đấy. Thêm nữa, điều quan trọng nhất là càng thực hành bài tập này thì bạn càng cảm thấy mình tốt hơn trong tư duy sáng tạo.
7. Tư duy "Nếu... thì...."
Không hề có một công thức nào để đi đến thành công, sáng tạo và cải tiến. Mỗi người nên tự phát triển khả năng tiếp cận vấn đề tùy thuộc vào tính cách, mối quan tâm và thậm chí là đội nhóm của mình.
Một cách rất thú vị để bạn có thể khơi nguồn cảm hứng sáng tạo đó là áp dụng cấu trúc "Nếu... thì....", chẳng hạn:
- Nếu thay đổi..... thì mô hình/hệ thống/bộ phận..... sẽ.....
- Nếu cải thiện..... thì chúng ta mong đợi sẽ nhận được điều gì?
- Nếu đầu tư 1 triệu USD để cải thiện bộ phận này thì tôi sẽ làm điều gì đầu tiên?
Cấu trúc "Nếu... thì..." là một công cụ rất mạnh giúp bạn thay đổi suy nghĩ và bắt đầu tư duy theo hướng khác biệt.
Tư duy sáng tạo không phải là kỹ năng thiên bẩm. Bất cứ ai cũng cần phải luyện tập để khơi nguồn cảm hứng thông qua những bài tập đơn giản hàng ngày và 7 cách trên chính là vài trong số rất nhiều mẹo thú vị mà bạn có thể áp dụng.