Những quan điểm được coi là phổ biến, truyền thống trong môi trường công sở, thường sai lầm. Chỉ khi trải nghiệm thực tế thì nhiều người mới nhận ra rằng những thứ mà họ vẫn tin hoàn toàn chỉ là ảo tưởng.
Dưới đây là 6 niềm tin không chỉ nhân viên mà các nhà quản lý cũng mắc sai lầm, dẫn tới rất nhiều hệ lụy liên quan đến năng suất công việc giảm, thiếu tinh thần làm việc, bộ máy quản lý cồng kềnh và rất nhiều rủi ro khác. Do vậy, vấn đề ở đây là cần ngừng tin ngay lập tức!
1. Một ngày làm việc 8 giờ sẽ tạo ra năng suất cao nhất
Gần đây, một thành phố ở Thụy Điển đã quyết định áp dụng luật làm việc tối đa 6 giờ mỗi ngày. Đằng sau quyết định này là kết quả của một nghiên cứu chứng minh rằng nhân viên, thực ra, sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu ngày làm việc của họ ngắn đi.
Bằng cách sử dụng một ứng dụng đo lường hiệu quả làm việc theo thời gian có tên là DeskTime, Draugiem Group đã thực hiện một thực nghiệm để tìm hiểu thói quen của những nhân viên làm việc hiệu quả nhất. Kết quả thật đáng ngạc nhiên: những người có năng suất cao nhất lại làm việc ít thời gian hơn những nhân viên có năng suất kém hơn. Thậm chí, họ còn không làm đến 8 tiếng một ngày.
Ngoài ra, cứ làm việc được 52 phút thì họ lại nghỉ giải lao 17 phút. Nghiên cứu này đã cho thấy, rõ ràng nếu nhân viên được tạo điều kiện để có những khoảng thời gian nghỉ ngắn trong ngày làm việc và rút ngắn thời gian làm việc trong một ngày thì họ sẽ mang lại kết quả cao hơn.
Do vậy, nếu ép nhân viên phải làm liên tục từ sáng tới chiều mà không có một chút thời gian nghỉ nghơi thì cách quản lý của bạn rất sai lầm rồi đấy.
2. Tiền bạc là phương thức động viên tốt nhất
Nhân viên có làm việc hiệu quả hơn và cảm thấy hạnh phúc hơn không nếu họ được trả lương cao hơn? Một nghiên cứu do Công ty Tư vấn Boston (BCG) đã đưa ra câu trả lời là không!
BCG đã thực hiện một cuộc khảo sát với 200.000 nhân viên và phát hiện ra rằng một mức lương hấp dẫn chỉ là yếu tố đứng hàng thứ 8 khiến nhân viên cảm thấy hạnh phúc ở công sở. Những yếu tố quan trọng hơn bao gồm nhân viên được đánh giá cao và công nhận, nhân viên có quan hệ tốt với đồng nghiệp, nhân viên có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Một nghiên cứu khác do O.C. Tanner Institute và The Cierro Group phối hợp thực hiện gần đây cũng đưa ra kết quả rằng tiền bạc không phải là phương thức động viên nhân viên tốt nhất.
Theo đó, khi được hỏi hình thức động viên lớn nhất đối với họ là gì, chỉ có 7% nhân viên tham gia khảo sát trả lời rằng đó là hình thức tăng lương. Trong khi đó, hơn 35% lại cho biết đó là khi họ được công nhận.
Ai cũng cần tiền để sống nhưng trong thế giới hiện đại, không phải cứ nhắc đến tạo động lực là các ông chủ nên nghĩ đến tăng lương. Bởi nhân viên càng ngày càng thông minh và nhu cầu của họ cũng đã thay đổi.
3. Nhân viên không phải cứ được giao nhiệm vụ là làm ngay
Nghiên cứu cho thấy đây không phải là một thói quen tốt và luôn mang lại những kết quả tốt đẹp. Thay vào đó, nhân viên cần dừng lại và suy nghĩ trước khi thực hiện một dự án, đặt ra những câu hỏi thích hợp, dành thời gian để thử nghiệm và điều chỉnh cách thực hiện công việc cho đến khi tạo ra được sự khác biệt khiến mọi người đều yêu thích.
4. Nhân viên có thành tích cao sẽ có triển vọng trở thành nhà quản lý giỏi
Cần nhận ra sự khác biệt giữa quản lý và lãnh đạo. Nói cách khác, những người làm việc tốt chưa chắc đã là những nhà quản lý tuyệt vời. Không chỉ là một người làm việc hiệu quả và hiểu biết rõ về công việc của mình, nhà quản lý còn phải là người có khả năng phát hiện ra những kỹ năng riêng có của nhân viên và giúp họ phát huy những thế mạnh ấy.
Một nghiên cứu mang tên "Giá trị của sếp" do Santon, Shaw và Lazear thực hiện đã đưa ra kết luận rằng những vị sếp không có khả năng cải thiện hiệu quả làm việc của nhân viên thường có tỷ lệ thất bại cao gấp 2 lần những vị sếp bình thường.
Thế nên, dù bạn có làm việc chăm chỉ và có nhiều thành tích nổi bật mà không rèn luyện các kỹ năng và kinh nghiệm quản trị đi kèm thì giấc mơ trở thành nhà quản lý xuất sắc vẫn còn rất xa vời.
5. Nhân viên làm việc từ xa sẽ thiếu cam kết và gắn bó với doanh nghiệp
Không ít doanh nghiệp ngại áp dụng chế độ làm việc theo thời gian linh hoạt hoặc làm việc từ nhà vì quan niệm này. Một nghiên cứu do Gallup thực hiện có tựa đề "Thực trạng công sở nước Mỹ" đã phát hiện ra rằng những nhân viên làm việc từ xa thật ra lại gắn kết hơn những nhân viên làm việc toàn thời gian tại văn phòng.
Một nghiên cứu khác của Đại học Stanford cũng đưa ra kết luận rằng hiệu quả làm việc của nhân viên tăng lên khi họ được tạo điều kiện để làm việc từ nhà. Cụ thể, năng suất lao động của những nhân viên làm việc từ xa đã tăng 13%, trong đó 9,5% được đóng góp bởi việc họ làm việc nhiều giờ hơn.
6. Nhân viên sẽ gắn bó với công ty nếu được làm công việc mà họ yêu thích
Điều này có thể đúng nhưng chưa chắc sẽ giúp nhân viên thành công. Nghiên cứu cho thấy những người thành công không chỉ theo đuổi hạnh phúc của riêng mình mà họ còn quan tâm đến việc làm những điều khiến người khác yêu thích.
Nghiên cứu mang tên "Great Work Study" (Nghiên cứu về thành công trong công việc) đã phân tích 1,7 triệu trường hợp giành được các thành tựu hoặc giải thưởng lớn trong công việc và phát hiện ra rằng 88% số trường hợp này xuất phát từ việc nhân viên đặt câu hỏi: "Tôi có thể tạo ra sự khác biệt nào khiến mọi người yêu thích?".
Vì vậy, có thể nói rằng những thành tựu đột phá thường phải bắt đầu bằng việc suy nghĩ cho người khác trước chứ không đơn thuần là được giao những nhiệm vụ muốn làm.