Nhiều năm liền, chúng tôi được dạy rằng quản trị (management) sẽ phải làm các công việc liên quan đến dự đoán, lập ngân sách, lập kế hoạch và kiểm soát. Nhà quản lý được đào tạo để quản lý chứ không phải lãnh đạo.
Các nhà quản lý (Manager) lâu năm và bộ phậm giám sát (Supervisor) được đào tạo để phân công công việc cho cấp dưới, làm thế nào để đánh giá công việc của các thành viên trong đội, hỗ trợ nhân viên cải thiện hiệu suất làm việc, đồng thời sa thải và tuyển dụng nhân viên mới.
Chúng ta đã (và đang) sử dụng nguyên lý "cây gậy và củ cà rốt" để yêu cầu nhân viên làm việc nhưng cuối cùng, nếu họ không có tinh thần, động lực làm việc, không quan tâm tới sứ mệnh, lãnh đạo và/hoặc một thứ gì khác liên quan đến tổ chức thì cuối cùng sự liên kết cũng sẽ bị phá vỡ.
Đây chính là lúc chúng ta cần nghĩ đến lãnh đạo (Leadership) và nhà lãnh đạo (Leader).
Ngày hôm nay, lãnh đạo con người dựa trên niềm tin và sự đồng cảm không chỉ là cách hiệu quả để quản lý một đội nhóm mà còn là con đường mang đến nhiều lợi nhuận nhất, lâu dài nhất cho doanh nghiệp.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Làm thế nào để biết một người là quản lý hay lãnh đạo hay nói đúng hơn, những điểm khác biệt mấu chốt giữa quản lý và lãnh đạo là gì?
Trước khi đi vào làm rõ các dấu hiệu để nhận biết thì cần khẳng định hai điều rằng: lãnh đạo và quản lý là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, đồng thời, một người là quản lý thì chưa chắc đã có khả năng lãnh đạo!
Có một ví dụ minh họa thú vị rằng, nhà quản lý sẽ nói "Go!", còn nhà quản lý sẽ nói rằng "Let's go!". Một bên là mệnh lệnh (quản lý) và một bên tuy cũng là mệnh lệnh nhưng hàm chứa rằng tất cả mọi người cùng tiến lên, bao gồm cả nhân viên lẫn lãnh đạo (Let's go = Let us go).
1. Quản lý là phản ứng (Reactive), lãnh đạo là siêu chủ động (Proactive)
Trong vai trò là một nhà quản lý, bạn có trách nhiệm đưa ra các hướng dẫn. Khi điều gì đó không diễn ra theo đúng kế hoạch thì một cách tự nhiên, bạn sẽ phải phản ứng lại với các tình huống xấu (hoặc tốt) đó, chẳng hạn như yêu cầu nhân viên tìm ra nguyên nhân, người chịu trách nhiệm, tính toán rủi ro, thiệt hại và đưa ra các giải pháp khắc phục.
Một nhà lãnh đạo không đơn thuần chỉ làm các công việc như vậy. Nếu là một nhà lãnh đạo giỏi, bạn sẽ phải đón đầu các thay đổi, chuẩn bị trước mọi thứ (bao gồm cả phân tích thị trường, dự báo, đo lường rủi ro, dự phòng...), đảm bảo an toàn cho tất cả các thành viên và duy trì lợi nhuận tăng ngay cả trong các tình huống xấu.
Các Leader "siêu chủ động" điển hình luôn giữ thái độ bình tĩnh, hùng hồn, có niềm tin rằng cả đội có thể vượt qua mọi thử thách đang ập đến, đồng thời luôn có một kế hoạch cho hành động và các sự kiện bất ngờ có thể xảy ra. Nhờ đó, môi trường làm việc ít khi rơi vào tình trạng căng thẳng tột độ.
Với tất cả các yếu tố đó, một Leader giỏi cần xuất sắc cả về quản lý và lãnh đạo.
2. Nhà quản lý có nhân viên, nhà lãnh đạo có "người theo dõi" (Follower)
Bạn là một nhà quản giỏi, quản lý 5 đến 10 nhân viên trong một công ty nhỏ. Đây là con số cố định. Bạn chịu trách nhiệm cho các tình huống xảy ra và nhân viên đóng vai trò sẽ báo cáo cho bạn tiến độ công việc cũng như kết quả. Bạn là người ra lệnh, nhân viên là người phục tùng mệnh lệnh.
Trong vai trò là người lãnh đạo, bạn sẽ đào tạo, huấn luyện và giúp đỡ nhân viên của mình để trở thành những nhà lãnh đạo bằng cách sử dụng các chỉ số đánh giá thực hiện công việc KPI (Key Performance Indicator) thay vì nói với nhân viên những việc họ phải làm. Càng trở thành một lãnh đạo gương mẫu, bạn càng có nhiều người theo dõi, học hỏi kinh nghiệm và trở thành một hình mẫu để các cấp dưới nỗ lực trở thành.
Bạn sẽ được làm quản lý khi được phân công giữ nhiệm vụ đó, nhưng để trở thành một nhà lãnh đạo đích thực – tức là có "người theo dõi" thì phải mất thời gian và một người mong muốn trở thành Leader cần hiểu được điều đó.
3. Quản lý tạo các Group, lãnh đạo tạo các Team
Đây chính là kết quả tất yếu của vấn đề đã được đề cập ở trên – trong vai trò Manager, bạn quản lý cấp dưới, phân công công việc cho từng người và mỗi người sẽ chịu trách nhiệm hoàn thành phần việc đã nhận. Dường như, sự kết nối giữa các thành viên trong Group rất mờ nhạt, bạn chỉ có thể điều khiển họ nhưng không thể tạo ra năng lượng để thống nhất họ. Trái lại, là một Leader, bạn giống như một đạo diễn của vở kịch vậy và để vở kịch thành công thì cần sự hợp sức của tất cả các diễn viên trong buổi diễn đó.
Là Leader của một Team, bạn có thể khai phá sức mạnh của từng thành viên trong đội và tất cả sẽ cùng nỗ lực để tạo ra thành quả. Mỗi người tuy là một cả thể độc lập nhưng khi đã được liên kết với nhau lại thì Team của bạn sẽ trở nên thống nhất và mạnh hơn bao giờ hết.
4. Manager chuyển trách nhiệm, Leader nhận trách nhiệm
Quản lý phân bổ công việc và khi xảy ra sự cố, lỗi ở khâu nào thì nhân viên/bộ phận phụ trách phần việc đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Nói đúng hơn, quản lý ủy quyền cả công việc lẫn sai sót (nếu có).
Một khi sẵn sàng chịu trách nhiệm, gánh trách nhiệm và không nỗ lực đùn đẩy lỗi lầm cho cấp dưới, bạn là một lãnh đạo.
5. Leader sẵn sàng hỗ trợ khi nhân viên cần, Manager thì không
Một nhà quản lý chỉ làm xong nhiệm vụ của họ ở văn phòng và sau đó đi về nhà khi xong việc.
Nhà lãnh đạo sẵn sàng làm việc ngoài giờ, sẵn sàng hỗ trợ khi nhân viên cần bất kể khó khăn và dường như mọi sự khác biệt về thứ bậc đều bị xóa bỏ khi tất cả thành viên trong đội cùng nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ.
Trên đây là những điểm khác biệt chính giữa một nhà lãnh đạo và nhà quản lý. Nếu mong muốn trở thành một Leader thì ngay từ bây giờ hãy quản lý theo phong cách của một nhà lãnh đạo.