Không một ai thích thay đổi phong cách chụp ảnh hiện tại của mình cả, đặc biệt là khi bạn đã hình thành được cho mình một "style" nào đó. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu nắm được xác xu hướng nhiếp ảnh đang thịnh hành trên thế giới. Bởi lẽ, điều này sẽ giúp bạn điều chỉnh được phong cách của mình sao cho đáp ứng được nhu cầu của người hâm mộ cũng như sáng tạo hơn trong quá trình tạo nên những sản phẩm ấn tượng.
Dưới đây là 5 xu hướng chụp ảnh hiện đang thu hút sự chú ý của cộng đồng các nhiếp ảnh gia và dân sáng tạo trên toàn thế giới để bạn tham khảo.
Chú thích: Bài viết này được dịch lại từ chia sẻ của tác giả Tom May – một cây bút rất "cứng tay" trên website Creative Bloq, hữu ích cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, những người sáng tạo thích tìm hiểu về nghệ thuật nhiếp ảnh hoặc những nhà thiết kế thường sử dụng các hình ảnh có bản quyền trong các dự án sáng tạo.
1. Sự trở lại của chụp ảnh phim
Mặc dù chụp ảnh phim (với máy cơ) có vẻ lỗi thời trong thời đại kỹ thuật số này nhưng những nhiếp ảnh gia kỳ cựu chẳng bao giờ thực sự ngừng sáng tạo với các cuộn phim cả, bởi vì luôn có những lý do vô cùng thú vị mà không phải ai cũng biết.
Chiến dịch MyCalvins của Calvin Klein
Thứ nhất, chụp ảnh phim tuân theo một quy luật mà các phương tiện kỹ thuật số không thể đáp ứng được. Khi chụp ảnh phim, sẽ có những giới hạn vật lý về số lượng các bức ảnh mà bạn có thể chụp tại cùng một thời điểm, nghĩa là bạn không thể liên tục xem những hình ảnh đã "bắt" được. Điều này có vẻ là một hạn chế nhưng đối với "dân chuyên nghiệp" thì nó sẽ giúp họ dồn tâm trí vào việc lấy hình và chụp khung cảnh ngay từ lần ngắm đầu tiên.
Thứ hai, chất lượng hình ảnh khi chụp với phim cũng tốt hơn rất nhiều so với ảnh kỹ thuật số. Như các bạn đã biết, phim bao gồm một lớp nhũ tương nhạy sáng phủ trên một lớp đế bằng polyester mềm dẻo và trong suốt. Lớp nhũ tương nhạy sáng là một hỗn hợp kim loại bạc và khí halogen (brôm, clo hay iốt) hợp thành brômua bạc, clo bạc hay iốt bạc. Nếu những hỗn hợp này bị phơi ra ánh sáng thì các hạt halogen bạc có thể thay đổi khi va chạm với các hạt ánh sáng và chính điều này khiến cho những bức ảnh sau khi được tráng có màu sắc rất chân thực, trong so sánh với sự kết hợp lại của vô số các điểm ảnh khi chụp với máy ảnh kỹ thuật số.
Vì vậy, trong khi các thập kỷ qua đã chứng kiến những bước tiến không thể phủ nhận của chụp ảnh kỹ thuật số nhờ chi phí và khả năng dễ sử dụng thì máy cơ giờ đây đã lấy lại được phong độ, đặc biệt trở nên "sành điệu" hơn trong lĩnh vực thời trang với sự tin dùng của rất nhiều nhiếp ảnh gia tên tuổi như Jamie Hawkesworth, Colin Dodgson, Zoe Ghertner và Harley Weir – những người đã từng sử dụng máy cơ để chụp ảnh trong chiến dịch MyCalvins của Calvin Klein gần đây (hình ảnh trên).
Ngoài ra, chụp ảnh phim hiện cũng đang được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác sử dụng như Patrick Joust (nhiếp ảnh gia đường phố), nghệ sĩ nhiếp ảnh Richard Mosse, nhiếp ảnh gia chụp ảnh phong cảnh và chân dung Nadav Kander hay nhiếp ảnh gia "thương mại" Jeff Lipsky.
2. Chụp ảnh 360 độ
Từ một phong cách cổ điển dần trở thành một xu hướng mới mẻ và lan rộng, đó chính là phong cách chụp ảnh 360 độ, chẳng hạn, các camera hình cầu mới như Samsung Gear 360 và 360 Cam của LG cho phép chụp mọi thứ xung quang bạn, cho dù chúng ở phía trên, dưới, sau hay trước.
Quảng cáo xe Lexus được thực hiện với công nghệ 360 độ
Những hình ảnh toàn cảnh đó có thể được xem với kính thực tế ảo (VR) và bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh quan như thể bạn đang đứng tại nơi đó vậy. Ngoài ra, các ứng điện thoại như Google Street View cũng cho phép bạn tải ảnh lên và xem hình ảnh từ mọi góc bằng cách di chuyển điện thoại hay mới đây nhất, tính năng chụp ảnh góc rộng Panorama cũng đã được tích hợp trên mạng xã hội Facebook đủ thấy phong cách này đang dần được phát triển rộng rãi.
Hiện nay, phong cách chụp ảnh 360 độ vẫn còn khá "trẻ" trên thị trường với một số hạn chế như các file ảnh sau khi chụp có dung lượng khá lớn, khiến việc xem ảnh rất chậm và bị lag trên nhiều thiết bị. Khi xét về khía cạnh chụp, các camera vẫn chưa thể mang đến chất lượng hình ảnh tốt như ý muốn của người dùng và một số thiết bị kỹ thuật số thông thường cũng chưa có khả năng tinh chỉnh hình ảnh. Tuy nhiên, với tất cả công nghệ hiện đại sẵn có và đang được phát triển thì các điểm trừ này sẽ nhanh chóng được cải tiến.
Vì vậy, giới chuyên môn dự đoán nhiếp ảnh 360 độ sẽ trở thành một xu hướng nổi bật trong vài năm tới. Hiện nay, phong cách này chủ yếu được sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là bất động sản (khi người mua có thể xem toàn cảnh khu đất hay tòa nhà dựa trên các bức ảnh góc rộng được cung cấp) và lĩnh vực du lịch (cho phép khách hàng xem trước toàn cảnh khu nghỉ mát trước khi đến).
3. Chụp ảnh tự sướng "châm biếm"
Có lẽ bạn đã cảm thấy nhàm chán khi nhìn thấy những bức ảnh tự sướng "ai cũng giống ai" trên Instagram và Facebook, gần như được chỉnh sửa rất hoàn hảo. Ngoài kiểu chụp ảnh khuôn mặt với nhiều góc cạnh khác nhau thì một xu hướng khác cũng được nhiều người ưa chuộng đó là "metaselfie", hiểu một cách nôm na là "chụp ảnh những người đang chụp ảnh tự sướng". Đối với xu hướng này, nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hiện nay cũng đã nghĩ ra rất nhiều ý tưởng thú vị và mới mẻ, đó chính là tự chụp ảnh tự sướng và sử dụng chúng với mục đích châm biếm, phản ánh một thực trạng nào đó của cuộc sống và xã hội.
Dự án của Amalia Ulman
Chẳng hạn, nhiếp ảnh gia Amalia Ulman đã đăng một loạt các bức ảnh tự chụp trên Instagram để kể một câu chuyện hư cấu như thể đó là sự thật về chuyến đi của cô ấy đến một thành phố lớn, chia tay với bạn trai hay bắt đầu hút thuốc... Sau khi tích lũy được khá nhiều các hình ảnh mới thì cuối cùng, cô cũng tiết lộ rằng việc đăng chúng lên đều có mục đích và đó chính là dự án nghệ thuật: "Excellences and Perfections" gần đây đã được trưng bày như một phần của triển lãm Performing for the Camera tại Tate Modern.
Một tác phẩm gồm hai bức tranh ghép với nhau được tạo ra trên Photoshop của Jesse Darling là một ví dụ khác về việc nhiếp ảnh nghệ thuật đang khai thác những nét điển hình của xu hướng chụp ảnh tự sướng. Những bức ảnh trong dự án nữ quyền này được đặt tên theo các công cụ trên Photoshop: Photoshop 1 (Healing Brush, Clone Stamp, Paint Bucket) và Photoshop 2 (Free Transform, Differnce/Exclusion, Tolerance: 60') với mục đích phản ánh sự tác động của công nghệ đối với cơ thể con người.
4. Chụp ảnh Polaroid (chụp ảnh lấy ngay)
Chiến dịch Burberry của Brooklyn Beckham
Máy chụp hình lấy ngay là máy ảnh huyền thoại của hãng Polaroid. Chiếc máy này từng làm mưa làm gió trên các diễn đàn mạng, là mơ ước của rất nhiều cô gái trẻ và người ham mê du lịch. Đây là loại máy ảnh cầm tay nhỏ gọn, thiết kế thời trang có thể mang đi mọi nơi. Bạn đưa chiếc máy lên, bấm chụp hình và khoảng 1 phút sau sẽ ngay lập tức có 1 bức ảnh nhỏ được in ra qua khe trả ảnh của máy.
Polaroid hiện đang trở thành một xu hướng trong lĩnh vực nhiếp ảnh thời trang, nổi bật tại chiến dịch Burberry của Brooklyn Beckham và quảng cáo của Maripol cho SS16 Boss. Ngoài ra, đây cũng là một phong cách rất được ưa chuộng khi chụp ảnh cưới.
5. Chụp ảnh bằng Drone
Một bức ảnh của Ricardo Matiello - người dành chiến thắng trong cuộc thi Nhiếp ảnh quốc tế chụp ảnh bằng Drone (International Drone Photography Contest) được tổ chức vào năm 2015 bởi Dronestagram và National Geographic
Một xu hướng khác được nổi lên dưới tác động của công nghệ mới đó chính là chụp ảnh bằng những chiếc máy bay không người lái, hay còn được biết đến với tên gọi Drone. Việc sử dụng những chiếc camera drone được điều khiển bởi bộ radio cầm tay cho phép các nhiếp ảnh gia "bắt" được khoảnh khắc mà trước đó không thể nào chụp được hoặc phải trả giá rất đắt để có thể ghi lại được những hình ảnh tuyệt đẹp đó. Bạn có thể chiêm ngưỡng một số bức ảnh ấn tượng này trên Dronestagram – một trang web chia sẻ hình ảnh bao gồm các hình ảnh được chụp theo phong cách này.
Chụp ảnh bằng drone nhanh chóng trở thành một phần chính trong nhiếp ảnh chuyên nghiệp và đã có nhiều cái tên thành công khi đi theo phong cách này, điển hình là Trevor Paglen – một nghệ sĩ đa ngành ở Mỹ đã được nhận giải thưởng Deutsche Börse với triển lãm The Octopus (Con Bạch tuộc) tại bảo tàng Frankfurter Kunstverein ở Frankfurt (Đức).