Xu hướng phần cứng laptop năm nay

Laptop sử dụng chip Core i Sandy Bridge có mức giá từ 10 đến 14 triệu đồng, trong khi vi xử lý Pentium P6200 và B940 chủ yếu được áp dụng cho máy giá rẻ.

Đầu năm học mới là một trong hai thời điểm thị trường máy tính xách tay sôi động nhất trong năm. Phần lớn sinh viên, học sinh đều muốn chọn cho mình laptop có giá thành phải chăng, hợp túi tiền, cấu hình tốt vừa đủ phục vụ cho nhu cầu học tập, giải trí với mức giá từ 10 đến 14 triệu đồng.

Để mua được laptop có hiệu năng/giá thành tốt, người mua đầu tiên phải tìm hiểu về xu hướng phần cứng các mẫu máy đang bán trên thị trường để tránh bị nhầm lẫn hay mua phải cấu hình từ năm trước với giá đắt đỏ. Tiếp sau đó mới là tìm hiểu chọn mua các laptop theo tầm tiền.

Một số xu hướng về phần cứng laptop năm nay.

Ngoại hình, kiểu dáng thiết kế

Xu hướng phần cứng laptop năm nay
Thiết kế vân nổi đang dần trở thành chủ đạo trong các dòng laptop bình dân, giá rẻ.

So với năm 2010, năm nay, các hãng lớn như HP, Dell, Toshiba hay Acer đã chuyển dần từ vỏ nhựa bóng sang vỏ nhựa sần, in vân nổi hoặc bằng kim loại. Kiểu thiết kế mới này thường giữ cho máy sạch sẽ hơn, ít bám bụi bẩn, vân tay. Điển hình là Acer Aspire 4750G, 4740G, HP ProBook 4430s, 4420s, Dell Inspiron 14R...

Năm nay, nhiều hãng cũng bắt đầu tung ra laptop siêu mỏng nhưng xu hướng này hầu như không áp dụng với dòng bình dân hay tầm trung. Tuy nhiên, các mẫu dày cũng có ưu điểm là tản nhiệt tốt hơn, điển hình như K43E của Asus.

Màn hình

Công nghệ màn hình trên laptop giá rẻ hoặc tầm trung trong năm 2011 ít có sự thay đổi. Phần lớn các mẫu nhập về Việt Nam đều có màn hình gương, đèn nền LED và độ phân giải chung là 1.366 x 768 pixel.

Ưu điểm của màn hình gương là hình ảnh sắc nét và độ sáng lớn, tuy nhiên, rất dễ bị bóng, góc nhìn hẹp và khó sử dụng được ngoài trời như màn hình chống lóa. Loại này thường được sử dụng trên các laptop dành cho doanh nhân.

Vi xử lý

Xu hướng phần cứng laptop năm nay
Các dòng laptop đều đã chuyển sang sử dụng vi xử lý Intel Core i Sandy Bridge.

Hầu hết laptop trong năm 2011 đều đã chuyển qua sử dụng vi xử lý Intel Core i Sandy Bridge. Nhiều cửa hàng vẫn còn bán dòng chip Core i 2010 nhưng giá không giảm nhiều so với năm trước. Người dùng cần biết phân biệt để tránh mua "hớ". Các thế hệ Core i đầu tiên sử dụng một ký tự bao gồm ba chữ số và một hậu tố (ví dụ, 520UM). Trong khi đó, chip Sandy Bridge sử dụng CPU có ký hiệu với 4 chữ số và một hậu tố (ví dụ, 2820QM).

Trong khi đó, dòng vi xử lý Pentium P6200 hay B940 cũng đều là series mới từ Intel nhưng có giá rẻ. Trong các đánh giá thực tế, Pentium P6200 cho hiệu suất tốt hơn cả dòng Core 2 Duo T series cũ nếu cùng tốc độ xử lý.

Bộ nhớ RAM

Cho dù các nhà sản xuất thế giới bắt đầu đặt xu hướng RAM 4 GB vào laptop kể cả tầm trung của mình nhưng tại Việt Nam, điều này chưa thành xu hướng. Hầu hết máy được phân phối ở thị trường trong nước đều có RAM trung bình là 2 GB và là DDR3. Người dùng khi mua cần chú ý số lượng khe RAM còn trống để có thể lắp thêm bởi đây là phần cứng dễ thay thế và nâng cấp nhất trong máy.

Card đồ họa

Số lượng máy sử dụng chip đồ họa tích hợp nhiều hơn và rất phổ biến do loại đi kèm với vi xử lý Core i Sandy Bridge có hiệu năng rất tốt. Trong các thử nghiệm của Số Hóa với những máy kiểu này, điểm đánh giá đồ họa 3D Mark 06 thường từ hơn 2.000 đến 3.000 điểm, cao hơn rất nhiều so với chip Core i thế hệ cũ chỉ khoảng hơn 1.000 điểm. Chính vì vậy, chọn mua chip đồ họa tích hợp có thể đã là một giải pháp rất ổn với nhiều nhu cầu.

Ổ cứng

Phần lớn dung lượng ổ cứng năm nay đều lớn, phổ biến ở mức 500 GB trong laptop có giá thành từ 10 đến 14 triệu đồng và tốc độ đọc 5.400 vòng/phút. Một số mẫu có giá thành cao hơn lại có tốc độ đọc cao hơn là 7.200 vòng/phút nhưng dung lượng có thể giảm xuống còn 320 GB. Các mẫu có dung lượng 250 GB có thể nằm ở các model giá rẻ dưới 10 triệu đồng hoặc ở các cấu hình từ năm trước.

Pin

Xu hướng phần cứng laptop năm nay
Thời lượng sử dụng pin của laptop Core i đã tăng đáng kể lên hơn 3 tiếng trong năm nay.

Các dòng máy phổ thông vẫn có pin dung lượng không đổi so với năm ngoái là từ 47 đến 48Whr. Tuy nhiên, nhờ cấu hình mới dùng chip Core i Sandy Bridge có hiệu suất tốt hơn, thời lượng sử dụng pin năm nay đều cao hơn khá nhiều. Hầu hết laptop sử dụng Core i Sandy Bridge đều có thời gian sử dụng pin tối thiểu là hơn 3 tiếng trong khi cùng với thử nghiệm này các mẫu năm 2010 chỉ đạt hơn hai tiếng.

Kết nối

Kết nối được quan tâm nhất năm nay trên laptop là USB 3.0, chuẩn này hiện chưa phổ biến nhưng do vòng đời sử dụng laptop khá lâu nên mua các mẫu laptop có USB 3.0 là một sự chuẩn bị rất tốt. Ngoài ra, các kết nối khác được quan tâm và cần chú trọng như HDMI và VGA.

Thứ Tư, 17/08/2011 15:05
31 👨 868
0 Bình luận
Sắp xếp theo