Điện toán đám mây là gì? Phân loại, ưu nhược điểm của điện toán đám mây

Giúp bạn hiểu thêm về công nghệ của tương lai này

1. Điện toán đám mây là gì?

Điện toán đám mây (tiếng Anh: Cloud Computing, gọi tắt là đám mây) là việc cung cấp tài nguyên máy tính cho người dùng tùy theo mục đích sử dụng thông qua kết nối Internet. Nguồn tài nguyên đó có thể là bất kì thứ gì liên quan đến điện toán và máy tính, ví dụ như phần mềm, phần cứng, hạ tầng mạng cho đến các máy chủ và mạng lưới máy chủ cỡ lớn.

Trước thời điện toán đám mây, bạn muốn làm thứ gì thì cũng phải tự mình thực hiện, tự bỏ tiền ra đầu tư hầu như từ đầu đến cuối. Ở vai trò người dùng cá nhân, nếu bạn muốn lưu dữ liệu, bạn phải tự bỏ tiền mua một cái ổ cứng. Bạn muốn sao lưu dữ liệu thường xuyên và ngay lập tức? Ngoài ổ cứng ra còn phải tự đi kiếm phần mềm, tự kết nối nó vào mạng nếu muốn. Nếu bạn muốn làm một website, bạn phải tự mình đi mua máy chủ về lắp rắp rồi cấu hình mọi thứ. Bạn muốn quản lý doanh số của cửa hàng tại gia, bạn phải tự đi mua phần mềm kế toán hay phần mềm bán hàng rồi cài đặt nó lên máy tính ở nhà.

Và tất cả những thứ đó không chỉ dừng lại ở lúc mua. Số tiền bạn chi ra còn đi theo bạn sau đó, tạm gọi là tiền "bảo dưỡng" hay "bảo trì". Bạn mua ổ cứng về, lỡ nó hư thì tự bạn phải mang đi bảo hành. Xui xui hết thời gian bảo hành thì vừa mất dữ liệu vừa tốn thêm tiền mua ổ khác. Bạn cài máy chủ, xong bạn phải tự bảo trì cho nó, tự lo về hệ thống làm mát, tự lo backup (hoặc nếu bạn thuê người khác làm thì cũng không khác máy, chỉ là bạn bỏ tiền ra nhờ người ta làm giúp thôi). Bạn cài phần mềm kế toán, rồi mỗi khi nó có update thì bạn phải đi cài lại vào máy tính của mình, nếu có lỗi thì bạn phải tự sửa (hoặc gọi điện hỏi hãng cách sửa).

1 số dịch vụ phổ biến

Những vấn đề này nhìn qua thì có vẻ đơn giản nhưng thực chất nó tốn của bạn rất nhiều công sức và tiền bạc, chưa kể là nó cũng khiến bạn dễ mất dữ liệu quan trọng hơn (như trong ví dụ ổ cứng nói trên). Đối với các doanh nghiệp thì chi phí "bảo trì" cũng rất lớn vì họ không chỉ xài những phần mềm nhỏ nhỏ dạng như Word, Excel, PowerPoint mà là những hệ thống quản lý đồ sộ và phức tạp, với dữ liệu vào ra liên tục nên chỉ một hỏng hóc nhỏ cũng có thể làm mất cả triệu USD doanh thu hoặc làm việc sản xuất bị đình trệ. Họ phải nuôi cả một đội ngũ nhân viên để cài đặt, cấu hình, thử nghiệm, chạy, đảm bảo an toàn cũng như cập nhật hệ thống của mình. Nếu bạn đem số tiền đó nhân cho số lượng cả trăm app mà doanh nghiệp dùng, rõ ràng chi phí đó không nhỏ chút xíu nào.

Rồi điện toán đám mây ra đời, nó giúp giải quyết phần nào việc bạn phải tự quản lý phần cứng và phần mềm của mình. Bạn cần lưu dữ liệu? Có OneDrive, có Dropbox, có Google Drive giúp bạn. Rõ ràng bạn chẳng cần quan tâm file của mình đang lưu trên cái HDD nào, nó có hỏng hay không, có cần phải backup ra HDD phụ hay không, nó đang nằm ở chỗ nào. Bạn cũng chẳng cần quan tâm đến việc kết nối máy này với máy khác để nhận file ở hai nơi. Mọi thứ đã được "chăm sóc" bởi nhà cung cấp dịch vụ đám mây rồi và trong trường hợp này đó chính là Dropbox, Google hay Microsoft. Nếu HDD hỏng, tự họ sẽ thay thế, tự họ sẽ làm thao tác backup định kỳ, bạn chẳng phải bận tâm.

Một ví dụ khác: danh bạ điện thoại. Trước đây, bạn phải tự mình backup danh bạ định kì ra máy tính, phải giữ các file danh bạ đó, rồi nếu đổi điện thoại thì phải cài lại danh bạ rất mất thời gian. Giờ thì đã có Google, có Apple, có Microsoft hay BlackBerry lo chuyện danh bạ cho bạn. Mỗi khi bạn thêm số mới, danh bạ sẽ được đồng bộ lên "mây" và chứa trên đó. Trong trường hợp bạn chuyển sang điện thoại khác, danh bạ có thể được tải về một cách nhanh chóng. Không còn phải backup thường xuyên, không cần chép file thủ công nữa.

Với doanh nghiệp, họ bắt đầu di chuyển các ứng dụng hay phần mềm của mình lên đám mây. Cần phần mềm kế toán? Chỉ cần vào trình duyệt, click click vài cái, xong. Bạn không cần quan tâm đến việc phần mềm đó đang cài ra sao, cài trên máy chủ có địa chỉ IP là bao nhiêu, khi có update thì nó cũng tự động làm luôn. Bạn chỉ việc mở nó ra và dùng thôi. Muốn mở rộng thêm? Dễ ẹc, trả thêm tiền là có thêm user. Muốn chạy 24/7 mà không phải nghĩ đến tiền điện cho máy lạnh làm mát? Cũng có luôn.

2. Phân loại điện toán đám mây

Hiện nay, các công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây chia thành 3 loại lớn như sau:

Infrastructure as a Service (IaaS) hay còn gọi là Hạ tầng được cung cấp như một dịch vụ. Theo Amazon thì nó là mức cơ bản nhất của điện toán đám mây, thường thì các dịch vụ IaaS sẽ bán cho bạn các thứ về mạng, máy tính (máy ảo hoặc máy thật tùy nhu cầu), cũng như nơi lưu trữ dữ liệu. Cụ thể hơn, bạn có thể thuê một cái "máy chủ trên mây" với CPU, RAM, ổ cứng (SSD hoặc HDD) tùy theo nhu cầu. Rồi, vậy là bạn đã có một cái server, còn chuyện server đặt ở trung tâm dữ liệu nào, trong đó có bao nhiêu cái máy lạnh làm mát cho nó, nó xài mạng của dịch vụ viễn thông nào... thì bạn không cần quan tâm nữa. Bạn đã có server, cứ dùng thôi.

Amazon Web Services hay DigitalOcean là những dịch vụ tiêu biểu cho kiểu IaaS. Bạn sẽ lên đó chọn máy chủ, sau đó tự bạn phải chọn và cài hệ điều hành, chọn xong thì phải cài thêm các phần mềm khác cần thiết cho ứng dụng của mình. Nếu bạn muốn xài máy chủ đó cho trang web thì phải cài các phần mềm liên quan đến web server, muốn xài máy chủ đó là cơ sở dữ liệu thì cài cơ sở dữ liệu vào ...

Amazon web services

Như vậy, IaaS không được thiết kế cho người dùng cuối, mà chủ yếu cho những người muốn có một nơi để triển khai phần mềm của mình, có thể là lập trình viên, một công ty hay một đơn vị phát hành web chẳng hạn.

Platform as a Service (PaaS): PaaS giúp bạn bỏ qua những sự phức tạp hay rắc rối khi phải tự mình quản lý hạ tầng của mình (thường có liên quan đến phần cứng và hệ điều hành). Nếu bạn thuê một dịch vụ PaaS, bạn chỉ cần tập trung vào việc triển khai các phần mềm của mình lên đó và bắt đầu chạy. Nhờ có PaaS mà bạn không phải lo update Windows cho máy chủ của mình mỗi khi có bản vá, không phải quản lý RAM, CPU, không phải lên kế hoạch về nguồn lực...

Dịch vụ host web

Một ví dụ của PaaS đó là các dịch vụ host web. Người ta sẽ chuẩn bị sẵn mọi thứ cho bạn từ máy chủ, phần mềm, cơ sở dữ liệu cho đến các cổng kết nối. Bạn chỉ cần đưa các file *.html của mình lên đó và chạy. Nếu có cơ sở dữ liệu thì chép dữ liệu vào rồi xài ngay. Ở mô hình PaaS này thì sự kiểm soát của bạn với chiếc máy chủ bị giới hạn lại rất nhiều, khi đó một máy chủ thường sẽ được chia sẻ giữa nhiều người dùng PaaS với nhau để tiết kiệm chi phí (tức là tiền mua dịch vụ của bạn rẻ hơn).

Software as a Service (SaaS): Đây là phần top cao nhất trong sơ đồ phân loại dịch vụ đám mây. Nó là một sản phẩm hoàn thiện được vận hành và quản lý bởi một nhà cung cấp. Và nói đơn giản, trong hầu hết trường hợp thì người ta dùng SaaS để nói về những phần mềm, ứng dụng có thể được dùng ngay bởi người dùng cuối.

Dịch vụ email nền web

Một ví dụ rất thường thấy của SaaS là dịch vụ email nền web, ví dụ như Gmail, Outlook hay Yahoo Mail chẳng hạn. Nó là một sản phẩm hoàn chỉnh, bạn có thể ngay lập tức xài để gửi nhận mail mà không phải thiết lập máy chủ quản lý mail, không phải thiết lập kết nối Internet cho máy chủ đó, cũng không cần tổ chức quản lý người dùng gì hết.

Tương tự, OneDrive, Dropbox cũng là SaaS. Phần mềm (hay trang web) cung cấp cho bạn mọi tính năng bạn cần, bạn không phải đi mua ổ cứng rồi thiết lập từ hệ điều hành cho đến kết nối mạng. Google Docs hoặc Microsoft Online cũng là SaaS, bạn có thể nhảy ngay vào và bắt đầu gõ văn bản hay tạo các bài thuyết trình mà không cần cài đặt phần mềm nào khác, không cần quan tâm bản quyền. Evernote, OneNote, Wunderlist, Google Keep cũng là dịch vụ đám mây dạng SaaS đó. SAP có cung cấp giải pháp quản lý doanh nghiệp online, một vài công ty thì cung cấp giải pháp kế toán và quản lý sản xuất ngay từ trình duyệt, cũng đều là SaaS.

Trong cả 3 loại hình điện toán đám mây thì thứ "mì ăn liền" nhất chính là SaaS, và cũng vì vậy mà loại hình này rất dễ dàng tiếp cận đến người dùng cuối vì họ không phải hiểu biết gì nhiều về kĩ thuật máy tính cũng có thể xài được. SaaS cũng có những thứ miễn phí để thu hút khách hàng chứ không phải cái gì cũng tính phí. Dropbox, Gmail vẫn có thứ miễn phí đó thôi. Tất nhiên, người dùng SaaS sẽ không có sự kiểm soát nào với hạ tầng bên dưới. Bạn đâu có được phép chỉnh gì liên quan đến server của Gmail hay Dropbox đâu.

3. Ưu điểm của điện toán đám mây

Lợi ích lớn nhất của điện toán đám mây đó là tiết kiệm chi phí. Nãy giờ chúng ta đã phân tích về khía cạnh này rồi nên có lẽ không cần nói lại nhiều. Chủ yếu là bạn sẽ giảm được chi phí đầu tư hạ tầng ban đầu, chi phí mua phần cứng, phần mềm và bảo dưỡng chúng, chi phí để lắp đặt, tìm chỗ đặt server và vận hành thường ngày, chi phí thuê người để trông coi và nhiều thứ khác.

Theo sau đó là sự tiện lợi. Bạn có thể nhanh chóng xài ngay một thứ gì đó mà không phải tốn công cài đặt phức tạp. Bạn có thể nhanh chóng truy cập chúng mọi lúc mọi nơi, gần như không bị phụ thuộc vào phần mềm hay phần cứng đang xài là gì. Nếu bạn xài ổ lưu trữ truyền thống mà để quên ở nhà thì làm sao bạn có thể lấy dữ liệu? Trong khi xài Dropbox thì chỉ cần lên web của nó rồi download file cần thiết về là hết chuyện. Hay như Gmail, bạn có thể nhanh chóng mượn laptop của thằng bạn để check mail mà không phải thiết lập tài khoản lằng nhằng trong Outlook, thậm chí chẳng cần Outlook luôn. Hoặc Google Docs cũng thế, chỉ cần mở trình duyệt ra và gõ, chả cần phải cài bộ office gì nữa.

Tính bảo mật của điện toán đám mây

Kế nữa là sự an toàn và tính liên tục. Ổ HDD rời của bạn mà hư một cái là coi như mất trắng dữ liệu, trừ khi bạn phải hằng ngày copy dữ liệu ra hai ổ cùng lúc. Trong khi đó, dữ liệu của bạn mà nằm trên Dropbox, OneDrive thì sẽ có tính an toàn cao hơn, lỡ ổ cứng trên đó có hỏng thì dữ liệu back up của bạn vẫn sẽ được duy trì liên tục và bạn vẫn có thể tiếp tục xài nó như bình thường. Tất nhiên cũng không thể đảm bảo 100% nhưng ít ra thì xác suất rủi ro thấp hơn việc bạn tự xài HDD rất nhiều.

Tính bảo mật của dữ liệu cũng có thể được xem như một lợi ích khi xài đám mây. Bạn làm mất một cái laptop chứa dữ liệu quan trọng thì hậu quả sẽ lớn vô cùng. Trong khi đó, nếu bạn lưu những thứ đó lên mây thì nếu bạn mất laptop thì dữ liệu vẫn nằm an toàn trong tài khoản online và nếu không có mật khẩu của bạn thì chẳng ai có thể vào đó nghịch được.

4. Nhược điểm của điện toán đám mây

Sẽ là thiếu sót lớn nếu đã nói về ưu điểm mà bỏ qua nhược điểm của nó. Vì mọi thứ liên quan đến mây hầu như đều cần kết nối Internet nên nếu kết nối chập chờn hay chậm chạp, vốn là tình trạng rất phổ biến ở Việt Nam thì việc sử dụng các dịch vụ sẽ rất khó khăn. Ở môi trường doanh nghiệp, điều này có nghĩa là họ phải tốn nhiều thời gian hơn cho việc chờ app đám mây tải xong, trong lúc đó thì thiệt hại có thể sẽ rất nghiêm trọng. .

Chính vì vậy mà nhiều dịch vụ đám mây có cung cấp lựa chọn lưu một phần hoặc tất cả dữ liệu trên máy tính, thường gọi là lưu offline. Dropbox, OneDrive, Google Drive cũng có, nó cho phép đồng bộ file xuống và chứa trên máy tính của bạn thường xuyên và bạn vẫn có thể làm việc, mở hay truy cập chúng kể cả khi không có Internet. Lúc nào có mạng lại thì sync lên sau. Evernote cũng tương tự, bạn thậm chí có thể ra đường và cầm điện thoại gõ ghi chú, khi nào về có Wi-Fi thì sẽ đưa ghi chú lên mây sau.

Đám mây phụ thuộc rất lớn vào đường truyền Internet

Thứ hai là chuyện quyền riêng tư. Bạn có đủ tin tưởng vào Evernote để lưu hết mọi dữ liệu của mình? Bạn có tin vào Gmail để lưu hết mọi email quan trọng liên quan đến công việc? Bạn có đủ tin tưởng một phần mềm kế toán online để lưu hết sổ sách của bạn trên đó và đảm bảo là số liệu không bị bán cho đối thủ cạnh tranh? Với người dùng cá nhân thì chuyện này có thể không quan trọng nhưng với doanh nghiệp thì nó rất nghiêm trọng, thế nên nhiều doanh nghiệp bây giờ vẫn còn rất đắn đo với việc lên mây trong khi họ biết rằng giải pháp đó giúp họ tiết kiệm nhiều chi phí.

Sau đó là nỗi lo về downtime. KHÔNG một nhà cung cấp dịch vụ đám mây nào có thể đảm bảo với bạn rằng máy chủ của họ sẽ chạy 100% liên tục và không bao giờ phải ngừng lại, dù cho có sự cố. Cỡ Facebook và Google mà còn bị thì những hãng nhỏ làm sao dám đảm bảo 100%? Khi đó thì bạn chỉ có thể ngồi chơi thôi chứ chẳng làm gì được nữa.

Tuy nhiên, những hạn chế này có thể không phải là trở ngại lớn với nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Lợi ích do nó mang lại đã đè bẹp những hạn chế nên họ vẫn chấp nhận để có được cái lợi to hơn so với việc tự mình triển khai, bảo dưỡng phần mềm phần cứng (lúc đó thì rủi ro còn cao hơn cả việc xài đám mây). Chính vì thế mà điện toán đám mây mới ngày càng phát triển, và xu hướng đó có vẻ sẽ không sớm dừng lại trong tương lai xa.

Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ!

Chủ Nhật, 22/11/2015 09:00
58 👨 27.811
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản