Nhiều hãng sản xuất laptop hiện cho phép khách hàng có thể tự “thửa” cấu hình theo yêu cầu thông qua website của họ.
Ngoài các cách mua laptop thông thường như mua tại đại lý, nhà bán lẻ, mua qua đường xách tay, người tiêu dùng còn có thể mua ngay tại website nhà sản xuất. Dân chuyên laptop còn gọi đây là những mẫu máy “thửa” riêng, máy “độc” vì hầu như chúng không hoặc chưa bán trên thị trường. Ngoài ra đây cũng thường là những mẫu máy có cấu hình “khủng”.
Chọn cấu hình máy theo mục đích người sử dụng
Hầu hết các hãng sản xuất đều bán hàng ngay trên website. Người mua tự vào website, họ được giới thiệu những cấu hình laptop có sẵn với mức giá khởi điểm, nếu không hài lòng, có thể tự xây dựng cấu hình theo nhu cầu và sở thích riêng. Với mỗi chi tiết máy, hãng sẽ đưa ra các gợi ý để lựa chọn, trên đó công bố rõ ràng mức giá của mỗi linh kiện.
Chẳng hạn khi chọn bộ vi xử lý, nhà sản xuất sẽ đưa ra các gợi ý như chọn sản phẩm Intel Core 2 Duo P8600 2.4GHz; hoặc Intel Core 2 Duo P8700 2.53GHz; hoặc Intel Core 2 Quad Q9000 2.0GHz…. Trong số các lựa chọn vi xử lý trên, sẽ có một lựa chọn mà người mua không phải trả thêm tiền, vì mức giá đó đã bao gồm trong giá khởi điểm của sản phẩm.
Ngoài ra, nếu không hài lòng với vi xử lý đó, người mua sẽ chọn một vi xử lý khác như mong muốn, lúc này mức giá tổng sản phẩm sẽ thay đổi, theo cách mức giá khởi điểm cộng thêm mức giá của linh kiện đã được lựa chọn. Cứ như vậy, người mua sẽ tự tay lựa chọn linh kiện, thiết bị, xây dựng cấu hình cho sản phẩm sẽ mua. Giá các linh kiện được niêm yết rõ ràng, thông tin thanh toán, bảo hành, cam kết đều được công bố.
Thông thường khi nhà sản xuất tung ra một sản phẩm mới, nó chưa được bán ngay tại Việt Nam. Vì thế, hình thức đặt mua hàng trên website hãng có thể giúp những ai nôn nóng muốn có sản phẩm “hot” ngay.
Dù vậy, đây là cách mua hàng khá kỳ công, bởi phải sau một thời gian tương đối dài (khoảng 1 tháng, tùy từng hãng và tùy từng địa điểm giao hàng), hàng mới về đến nơi. Ngoài ra, rào cản về ngôn ngữ (website đều bằng tiếng Anh), phương thức thanh toán (thường bằng các loại thẻ tín dụng quốc tế), và các chi phí về thuế, thủ tục hải quan cũng là những hạn chế khiến người tiêu dùng ngại mua hàng theo cách này.
Hơn nữa, mua hàng theo cách này còn gặp khó khăn ở khâu bảo hành. Nếu hãng sản xuất có trung tâm bảo hành tại Việt Nam, mọi chuyện còn đơn giản. Ngược lại, nếu máy gặp trục trặc sẽ phải gửi máy ra tận nước ngoài, thời gian chờ đợi bảo hành và nhận lại máy sẽ lâu hơn. Hiện tại, HP và Lenovo đã có trung tâm bảo hành tại Việt Nam, còn hầu hết các hãng laptop đều chưa có.
Nắm bắt nhu cầu này của người tiêu dùng, một số công ty tại Việt Nam đã đứng ra với vai trò trung gian, giúp người dùng mua máy theo đúng cấu hình họ đặt và mua từ chính hãng sản xuất. Theo đó, người mua sẽ đặt cọc khoảng 30%-50% giá trị máy. Ngoài ra, số tiền bỏ ra sẽ cao hơn mức giá gốc trên website nhà sản xuất công bố khoảng 300 USD. Bù lại, người mua không phải lo các khoản chi phí về thuế hay vận chuyển. Chỉ cần đặt cọc và đến ngày lấy máy. Để giải quyết khó khăn về bảo hành, người mua có thể lựa chọn mua thêm gói bảo hành của hãng trung gian, thường chi phí khoảng 2% giá trị máy.
Hiện nay, một số công ty kinh doanh laptop tại Việt Nam thường tìm hiểu thị trường và tự xây dựng một số cấu hình – đây thường là cấu hình khá “khủng”, phù hợp với đối tượng chuyên làm về kỹ thuật, đồ họa hoặc game. Người tiêu dùng nếu muốn mua những mẫu máy này sẽ đặt cọc trước khoảng 500.000 đồng và chờ đến ngày lấy máy. Theo đại diện một công ty, nếu vì một lý do nào đó, khách hàng không lấy máy sẽ được hoàn lại tiền đặt cọc, vì thực tế, những sản phẩm này nhập về không nhiều và khá dễ bán.