Những ngày đầu năm 2021 đang chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các ứng dụng nhắn tin đa nền tảng tập trung vào sự riêng tư của người dùng. Có thể kể đến như trường hợp của Telegram và một cái tên mới nổi vốn cũng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm thời gian gần đây: Signal.
Cả Signal và Telegram đều đang đứng trong top đầu ứng dụng được download nhiều nhất trên các cửa hàng ứng dụng. Cả hai ứng dụng trò chuyện này đều hứa hẹn mang đến cho người dùng nhiều tính năng kiểm soát quyền riêng tư hơn so với WhatsApp, Facebook Messenger và một số phần mềm nhắn tin phổ biến khác hiện nay. Nhưng tất nhiên vẫn có một vài khác biệt lớn giữa cả hai.
Vậy giữa Signal và Telegram, đâu là ứng dụng phù hợp hơn với bạn? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ngay sau đây.
Điểm chung giữa Signal và Telegram
Cả Signal và Telegram đều nhấn mạnh chúng là các ứng dụng nhắn tin tập trung vào sự riêng tư và bảo mật của người dùng. Bên cạnh đó, cả hai đều không thuộc sở hữu của một công ty công nghệ lớn. Signal thuộc sở hữu của một tổ chức phi lợi nhuận, trong khi Telegram đến từ một công ty công nghệ quy mô khá nhỏ.
Cả Signal và Telegram đều là những ứng dụng trò chuyện đa nền tảng sở hữu tất cả các tính năng tiêu chuẩn, từ gửi nhãn dán đến gửi ảnh. Từ truyền tệp đến hỗ trợ cuộc gọi thoại và video.
Signal và Telegram đều miễn phí và bạn chỉ cần đăng ký tài khoản bằng một số điện thoại. Cả hai đều cung cấp các ứng dụng máy tính để bàn tùy chọn để bạn có thể trò chuyện trên hệ thống Windows PC, Mac hoặc Linux. Từ đó mang đến cho bạn tùy chọn trò chuyện trên máy tính với bàn phím chuyên dụng.
Signal sở hữu các tính năng bảo mật tốt hơn Telegram
Ngay từ đầu, Signal đã được định hướng phát triển nhắm tới việc đảm bảo tuyệt đối đến bảo mật, quyền riêng tư của người dùng. Tất cả các cuộc trò chuyện và giao tiếp ở mọi hình thức trên Signal đều được mã hóa đầu cuối giữa các thiết bị. Ngay cả Signal Foundation, đơn vị sở hữu Signal, thậm chí cũng không thể xem tin nhắn của bạn nếu chưa được phép.
Ở phía đối diện, Telegram cung cấp mã hóa end-to-end tùy chọn khi bạn bắt đầu một cuộc “Trò chuyện bí mật” (Secret Chat). Trong Signal, mọi thứ đều là “một cuộc trò chuyện bí mật” — theo mặc định. Tất cả các tin nhắn Telegram đều được mã hóa giữa bạn và máy chủ Telegram. Nhưng về ký thuyết, công ty đứng sau vận hành nền tảng Telegram hoàn toàn có thể xem tin nhắn của bạn trên máy chủ của họ nếu thích — trừ khi bạn kích hoạt tính năng “Trò chuyện bí mật”.
Ngoài ra, trong Telegram, bạn cũng không thể tạo một nhóm “Trò chuyện bí mật”. Bạn chỉ có thể nhận mã hóa đầu cuối trong cuộc trò chuyện giữa hai người. Ngược lại, Signal hỗ trợ cả các cuộc trò chuyện nhóm được mã hóa.
Tất cả các cuộc trò chuyện trên Signal chỉ được lưu trữ trên thiết bị của bạn theo mặc định. Trong Telegram, chúng được lưu trữ trên máy chủ của Telegram và có thể được đồng bộ hóa giữa các thiết bị của bạn. (Bạn vẫn có thể sử dụng Signal giữa nhiều thiết bị và đồng bộ hóa tin nhắn từ thiết bị này sang thiết bị khác. Nhưng không thể đăng nhập vào Signal trên web và tìm thấy tất cả các cuộc trò chuyện mà mình đang thực hiện trên smartphone tại đó).
Signal là một nền tảng mã nguồn mở hoàn toàn — cả mã cho máy khách và mã cho máy chủ Signal đều có thể được tìm thấy trên GitHub. Mã cho các ứng dụng của Telegram là mã nguồn mở, nhưng phần mềm máy chủ của Telegram không phải lại là nguồn mở.
Một số nhà nghiên cứu bảo mật đã lập luận rằng giao thức mã hóa của Signal tốt hơn và bền hơn so với giao thức mã hóa MTProto của Telegram. Tuy nhiên, đây hiện vẫn là một chủ đề phức tạp và gây tranh cãi.
Telegram hỗ trợ một số tính năng thú vị mà Signal không có
Mặc dù Signal có lợi thế rõ ràng khi nói đến quyền riêng tư, nhưng Telegram lại cung cấp nhiều tính năng tiện dụng mà Signal không có.
Trong Telegram, bạn có thể tạo một cuộc trò chuyện nhóm với tối đa 200.000 người tham gia. Trong khi trường hợp tương tự đối với Signal chỉ là 1000 người.
Trong Telegram, bạn có thể truyền các tệp có kích thước lên đến 2GB. Trong Signal, bạn chỉ có thể chuyển các tệp có kích thước tối đa 100MB.
Telegram cung cấp tính năng đồng bộ hóa tin nhắn với bộ nhớ đám mây — bạn thậm chí có thể đăng nhập vào Telegram trên web và tiếp tục các cuộc trò chuyện của mình cực kỳ tiện lợi. Trong khi ở phía đối diện, tất cả các cuộc trò chuyện Signal đều được lưu trữ cục bộ trên thiết bị của bạn.
Telegram cho phép bạn thêm bot vào các cuộc trò chuyện, nhưng cũng đồng nghĩa các cuộc trò chuyện như vậy sẽ ít mã hóa riêng tư hơn. Ngược lại, Signal không hỗ trợ bot có thể tương tác với các cuộc trò chuyện.
Nhìn chung, ứng dụng Telegram cũng có giao diện sáng sủa, trực quan hơn, với nhiều gói nhãn dán, ảnh động và hình nền có thể tùy chỉnh cho các cuộc trò chuyện của người dùng - hơn hẳn so với Signal mới ra mắt.
Signal vs Telegram: Bạn chọn nền tảng nào?
Nếu bạn là người quan tâm đặc biệt đến sự riêng tư trên các nền tảng nhắn tin trực tuyến, hãy chọn Signal - một ứng dụng hướng tới sự riêng tư đến mức có phần cực đoan. Ngoài ra, Signal dù mới ra mắt nhưng cũng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và đánh giá tích cực từ cộng đồng người dùng.
Nếu bạn cũng quan tâm đến sự riêng tư, nhưng đồng thời cùng cần đến những tính năng hỗ trợ hữu ích như đã nêu phía trên, Telegram sẽ là sự lựa chọn hợp lý. Hơn nữa, công đồng người dùng Telegram cũng lớn hơn so với Signal, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Tất nhiên, việc bạn chọn sử dụng ứng dụng nào cùng còn phải phụ thuộc vào việc bạn bè, người thân, đồng nghiệp và những người khác mà bạn muốn trò chuyện cùng đang dùng nền tảng nào. Bạn thậm chí có thể sử dụng cả hai để nói chuyện với những người khác nhau. Hãy thử trải nghiệm xem sao!
Cuối cùng, Signal và Telegram đều đánh bại tuyệt đối WhatsApp và Facebook Messenger khi nói đến quyền riêng tư. Không ứng dụng nào được liên kết với Facebook như WhatsApp và Facebook Messenger. Ngoài ra, cả Signal và WhatsApp đều an toàn hơn nhiều so với SMS, vốn cho phép nhà cung cấp dịch vụ di động của bạn xem mọi tin nhắn mà bạn gửi và nhận.