Mặc dù được đánh giá là một đơn vị đi đầu về triển khai công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, tuy nhiên lĩnh vực tổ chức lưu trữ thông tin, an toàn và bảo mật của ngành tài chính vẫn còn sơ khởi.
Nhu cầu rất lớn
Ngành tài chính hiện có hơn 1.100 mạng LAN, gần 2.000 máy chủ và khoảng 40 chương trình ứng dụng triển khai các hoạt động tác nghiệp trên toàn quốc. Hệ thống thông tin kho bạc kết nối mạng Kho bạc Nhà nước với 64 tỉnh, thành, 620 huyện, phục vụ hơn 7.000 người sử dụng.
Nhằm phục vụ công tác quản lý và điều hành, Bộ Tài chính đã xây dựng và tổ chức lưu trữ năm kho cơ sở dữ liệu (CSDL) với nguồn dữ liệu được thu thập từ các ứng dụng tác nghiệp của ngành. Chỉ tính riêng lĩnh vực Thuế, kho CSDL đối tượng nộp thuế đã lưu trữ thông tin của trên 1,8 triệu đối tượng nộp thuế. Ngoài ra, kho CSDL đối tượng sử dụng ngân sách lưu trữ thông tin là trên 63.000 đối tượng.
Nhu cầu lưu trữ và bảo mật dữ liệu của các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính là rất lớn, từ Cục Tin học và Thống kê Tài chính, Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến Tổng cục Hải quan.
Tổ chức dữ liệu trong hệ thống KBNN gồm ba cấp: KBNN lưu trữ dữ liệu của văn phòng KBNN và các tỉnh; cấp tỉnh lưu trữ dữ liệu văn phòng KBNN cấp tỉnh và các huyện trực thuộc; cấp huyện lưu trữ dữ liệu của KBNN huyện. Dung lượng dữ liệu nghiệp vụ 1TB (Tera Byte), độ lớn dữ liệu hệ thống 2TB và dữ liệu sao lưu dự phòng: 5TB.
Dung lượng dữ liệu cần lưu trữ ở cơ quan Tổng cục Thuế vào khoảng 20GB, ngoài việc lưu trữ 8GB dữ liệu phần mềm hệ thống, tệp dữ liệu văn bản, hệ thống cơ sở dữ liệu thực tế 12GB. Đối với một Cục Thuế trung bình (cả nước hiện có 64 Cục Thuế), riêng CSDL đang hoạt động cũng đã lên tới 8-10GB, các loại dữ liệu khác khoảng 3-5GB. Dự kiến dung lượng dữ liệu lưu trữ gia tăng hàng năm từ 10-20%.
... Áp dụng thủ công
Với đặc điểm triển khai rất rộng và có nhiều cấp, nên việc xây dựng dữ liệu trong ngành Tài chính bị phân mảnh và thiếu tính liên kết. Bên cạnh đó, công tác lưu trữ dữ liệu phục vụ cho các phân tích, nghiên cứu cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Vì dữ liệu dàn trải, ngành tài chính đã sớm triển khai giải pháp tổng thể ATBM hệ thống thông tin tài chính nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu. Tuy nhiên, các giải pháp công nghệ, các phương án triển khai cụ thể trên từng lĩnh vực vẫn còn đang rất vướng, cả về cơ chế chính sách lẫn vấn đề công nghệ an toàn bảo mật.
Trong khi đó, việc bảo quản dữ liệu ở KBNN còn mang tính thủ công, dữ liệu lưu trữ gắn liền với ứng dụng chưa tạo thành kho dữ liệu. Sao lưu dữ liệu nhằm mục đích dự phòng là chủ yếu. Công tác quản trị dữ liệu còn yếu, tính bảo mật không cao. Việc tập hợp, lưu trữ và quản lý dữ liệu cũng gặp nhiều khó khăn. Xử lý, khôi phục dữ liệu ở cấp huyện khi có sự cố thiết bị còn nhiều lúng túng. Thiết bị sử dụng để lưu trữ có nhiều loại, không đồng bộ. Chưa có giải pháp tổng thể về lưu trữ và an toàn bảo mật.
Đối với các Cục Thuế, công tác sao lưu - khôi phục dữ liệu đang là một vấn đề đáng quan tâm. Việc sao lưu ra ổ Tape, sao lưu ra các máy tính đơn lẻ chỉ là giải pháp tình thế. Khả năng khôi phục trở lại các dữ liệu đã sao lưu cũng đang là một thách thức đối với ngành thuế mà nguyên nhân xuất phát từ thực tế không thể đầu tư dàn trải đến tất cả các cơ quan thuế hệ thống máy chủ dự phòng.
Công nghệ hay hiệu quả?
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ lựa chọn một số công nghệ cho giải pháp trung tâm dự phòng thảm hoạ, tổ chức hệ thống lưu trữ cho các đơn vị trung ương, địa phương, và nghiên cứu một số vấn đề về xác thực, chữ ký điện tử, mã hoá, đảm bảo an ninh hệ thống mạng.
Với sự phát triển về số lượng và dung lượng của hệ thống CSDL và yêu cầu xử lý trực tuyến đối với các ứng dụng phục vụ đối tượng nộp thuế trên mạng Internet, bên cạnh việc tăng cường biện pháp sao lưu trực tuyến đối với các CSDL, việc lựa chọn công nghệ cao, có độ ổn định và tính năng dự phòng đối với máy chủ, máy trạm, các thiết bị, giải pháp lưu trữ là một nhu cầu cấp thiết của ngành thuế.
Nhu cầu và những định hướng đặt ra đối với công tác lưu trữ, an toàn bảo mật đã rõ. Vấn đề còn lại là lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp với thực tế của các đơn vị trong ngành tài chính và có được hiệu quả tốt nhất. Với việc lần đầu tiên tổ chức Hội thảo Lưu trữ, an ninh bảo mật và hệ thống mạng trong ngành tài chính, lãnh đạo Bộ Tài chính hy vọng sẽ tìm ra được giải pháp ứng dụng công nghệ về lưu trữ, bảo mật cụ thể cho từng lĩnh vực cần triển khai của ngành Tài chính.
Hội thảo và triển lãm CNTT-Truyền thông 2004 trong ngành tài chính sẽ chính thức khai mạc sáng 28/9 tại Hà Nội.