Cách hẹn giờ bật Linux tự động

Chắc hẳn bạn đã biết có thể đưa máy tính về chế độ Sleep để tiết kiệm đáng kể năng lượng hoặc pin trên máy tính xách tay. Một thiết bị chạy bằng pin có thể duy trì trong nhiều ngày ở chế độ chờ vì lượng năng lượng tiêu thụ trong trạng thái này là vô cùng thấp.

Người dùng có thể "đánh thức" máy tính bất cứ lúc nào bằng cách nhấn nút nguồn hoặc bất kỳ phím nào trên bàn phím. Nhưng nếu muốn nó tự động “thức dậy” vào một thời điểm nhất định thì sao? Nguyên nhân của việc này có thể là người dùng muốn tự động hóa một số tác vụ nhất định, chẳng hạn như tải xuống một cái gì đó vào lúc 4 giờ sáng, khi tốc độ Internet có thể cao hơn nhiều so với các thời điểm khác trong ngày. Với một chút “ma thuật” từ dòng lệnh, người dùng có thể hẹn giờ bật máy tính Linux tự động, thực hiện một số công việc rồi lại "ngủ" tiếp.

Bên cạnh việc bật lại từ chế độ chờ, sẽ hữu ích hơn khi tắt hoàn toàn máy tính và bật nguồn vào những thời điểm nhất định. Hibernation (Chế độ ngủ đông) cũng được hỗ trợ, nhưng các hệ thống Linux sử dụng driver độc quyền lại thường không “thức dậy” từ chế độ ngủ đông đúng cách.

Kiểm tra xem máy tính có hỗ trợ các tùy chọn “đánh thức” không

Phần lớn các máy tính sẽ hỗ trợ các tùy chọn "đánh thức" nhưng rất có thể một số máy tính không có phần cứng phù hợp để thực hiện việc này. Có thể thực hiện kiểm tra nhanh bằng cách mở terminal và nhập lệnh sau:

sudo rtcwake -m mem -s 30

Máy tính sẽ đi vào chế độ Sleep và “thức dậy” sau 30 giây. Nếu muốn thiết bị ở chế độ chờ lâu hơn, hãy tăng con số 30 lên một giá trị lớn hơn.

Ngoài ra, hãy kiểm tra xem máy tính có hỗ trợ tính năng “đánh thức” sau khi tắt máy hoàn toàn không.

sudo rtcwake -m off -s 60

Về tham số -m off, phần hướng dẫn sử dụng thường đề cập đến nội dung: “Not officially supported by ACPI, but it usually works”. (Không được ACPI hỗ trợ chính thức, nhưng thường vẫn hoạt động).

Nếu kernel, các driver và phần cứng đều tương thích với nhau, sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Nếu các bộ định thời không được hỗ trợ, thì có thể là do phần cứng và/hoặc cấu hình BIOS/UEFI không đáp ứng yêu cầu. Bạn cũng có thể thử nâng cấp một số driver hoặc chuyển đổi từ driver độc quyền sang driver nguồn mở. Biết đâu chúng sẽ giải quyết được vấn đề. Hoặc còn một cách khác là thử cài đặt kernel mới.

Như đã đề cập trước đây, chế độ ngủ đông có những vấn đề không liên quan đến lệnh rtcwake. Trong hầu hết mọi trường hợp nó sẽ hoạt động tốt nhưng thỉnh thoảng cũng có những lần không thành công. Khi thất bại, màn hình sẽ vẫn tối đen hoặc hiển thị một thông báo lỗi.

Cách sử dụng lệnh rtcwake

Cách sử dụng cơ bản của lệnh rất đơn giản: Chọn phương pháp tiết kiệm năng lượng và thời gian máy tính “thức dậy”. Trong lệnh trước, tham số -s đã được sử dụng để chỉ định số giây trước khi máy tính bật lại. Nhưng thông thường, người dùng sẽ muốn chỉ định thời gian tuyệt đối, chẳng hạn như 9 giờ sáng mai. Để làm điều đó, hãy sử dụng tham số --date thay vì -s.

Tham số rtcwake Date

sudo rtcwake -m mem --date 09:00

Lưu ý: Không phải tất cả phần cứng đều hỗ trợ cài đặt thời gian bật lại sang ngày hôm sau. Người dùng sẽ phải kiểm tra xem nó có hoạt động với thiết bị cụ thể của mình hay không.

Thời gian được đặt ở định dạng 24 giờ. Ảnh chụp màn hình bên dưới hướng dẫn sử dụng lệnh rtcwake với các tùy chọn khác nhau để đặt thời gian và ngày để máy tự bật lại.

rtcwake

“YYYY-MM-DD hh:mm”: năm, tháng, ngày, giờ và phút. Ví dụ:

--date 2020-02-28 15:00

có nghĩa là 3 giờ chiều ngày 28 tháng 2 năm 2020.

Test thử lệnh rtcwake

Bạn có thể thêm một tham số khác vào rtcwake, -n, để hiển thị thời gian hẹn giờ bật máy.

sudo rtcwake -m mem --date +12hours -n

Đây là lệnh “dry run” (chạy thử), nó không thực sự hẹn giờ mà chỉ “giả vờ” làm điều đó. Việc thêm tham số -n rất hữu ích khi bạn muốn kiểm tra xem thông số liên quan đến ngày đã đặt có đúng không. Một khi chắc chắn rằng thông số này đúng, chỉ cần bỏ tham số -n trong lệnh để đặt thời gian “đánh thức” thực là xong.

Phương pháp tiết kiệm năng lượng với rtcwake

Các tùy chọn có liên quan đến tham số -m là:

  • -m mem - Chế độ chờ bình thường, điều mà người dùng đã quen thuộc trong menu Shutdown.
  • -m disk - Chế độ ngủ đông, lưu nội dung bộ nhớ vào thiết bị lưu trữ. Không khuyến khích khi sử dụng driver độc quyền.
  • -m off - Tắt máy bình thường.
  • -m disable - Hủy bỏ hẹn giờ đã đặt trước đó.
  • -m no - Không bật hoặc đặt máy chế độ chờ, chỉ cần đặt sự kiện “đánh thức”. Ví dụ, bạn có thể đặt thời gian máy tính “thức dậy” vào sáng mai, sau đó tiếp tục làm việc trên máy tính của mình. Khi bạn thực hiện xong, hãy tắt máy bình thường và thiết bị sẽ tự động bật nguồn vào buổi sáng.
  • -m show - Hiển thị các sự kiện “đánh thức” (báo thức được đặt trước đó) hiện đang hoạt động.

Bạn có thể tìm ra những cách sáng tạo để sử dụng lệnh rtcwake. Bằng cách này, người dùng có thể bỏ qua quá trình khởi động nhàm chán (điều này có thể mất hơn một phút trên một số hệ thống). Bạn cũng có thể cài đặt một tiện ích, chẳng hạn như at, để tự động hóa các tác vụ mà máy tính chạy sau khi thức dậy.

Chúc bạn thành công!

Xem thêm:

Thứ Năm, 27/12/2018 11:07
51 👨 2.337
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Linux