Để có những tấm ảnh đẹp dịp Tết 2017

Ngày Tết, vạn vật đều thay đổi theo hương sắc mùa xuân. Đây cũng là lúc thích hợp nhất để bạn ghi lại những giây phút và cảnh sắc vui tươi của con người và đất trời. Một số chú ý sau sẽ giúp bạn có được những bức ảnh đẹp trong ngày xuân...

1. Nên chọn những ngày đầu khai mạc

Nếu có ý định đi chụp ảnh ở những hội chợ hoa, bạn nên chuẩn bị, sắp xếp kỹ lưỡng trước khi chụp ảnh cho cả gia đình để có được những tấm ảnh đẹp. Thời điểm lý tưởng để đi chụp ảnh là những ngày đầu khai mạc. Lúc này, các loại hoa, hiện vật trưng bày còn rất tươi, rất đẹp chưa bị “xuống cấp” sự “nồng nhiệt” quá mức của khách tham quan. Bạn sẽ dễ chọn lựa được vị trí đẹp để chụp ảnh, tránh được cảnh chen lấn và bị “vướng” người qua lại trong ảnh vì lượng khách tham quan không nhiều bằng thời điểm vào Tết.

Chụp ảnh Tết trong những ngày đầu khai mạc

Bạn có thể muốn đọc thêm:

2. Chụp với ánh sáng tự nhiên lúc ban ngày

Chỉ có ánh sáng tự nhiên lúc ban ngày mới giúp bạn cảm nhận được hết hương sắc của các loài hoa trong vườn hoa ngày Xuân, màu sắc của ảnh chụp mới tươi tắn, rực rỡ, đúng sắc độ của thiên nhiên. Vì thế, hãy chụp khi trời còn sáng và nhớ chụp ở ngoài trời. Khoảng thời gian từ 7 giờ đến 10 giờ sáng là lý tưởng nhất, ánh mặt trời chiếu chếch rất đẹp, thời tiết còn dịu mát, mọi người khi được chụp ảnh luôn tự nhiên, tươi tỉnh và thoải mái. Quá thời gian này, thời tiết sẽ rất nóng bức với nắng gắt, ánh nắng rất chói chang và chiếu từ trên đỉnh đầu xuống thường gây ra bóng che lấp khuôn mặt, màu sắc của ảnh chụp cũng không được đẹp vì độ tương phản cao, chưa kể người được chụp sẽ bị hốc hác, nhăn mặt, mắt nheo lại vì chói.

Chụp ảnh Tết với ánh sáng ban ngày

3. Tránh hiện tượng ảnh bị “ám sắc”

Ánh sáng luôn thay đổi theo thời khắc trong ngày, không chỉ đổi hướng mà còn thay đổi cả màu sắc nữa. Ánh sáng mặt trời có màu trắng vào buổi sáng, ngả dần sang màu khi về chiều, cuối cùng chuyển sang cam lúc hoàng hôn. Nếu chụp ảnh vào buổi chiều trở đi, ảnh chụp sẽ bị ám sắc vàng của ánh sáng mặt trời.

Ngoài ra, khi chụp ảnh chân dung hoặc bán thân dưới ánh nắng, nếu người được chụp cầm ô che nắng hoặc mặc áo có màu sắc rực rỡ và chói quá, hoặc khi họ cúi mặt gần sát những đóa hoa thì màu sắc của chiếc ô, chiếc áo, của những bông hoa cũng sẽ làm cho khuôn mặt của họ bị “ám sắc” (màu sắc bị sai lệch đi: đỏ hơn, vàng hơn bởi màu của chiếc ô, chiếc áo, của những đóa hoa). Để tránh trường hợp này, bạn hãy bấm chụp lúc trời dịu nắng, cường độ chiếu sáng vừa phải (mây che mặt trời) hoặc tốt hơn cả cho chủ đề đứng trong bóng râm.

4. Chú ý hậu cảnh

Rất nhiều người khi quan sát trong khung ngắm để lấy bố cục, họ chỉ chú ý vào đối tượng được chụp nhưng chẳng để ý quan sát hậu cảnh ở phía sau chủ thể. Khi xem lại ảnh chụp mới phát hiện những lỗi “vặt vãnh”, khó chấp nhận được ở phía sau chủ thể. Chẳng hạn như người bán hàng rong, thùng rác công cộng, tấm bảng “cấm hái hoa” (“cấm đi trên cỏ”; “WC”), các bịch ni lông, bao bì bánh kẹo mà người khác vất bừa bãi ở dưới đất hoặc ghế đá công viên có người đang ngồi với tư thế “không được đẹp” cho lắm...

5. Đừng để nhân vật chính bị bé quá

Khi chụp ảnh lưu niệm lấy cả người và cảnh, chắc chắn bạn sẽ gặp tình huống ảnh chụp tuy lấy được trọn vẹn cảnh vật xung quanh như những cây mai cổ thụ, nhà thờ Đức Bà, chùa Vĩnh Nghiêm, quảng trường UBND TP, các tòa cao ốc trên phố... nhưng nhân vật chính trong ảnh bé xíu. Làm thế nào để vẫn lấy “đầy khung ngắm” người được chụp lẫn cảnh vật xung quanh? Giải quyết vấn đề này thật là đơn giản. Đầu tiên, bạn hãy di chuyển và canh máy để lấy được trọn vẹn cảnh vật xung quanh. Sau đó, thay vì sắp đặt người được chụp đứng ngay dưới tượng đài, công trình kiến trúc (như thói quen thường gặp ở nhiều người) bạn bảo họ di chuyển về phía máy ảnh, đến khi bạn thấy hình ảnh của họ trong khung ngắm “đủ lớn” thì dừng lại và tạo dáng. Lúc này, bạn mới bấm chụp. Bảo đảm là tấm ảnh của bạn sẽ có được tấm ảnh như mong muốn.

6. Dùng chế độ macro để đặc tả các bông hoa

Muốn có được những ảnh chụp đặc tả các bông hoa thật ấn tượng như thường thấy trên các tấm bưu thiếp, bạn phải sử dụng chế độ chụp của máy ảnh về macro mode. Muốn vậy, bạn hãy tìm biểu tượng macro trên các nút chức năng hoặc từ bảng menu của máy ảnh (biểu tượng một đóa hoa có 3 cánh) để kích hoạt nó (On). Đưa ống kính tới sát đóa hoa ở khoảng cách cho phép (có ghi rõ trong tài liệu đi kèm với máy ảnh), canh nét thật kỹ càng (vì ở chế độ macro, khoảng rõ trước và sau đối tượng được chụp rất hẹp), lấy bố cục, giữ máy chặt và bấm chụp.

Chụp hoa tết

7. Canh dọc hay ngang?

  • Canh dọc: Để có một bức ảnh khung dọc, khi chụp phải xoay thẳng đứng máy ảnh, thường áp dụng khi chụp những vật thể cao, như tượng đài, tòa tháp, chụp nhà cao tầng hay một người riêng lẻ. Ưu điểm của cách chụp canh dọc là giúp ảnh có chiều sâu và bố cục chặt chẽ hơn.
  • Canh ngang: Cách chụp này thường được áp dụng khi chụp toàn cảnh, phong cảnh rộng hoặc chụp một nhóm nhiều người. Để chụp ảnh có khung ngắm ngang, chỉ cần xoay máy ảnh nằm ngang khi chụp. Ưu điểm của ảnh canh ngang là trông cảnh trong ảnh thật hơn.

Chụp ảnh canh ngang

Nói chung, đây chỉ là cách chụp thường được áp dụng, bạn có thể thay đổi theo ý thích để tạo ra những bức ảnh độc đáo, sáng tạo. Ví dụ, chụp một người với khung ảnh ngang để lấy được nhiều cảnh hơn, thử chụp dọc những đối tượng hay được chụp ngang để có thêm những khám phá mới.

8. Chọn nguồn sáng

  • Nguồn sáng thuận: Là ánh sáng chiếu thẳng vào mặt người được chụp. Ảnh chụp với nguồn sáng này thường có màu sắc đẹp, rõ ràng, sắc nét. Xong nếu nguồn sáng thuận là nắng gắt thì sẽ khiến người được chụp nheo mắt, bạn nên chọn một nguồn sáng khác hoặc thời điểm chụp khác.
  • Nguồn sáng chếch: Ánh sáng chỉ chiếu vào một phía của đối tượng cần chụp (bên trái hoặc phải). Ưu điểm của của nguồn sáng này là giúp ảnh có chiều sâu hơn, làm rõ được chi tiết muốn nhấn mạnh, do sự tương phản ánh sáng trên ảnh. Nhược điểm là có thể bị thiếu ánh sáng và cần người chụp phải có nhiều kinh nghiệm mới có thể canh được bức ảnh đẹp.
  • Nguồn sáng ngược: Ánh sáng chiếu thẳng vào ống kính, và đến từ phía sau người được chụp. Nguồn sáng này thường được chọn để chụp ảnh chân dung do tạo được viền sáng quanh đối tượng được chụp, khuôn mặt có được vẻ tự nhiên do không bị ảnh hưởng của ánh sáng. Dùng để chụp những loại hoa có vẻ đẹp mỏng manh cũng rất phù hợp. Nhược điểm của nguồn sáng này chính là đối tượng chụp sẽ bị tối, cần bổ sung thêm sáng hoặc che bớt ánh sáng chiếu vào ống kính. Thường thì chỉ những người có kinh nghiệm cầm máy lâu ngày mới có khả năng xử lý ảnh dưới nguồn sáng này.

Chụp ảnh ngược sáng

9. Chụp càng nhiều ảnh càng tốt

Chụp thật nhiều ảnh cùng một đối tượng, khung cảnh, góc độ sẽ giúp bạn có cơ hội chọn ra được tấm ảnh ưng ý nhất. Để làm được điều này, trước khi đi chụp, bạn nên xử lý thẻ nhớ trước. Lưu lại những dữ liệu cần thiết ra ổ cứng máy tính hoặc xóa những bức ảnh không cần thiết để có thêm không gian lưu trữ cho những bức ảnh mới.

Hy vọng với những lưu ý này, bạn sẽ có được nhiều ảnh chụp đẹp để khoe với mọi người trong ngày Tết!

Thứ Tư, 18/01/2017 09:16
51 👨 1.790
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chụp ảnh - Quay phim