Một cổng Thunderbolt 3 có thể được sử dụng để kết nối một loạt các loại thiết bị ngoại vi với máy tính. Đúng như tên gọi, Thunderbolt rất nhanh, nhưng quan trọng hơn, cổng Thunderbolt rất linh hoạt và sử dụng đầu nối USB-C phổ biến để kết nối với hầu hết các thiết bị.
Trong số tất cả những loại thiết bị ngoại vi được Thunderbolt hỗ trợ, bài viết đã quyết định kiểm tra 6 loại thiết bị hàng đầu mà bạn có khả năng kết nối với cổng Thunderbolt của máy tính.
Kết nối một hoặc nhiều màn hình
Thunderbolt 3 hỗ trợ kết nối nhiều màn hình với máy tính bằng cách gửi dữ liệu video qua cáp Thunderbolt bằng các tiêu chuẩn video DisplayPort 1.2. Điều này cho phép bạn kết nối bất kỳ màn hình nào sử dụng DisplayPort hoặc một trong các loại kết nối tương thích, chẳng hạn như DisplayPort mini.
Thunderbolt 3 hỗ trợ kết nối hai màn hình 4K ở tốc độ 60 khung hình/giây, một màn hình 4K ở tốc độ 120 khung hình/giây hoặc 1 màn hình 5K ở tốc độ 60 khung hình/giây.
Thunderbolt không dừng lại với việc kết nối các màn hình hỗ trợ DisplayPort. Với adapter cáp phù hợp, màn hình HDMI và màn hình VGA cũng được hỗ trợ.
Mạng hiệu suất cao
Thunderbolt hỗ trợ các giao thức mạng Ethernet. Điều này không chỉ có nghĩa là bạn có thể sử dụng cáp chuyển đổi Thunderbolt sang Ethernet để kết nối với mạng Ethernet 10Gb, mà còn có thể sử dụng cáp Thunderbolt để kết nối hai máy tính với nhau ở tốc độ tối đa 10Gbs, trong một mạng ngang hàng siêu nhanh.
Sử dụng tùy chọn kết nối mạng ngang hàng là một cách tuyệt vời để nhanh chóng sao chép một lượng lớn dữ liệu giữa hai máy tính, chẳng hạn như khi bạn nâng cấp lên máy tính mới và cần chuyển dữ liệu cũ. Không còn phải chờ qua đêm để việc sao chép hoàn tất.
Lưu trữ dựa trên Thunderbolt
Thunderbolt 3 cung cấp tốc độ truyền dữ liệu lên tới 40Gbps, khiến nó trở thành một công nghệ rất hấp dẫn để sử dụng trong các hệ thống lưu trữ hiệu năng cao.
Các hệ thống lưu trữ dựa trên Thunderbolt có sẵn ở nhiều định dạng, bao gồm các thiết bị chạy bằng bus đơn có thể được sử dụng để khởi động máy tính, đồng thời thường cung cấp hiệu suất tốt hơn so với những ổ khởi động bên trong.
Tất nhiên, bạn không phải tìm kiếm hệ thống con lưu trữ hiệu năng cao nhất. Thunderbolt 3 có thể cho phép bạn sử dụng một số lượng lớn các ổ đĩa tương đối rẻ tiền để tạo ra một kho lưu trữ dữ liệu được bảo vệ lớn. Khi nhu cầu điện toán yêu cầu bộ nhớ khả dụng cao, Thunderbolt 3 có thể giúp đáp ứng những nhu cầu đó.
Bộ nhớ USB
Thunderbolt 3 hỗ trợ nhiều giao thức kết nối. Cho đến nay, ta đã thấy các nhu cầu lưu trữ hiệu năng cao và video có thể được xử lý như thế nào. Thunderbolt 3 cũng bao gồm hỗ trợ cho USB 3.1 Gen 2, cũng như các phiên bản USB trước đó.
USB 3.1 Gen 2 cung cấp tốc độ kết nối lên tới 10Gbps, nhanh như thông số kỹ thuật Thunderbolt ban đầu, cũng như chắc chắn đủ cho hầu hết các nhu cầu lưu trữ và kết nối bên ngoài, sẽ đáp ứng mong mỏi của nhiều người có nhu cầu đa phương tiện.
Các kết nối với những thiết bị dựa trên USB chỉ sử dụng cáp USB-C tiêu chuẩn, đôi khi được bao gồm với những thiết bị ngoại vi USB. Điều này, cùng với chi phí thấp hơn cho những thiết bị ngoại vi USB 3.1, khiến các cổng Thunderbolt 3 trên máy tính rất đáng mong đợi.
Tốc độ 10Gbps của USB 3.1 Gen 2 khiến các hệ thống lưu trữ sử dụng công nghệ này trở nên hấp dẫn vì chúng có băng thông để sử dụng đầy đủ các ổ SSD dùng kết nối SATA III. Kiểu kết nối này cũng là một lựa chọn tốt cho các RAID enclosure (chassis để gắn các ổ vật lý) hai khoang cho ổ đĩa tiêu chuẩn hoặc ổ SSD.
Đồ họa gắn ngoài
Mọi người có xu hướng nghĩ Thunderbolt 3 chỉ là một sợi cáp đơn giản có thể hoạt động ở tốc độ cao. Nhưng công nghệ đằng sau cổng Thunderbolt dựa trên hệ thống bus PCIe 3 (Peripheral Component Interconnect Express) được sử dụng để kết nối các thành phần máy tính với nhau.
Một trong những thành phần thường sử dụng hình thức kết nối này là card đồ họa hoặc GPU bên trong máy tính.
Có khả năng kết nối card đồ họa ngoài với máy tính cho phép bạn dễ dàng nâng cấp đồ họa. Điều này đặc biệt đúng với máy tính xách tay và hệ thống máy tính tất cả trong một, rất khó (nếu không muốn nói là không thể) nâng cấp.
Thêm card đồ họa ngoài chỉ là một cách mà công nghệ này trở nên hữu ích. Một cách khác là sử dụng bộ tăng tốc đồ họa ngoài, hoạt động với các ứng dụng chuyên nghiệp để tăng tốc một số tác vụ phức tạp, chẳng hạn như kết xuất được sử dụng trong việc tạo mô hình 3D, hình ảnh, v.v...
Dock
Ví dụ cuối cùng là Dock Thunderbolt. Các dock có sẵn với số lượng và loại cổng khác nhau. Trong hầu hết các trường hợp, Dock sẽ có một số cổng USB 3.1, DisplayPort, HDMI, Ethernet, đường truyền vào và ra, S/PDIF quang, tai nghe, cũng như cổng Thunderbolt 3 để bạn có thể nối chuỗi các thiết bị Thunderbolt bổ sung.
Những nhà sản xuất Dock khác nhau có sự pha trộn các cổng riêng. Một số có thể thêm các interface FireWire cũ hơn hoặc các khe đọc thẻ, do đó, nên xem qua các đề xuất của mỗi nhà sản xuất để có được các cổng mà bạn cần nhất.
Dock cũng cung cấp tính linh hoạt, cho phép bạn có nhiều điểm kết nối có thể được sử dụng đồng thời, giảm bớt nhu cầu cắm và rút một số adapter cáp để kết nối với thiết bị ngoại vi bạn cần.