Cốc Cốc - Trình duyệt web phổ biến nhất Việt nam

Nhắc tới trình duyệt Internet mà không nhắc tới Cốc Cốc thì quả là một thiếu sót lớn. Sản phẩm mang đậm chất Việt này được ra đời cách đây khoảng 2 năm (tháng 5/2013) nhưng cho tới nay, thị phần của nó đã chiếm ngang ngửa thậm chí là vượt qua cả những ông lớn như Firefox.

Cốc Cốc - Trình duyệt web của người Việt, cho người Việt

Một con số khiến không ít người, thậm chí là chính nhóm phát triển bị bất ngờ, đó là chỉ sau 9 tháng ra mắt (tháng 5/2013), Cốc Cốc đã nhanh chóng lọt vào TOP 3 trình duyệt phổ biến nhất Việt Nam, và 6 tháng sau nó đã vươn lên vị trí thứ 2, vượt trên cả Facebook và chỉ đứng sau Google Chrome. Có lẽ chính vì mục tiêu phục vụ "người nhà", và trở thành trình duyệt số 1 Việt Nam mà Cốc Cốc đã xác định trước mình cần gì, phải có những gì để đáp ứng, phục vụ khách hàng trong nước.

Chắc chẳng ai có thể tin nổi một sản phẩm còn chưa hề được biết tới lại dám ngang nhiên tuyên chiến với đối thủ nặng ký, đang nắm tới 95% thị trường tìm kiếm tại Việt nam, là Google. Tuy nhiên, 3 chàng trai người Việt Nam (đồng sáng lập ra Cốc Cốc), những người từng bị gọi là "hoang tưởng" khi tuyên bố cạnh tranh với Google này, từ một cuộc gặp gỡ tình cờ trong ký túc xá tại Nga, đến nay đã tạo ra một cột mốc lịch sử, một cuộc "soán ngôi đầy ngoạn mục" với "gã khổng lồ" Firefox.

Từ năm 2007 cho tới năm 2010, để có được thành công như hiện nay, Cốc Cốc đã trải qua khá nhiều thăng trầm, cho đến khi được sự tài trợ từ Yandex - đối thủ đã đánh bật Google ra khỏi “thị trường tìm kiếm” tại Nga. Từ đó, với sự cộng tác của những người bạn cùng chung chí hướng, Cốc Cốc đã ngày càng phát triển, và tham vọng trở thành “công cụ tìm kiếm số 1 Việt Nam” cũng ngày càng được thể hiện rõ hơn.

Theo kết quả đánh giá mới đây, trình duyệt này đã có tới hơn 90.000 lượt tải hàng ngày và đã có lúc lượng tìm kiếm đạt kỷ lục 4,2 triệu người. Với những người còn chưa tin, hay cho rằng đây chỉ là “con số ảo” nhằm tự “lăng-xê” thì có lẽ thông tin mới đây, tập đoàn truyền thông hàng đầu của Đức là Hubert Burda Media đã quyết định đầu tư vào Cốc Cốc 14 triệu USD, sẽ đủ sức để đánh tan mọi nghi ngờ trước đó.

Được biết, Hubert Burda Media là một tập đoàn truyền thông tư nhân ở Đức. Tập đoàn này hiện đang nằm trong nhóm những công ty truyền thông và Internet lớn nhất châu Âu với số lượng nhân viên lên tới khoảng 10.000 người và này nắm giữ khoảng 82 ấn bản tạp chí trong thị trường nội địa và khoảng 229 tạp chí khác tại nước ngoài.
Đây quả là điều đáng mừng với một sản phẩm mới chỉ “chân ướt chân ráo” vào thị trường khoảng 2 năm và còn đáng mừng hơn nữa khi đây là một sản phẩm hoàn toàn của người Việt.

Để lý giải cho điều này, có lẽ lý do duy nhất và rõ ràng nhất, tạo ra Cốc Cốc là người Việt Nam, họ muốn và luôn hướng tới mục tiêu, đưa sản phẩm của mình vươn lên vị trí số 1 Việt Nam. Chính vì vậy, họ đặt mình vào người dùng để hiểu họ cần gì, biết họ muốn gì, và đáp ứng họ như thế nào một cách tốt nhất, hài lòng nhất.

Cụ thể, ngay từ khi ra mắt, Cốc Cốc đã cho thấy khả năng vượt trội trong tầm nhìn khi khả năng tìm kiếm địa điểm và quay hình 360 độ đã gây ấn tượng mạnh với người dùng (thời điểm này, các công cụ khác không làm được). Tiếp đó, nhóm còn tập trung vào những sở thích, nhu cầu đặc trưng của người Việt Nam, như download video, nhạc, hay cải thiện tốc độ tải về nhanh hơn so với những công cụ khác. Ngoài ra, bắt kịp với xu thế, Cốc Cốc còn “đặc biệt” hỗ trợ người dùng truy cập vào Facebook một cách thoải mái trong khi những trình duyệt khác không làm được.

Một thành viên của nhóm phát triển Cốc Cốc còn khiêm tốn cho rằng, sự thành công của Cốc Cốc ngày hôm nay, không chỉ từ sự cố gắng của nhóm, vì niềm tin và sự ủng hộ của các nhà đầu tư, mà còn vì được chính những người dân trong nước ủng hộ cho một sản phẩm “dành cho người Việt”.

Cũng theo chủ tịch của tập đoàn Hubert Burda Media, ông Peter Kennedy đã nói “Nếu Cốc Cốc có thể thành công ở Việt Nam thì nhóm cũng có thể thành công tại thị trường Châu Á - Thái Bình Dương. Bởi về cơ bản, nếu bạn tập trung một đội ngũ kỹ sư với chất lượng hàng đầu thế giới phục vụ cho nhu cầu của một địa phương như Cốc Cốc thì chắc chắn bạn sẽ chiến thắng các công ty toàn cầu nhưng không quan tâm tới thị trường họ đang phục vụ”.

Một số ưu điểm nổi bật của Cốc Cốc:

  • Hỗ trợ khả năng tự động thêm dấu và kiểm tra chính tả.
  • Tốc độ download nhanh hơn gấp 8 lần.
  • Là công cụ tìm kiếm tiếng Việt lớn nhất, với 2,1 tỷ trang web (số lượng tên miền “.vn” hay “.com.vn” gấp đôi Google).
  • Cơ sở dữ liệu tìm kiếm gồm hơn 500.000 địa điểm trên khắp Việt Nam (bao gồm công nghệ 360 panorama và các video quay khung cảnh của địa điểm và dịch vụ định vị người dùng) cho phép người tìm kiếm được tiếp cận một cách tối đa nhất.
  • Khả năng phân tích, nhận dạng tiếng Việt (kể cả các từ đồng âm, đồng nghĩa) cho kết quả tốt, nhanh và hiệu quả hơn so với Google.
  • Tích hợp GPS và tính năng dẫn đường trên iOSAndroid.
  • Là trình duyệt đầu tiên, duy nhất Việt Nam có khả năng giải bài tập Toán, Hóa học.
  • Có thể tra tỷ giá, đổi đơn vị đo lường, hay tra từ điển một cách trực tiếp.

Lời kết, thay vì phải sử dụng một sản phẩm có tiếng của trên thế giới với những cài đặt bắt buộc của họ, tại sao không để cho những người Việt Nam được sử dụng những sản phẩm của chính đất nước mình, đồng thời cũng là cơ hội cho những nhân tài trẻ có cơ hội được cống hiến, được phục vụ đất nước mình, đồng thời được thử sức với những đối thủ khác trong khu vực cũng như trên thế giới. Hãy lấy Zalo làm bài học, cũng là một ứng dụng thuần Việt như Cốc Cốc, cũng từng sai lầm, nhưng rồi động lực và sự thay đổi, niềm tin đội ngũ kỹ thuật và sự ủng hộ của người dùng đã giúp cho OTT này trở thành cái tên số 1 thị trường nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí.

Xin chúc cho những Cốc Cốc, Zalo nói riêng, chúc cho những nhân tài khác của Việt Nam nói chung, với những giấc mơ đang ấp ủ sẽ tiếp tục cố gắng, tiếp tục vươn lên để đưa sản phẩm của mình, đưa Việt Nam sánh ngang với các quốc gia khác về sản phẩm công nghệ.

Thứ Tư, 13/05/2015 17:27
51 👨 2.357
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Cốc Cốc